Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

MC Hồng Nhung khóc khi nghe những câu chuyện về Trường Sơn huyền thoại

60 năm đã đặt lên con đường Trường Sơn lịch sử những mất mát, những hy sinh và những huyền thoại không thể quên.

Một cựu chiến binh từng kể lại lần đầu tiên ông đặt chân đến nghĩa trang Trường Sơn, khi chỉ vừa kịp nhìn thấy bạt ngàn hàng chục nghìn ngôi mộ trắng, ông đã ôm mặt khóc, không ngừng lại được.

Đứng trước nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, với người từng đi qua cuộc chiến, với cả những người chưa từng biết đến chiến tranh, đều lặng người.

Cuộc chiến bi hùng ấy như vẫn còn vẹn nguyên ở đây, sự uy dũng nằm trên những tấm bia đề năm sinh, năm mất của hàng nghìn người lính trẻ, sự khốc liệt nằm trên những tấm bia không một dòng tên. Ở khắp dãy Trường Sơn, mỗi tấc đất đều thấm đẫm huyền thoại.

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Đoàn 559 - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019), chương trình Giai điệu tự hào: Ý chí và con đường tái hiện lại sinh động những câu chuyện về Trường Sơn lịch sử. Tất cả chỉ như ngày hôm qua.

Zing.vn có cuộc trò chuyện với MC, BTV Hồng Nhung - một trong những người tham gia sản xuất chương trình.

MC Hồng Nhung xúc động khi đọc về Trường Sơn MC Hồng Nhung chia sẻ tuy sinh năm 1990 nhưng cô rất yêu thích lịch sử, đã khóc khi nghe những câu chuyện về Trường Sơn.

“Tôi sinh năm 1990, đã khóc khi đọc về Trường Sơn”

- Đã có rất nhiều chương trình truyền hình lấy đề tài về Trường Sơn. Trong đó, “Huyền thoại Trường Sơn” ghi hình từ nghĩa trang Trường Sơn, với kịch bản đầy sức nặng từng chạm đến tận cùng tâm thức khán giả. Đó hẳn là một sức ép lớn với những người thực hiện chương trình “Giai điệu tự hào: Ý chí và con đường”?

- Đã có rất nhiều chương trình hay làm về đề tài Trường Sơn và gây tiếng vang, ví dụ như Huyền thoại Trường Sơn. Và cũng có những chương trình Giai điệu tự hào trước đây mang âm hưởng về Trường Sơn, được các nhà báo kỳ cựu dẫn dắt như chị Diễm Quỳnh, chị Quỳnh Hương... nên khi làm Giai điệu tự hào lấy đề tài Trường Sơn, chúng tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều.

Phần dẫn là thử thách rất lớn cho cả tôi và anh Lê Anh. Chúng tôi đại diện cho 2 thế hệ, Lê Anh của 7X, tôi sinh năm 1990, có thể đại diện cho 9X. Chúng tôi đều có chung sở thích đọc lịch sử, và đều rất xúc động khi đọc về chiến tranh.

Khi chương trình lên sóng, phần dẫn của chúng tôi cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, động viên cũng có nhiều ý kiến chưa bằng lòng, cho rằng chúng tôi còn quá trẻ, dẫn hời hợt.

Giai dieu tu hao Truong Son anh 1
BTV Hồng Nhung. Ảnh: Duy Anh.

Có một khán giả lớn tuổi từng là văn công ở Trường Sơn trách chúng tôi dẫn giả tạo, không cảm xúc (ngừng lại, xúc động – PV). Tôi thực sự rất buồn khi đọc được lời bình luận này. Việc bị nhận xét là "giả tạo" thực sự có phần nặng nề, và khiến tôi suy nghĩ mình đã sai ở đâu khi truyền đạt, bằng cách này hay cách khác chưa gửi đến khán giả một cảm xúc trọn vẹn nhất.

Tôi, và cả ê-kíp làm chương trình là những người rất trẻ, chúng tôi không có được sự trải nghiệm sâu sắc và những ký ức Trường Sơn, nhưng chúng tôi đã nỗ lực tiếp cận những tài liệu, hiện vật, gặp những nhân chứng lịch sử một cách nghiêm túc và đầy quyết tâm.

Với riêng tôi, có thể có những lời trách móc người dẫn chuyện chưa sâu sắc, nông cạn, hời hợt, tẻ nhạt. Nhưng giả tạo thì tuyệt đối là không. Tôi đã nghe, đã đọc, đã khóc, đã nói bằng lòng biết ơn, ngưỡng mộ của mình, và bằng tất cả sự chân thành và tri ân.

- Câu chuyện nào trong quá trình lấy tư liệu về Trường Sơn khiến chị khóc?

- Đó là những câu chuyện về đội nữ thanh niên xung phong C5. Tôi đứng ở góc độ là phụ nữ để nhìn những người phụ nữ ấy. Họ cống hiến cả thanh xuân cho mặt trận, sống và chiến đấu gian khổ. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ có thể là những phụ nữ phải đi chôn cất người yêu sau một trận bom. Họ có thể là người phụ nữ trở về sau chiến tranh sống cả đời trong cô độc.

Họ có thể là người phụ nữ sẵn sàng ở vậy 10 năm, 20 năm chờ người yêu vì một lần chạm tay, thậm chí chẳng có được một lần chạm tay, chỉ là một lời hẹn ước vội vã nào đó giữa rừng Trường Sơn.

Bây giờ, không thể có những câu chuyện tình yêu trong sáng, và huyền thoại như thế.

- Tình yêu và lễ cưới Trường Sơn là một trong những dấu ấn để lại nhiều cảm xúc của chương trình. Thông điệp mạnh mẽ nhất ở chi tiết này là gì, là tình yêu huyền thoại hay tình yêu đời thường của những anh hùng viết nên huyền thoại, theo chị?

- Có người nói thế này: Trường Sơn không tự nó làm nên huyền thoại. Mà chính con người Việt Nam đã viết nên huyền thoại Trường Sơn. Đằng sau 2 tiếng huyền thoại ấy, là đau thương, mất mát trên mỗi tấc đất rừng Trường Sơn. Những câu chuyện ấy, tôi tin chúng ta đều biết cả.

Chúng tôi không muốn khai thác quá nhiều những nỗi đau. Chúng tôi muốn nhắc tới những câu chuyện, những con người đời nhất. Ở giữa rừng Trường Sơn khốc liệt đầy đạn bom, ông bà chúng ta là những người thanh niên trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất, khao khát một cuộc sống bình thường không tiếng súng, khao khát tiếng hát, khao khát tình yêu.

Bao nhiêu lời thề hẹn là gần như bấy nhiêu lời chia ly. Có những lễ cưới không có cô dâu, có những lễ cưới không có chú rể, vì chưa kịp nên vợ nên chồng thì một hoặc cả hai người đã hy sinh.

Có những người may mắn hơn khi tổ chức được một đám cưới đủ đầy, và lần này, chúng tôi tìm gặp được 2 cô chú như vậy. Chúng tôi tái hiện lại lễ cưới năm xưa - lễ cưới đầu tiên được tổ chức giữa rừng Trường Sơn.

Tôi và anh Lê Anh, với tất cả sự chân thành của thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên giữa thời bình, đã rất xúc động khi đến dự một đám cưới Trường Sơn ở Giai điệu tự hào. Khi hát Sợi nhớ sợi thương cùng Lê Anh, tôi vui như một cô văn công, Lê Anh như anh bộ đội, hạnh phúc hát mừng một đám cưới Trường Sơn, đang thật sự diễn ra.

Giai dieu tu hao Truong Son anh 2
Lễ cưới Trường Sơn tái hiện trong chương trình kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Đoàn 559 – Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn.

“9X chúng tôi nhìn về chiến tranh bằng sự tri ân”

- Những người đã đi qua chiến tranh khi xem một chương trình về Trường Sơn có thể chờ đợi những câu chuyện có sức nặng hơn, chờ đợi những cảm thức xúc động mãnh liệt hơn. Có thể vì thế, mà một MC 9X như chị đã bị chê là giả tạo?

- Người trẻ chúng tôi không nhìn về chiến tranh bằng sự đau đớn, mà bằng tất cả sự biết ơn và tri ân. Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với các cựu chiến binh, với những nữ thanh niên xung phong C5, có những người chỉ nhắc đến những cụm từ “lính lái xe”, “lính quân y”, nói đến cơn sốt rét năm xưa, họ đã òa khóc, không ngừng lại được.

Và khi gặp lại nhau ở Hà Nội chuẩn bị ghi hình chương trình, những cựu chiến binh cũng đứng ôm nhau khóc… Với những người đã đi qua cuộc chiến, nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai.

Thậm chí với nhiều người, có lẽ nỗi đau đã quá sức chịu đựng. Vậy nên bản thân tôi nghĩ rằng nếu cứ kể mãi về nỗi đau, có thể ta đang cứa sâu hơn vào những vết thương chưa bao giờ lành.

Những điều đã đọc, những nhân vật đã gặp, từ Trường Sơn, cho tôi sự trưởng thành và trân trọng nhiều hơn cuộc sống mình đang có. Không chỉ có tôi, tôi nghĩ những người trẻ bây giờ cũng không bao giờ quên, và luôn nhìn về lịch sử với sự tri ân chân thành.

Giai dieu tu hao Truong Son anh 3
Chương trình tái hiện lại cuộc sống của những người lính Trường Sơn năm xưa.

- Từng có nhiều e ngại về việc giới trẻ xa rời, và không còn quan tâm đến lịch sử. Nhân vật nào có ảnh hưởng lớn nhất để chị có được góc nhìn tri ân lịch sử?

- Câu chuyện này mang tính riêng tư, nhưng tôi sẽ kể. Ông nội của con trai tôi là anh hùng Lê Quang Vịnh, ông là cựu tù 16 năm ở Côn Đảo. Những câu chuyện của ông về những ngày tháng bị tù đày ở Côn Đảo thực sự khiến tôi xúc động.

Bây giờ, tôi và con trai sống ở Hà Nội. Ông nội và gia đình sống ở Sài Gòn. Một năm con trai tôi và ông nội của cháu gặp nhau vài lần, và lần nào cháu cũng rất say mê nghe ông kể chuyện chiến đấu, chuyện tù đày ở Côn Đảo.

Khi cháu hơn 2 tuổi, cháu đã đến nhà tù Côn Đảo, thăm lại chính căn buồng nơi ông bị giam ngày xưa, cháu tra chìa khóa mở cùm, cháu đứng trên những chuồng cọp và hát bài hát của các cựu tù Côn Đảo mà ông nội đã dạy.

Những câu chuyện rất khó lý giải, giống như huyết thống vậy. Huyết thống ấy, bằng cách nào đó, sẽ vẫn chảy qua từng thế hệ chúng ta.

Và con trai tôi, cháu được đặt tên là Việt Nam.

Hiền Hương - Ly Nguyễn

Ảnh, Video: Duy Anh

Bạn có thể quan tâm