Tôi tìm sự hòa hợp lý tưởng giữa mình và bạn dẫn
- Đến thời điểm hiện tại, chị có nhớ mình đã dẫn cùng với bao nhiêu đồng nghiệp nam?
- Bạn dẫn đôi đầu tiên của tôi trên truyền hình là anh Nguyên Khang trong chương trình Cầu vồng - Nhà thiết kế trẻ. Sau đó là Phan Minh Khánh trong Chai thủy tinh 2009, Tuấn Hải trong Sắc màu âm nhạc 2011, MC Hồng Phúc – Change Life 2014, và một số cơ hội làm việc khác với Đức Bảo, Danh Tùng, Thái Dũng, Thanh Tùng, BTV Ninh Quang Trường, diễn viên Kiên Hoàng và đặc biệt là thầy Thanh Bạch – người thầy tôi vô cùng kính trọng trong nghề.
- Cảm giác lần đầu tiên dẫn đôi đối với chị như thế nào?
- Đầu tiên là rất háo hức vì tôi nghĩ trách nhiệm sẽ được san sẻ đi một nửa và mình đỡ phải lo lắng hơn. Thế nhưng tôi đã hoàn toàn nhầm (cười). Sự thật thì trách nhiệm sẽ tăng lên gấp đôi, mình không chỉ lo cho mình mà còn phải lo cho bạn dẫn nữa. Tôi nhận ra rằng không thể hoàn toàn toàn dựa vào hay giao phó trọng trách cho bạn dẫn.
- Sau nhiều lần làm việc, chị thích dẫn một mình hay có người đồng hành ở bên?
- Kiểu nào cũng có cái hay của nó. Thử thách của dẫn đôi nằm ở chỗ làm sao tìm cho mình một người đồng hành ăn ý để cả hai đều kiểm soát cuộc chơi ở những góc độ khác nhau. Trong khi, việc làm chủ tình huống xem ra lại dễ dàng hơn nếu dẫn một mình.
Tuy nhiên, sự tung hứng nhịp nhàng trong dẫn đôi sẽ mang đến những nội dung mở cho cuộc trò chuyện hay sự sôi động cho chương trình. Dù sao điều gì thử thách mình hơn thì mình vẫn thích làm hơn. Tôi cũng vẫn đang trên đường tìm tòi, không phải một người bạn dẫn lý tưởng, (bởi vì nếu tìm như vậy thì mỏi mắt!), mà là tìm điểm hòa hợp lý tưởng giữa mình và bạn dẫn, tối đa hóa điểm chung của cả hai, thấu hiểu những người tôi đang cộng tác, và tôn trọng cá tính riêng của họ, nâng họ lên đúng lúc trong chương trình.
Điều này sẽ thuận lợi hơn khi mình làm chủ chương trình (host), chứ không đơn thuần chỉ “diễn” những văn bản có sẵn. May mắn là những chương trình đang thực hiện, tôi đều được đảm nhận việc sản xuất từ lời dẫn tới các khâu tiền kỳ hậu kỳ nên kiểm soát được khá nhiều.
Nữ MC xinh đẹp của VTV. |
- Trong số những đồng nghiệp đã dẫn cùng, chị cảm thấy ăn ý với ai nhất?
- Người tôi được học hỏi nhiều nhất khi dẫn đôi đó là người thầy của mình - MC Thanh Bạch. Thầy luôn truyền cảm hứng, khích lệ tôi, giúp tôi mềm hóa cách truyền thông tin, và cả cách khai thác sâu sắc hơn cho những cuộc trò chuyện. Khán giả có thể quen với một MC Thanh Bạch đầy chất tạp kỹ hoạt náo ở sân khấu, nhưng ở một góc khác, thầy lại ưa thích khai thác câu chuyện trong các cuộc talk theo chiều sâu. Điều này không khó hiểu chút nào hiểu bởi thầy sống tình cảm, nội tâm và tinh tế lắm. Khi dẫn với thầy, tôi hoàn toàn tin tưởng, giống như đang có một bạn nhảy dìu mình từng bước đi thú vị.
Ngoài ra, người bạn dẫn ăn ý gần đây nhất chính là anh Hồng Phúc. Anh Phúc là người có nhiều kinh nghiệm, tôi phục anh khi lựa chọn một số điểm sáng trong chương trình để tôn mình lên nhưng cũng không có nghĩa là bỏ quên bạn dẫn. Trong mảnh đất diễn có phần chật hẹp cho người dẫn của một chương trình mang tính khoa giáo như Thay đổi cuộc sống, chúng tôi vẫn câu bắt, cùng thả cho nhau các ý mở để khai thác liên tiếp câu chuyện.
Một người nữa mà tôi muốn nhắc đến là anh chàng MC điển trai Tuấn Hải của chương trình Café sáng với VTV3. Tôi và Hải đã dẫn chung chương trình Sắc màu âm nhạc của Ban biên tập Truyền hình Cáp trong hai năm. Đây cũng là chương trình đầu tiên tôi đứng ra sản xuất (năm 2012). Giữa tôi và Hải là một tình bạn thân thiết. Một chi tiết thú vị trong cách dẫn của Hải mà chúng ta ngày càng hiếm gặp trong các MC nam, đó là sự nâng niu tuyệt đối cho bạn dẫn bằng cách thường xuyên nhận phần thiệt về mình trong mọi cuộc tranh luận với nữ giới. Vì “chiêu” này mà trên truyền hình, Tuấn Hải là người đàn ông lịch lãm, galant và tinh tế - đấy là sự thông minh, khéo léo của anh chàng này – tưởng chừng như là dìm mình xuống, nhưng thực tế lại là nâng cả hai lên. Dẫn đôi cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị như vậy đấy!
- Từ những lần dẫn đôi thì theo chị, đâu là yếu tố quan trọng nhất để có được sự ăn ý giữa hai MC?
- Đó chính là việc tôn trọng bạn dẫn, theo quan điểm của tôi. MC cũng giống như một người nghệ sĩ vậy, mà đã là nghệ sĩ thì ai cũng muốn khẳng định cái tôi của bản thân, ai cũng muốn mình có phần đất diễn riêng biệt để tỏa sáng. Điều này khiến đôi lúc khiến nhiều MC quên mất là lúc mình tỏa sáng thì câu hỏi đặt ra là bạn dẫn của mình đang ở đâu? Chương trình sẽ không thể thành công được khi chỉ có một người tỏa sáng mà chúng ta phải nâng nhau lên, đôi khi có sự nhún nhường để nâng bạn dẫn lên,
Góc nhìn của người sản xuất chưa bao giờ tôi cho phép mình "bay đi, phiêu thật xa" trong phần dẫn của mình mà bỏ rơi đồng nghiệp. Vì là nữ, tôi luôn muốn MC nam nắm tình thế chủ động và mình thì đảm nhận phần khai thác nội dung sâu hơn.
- Nhắc lại về lần dẫn đôi với MC Thái Dũng trong Liên hoan phim quốc tế, sự cố ở chương trình này khiến chị rút ra được những kinh nghiệm gì?
- Thực ra tôi đã từng không muốn nhắc đến sự cố này và lấy đó như một bài học kinh nghiệm cho mình. Tôi đã đọc tất cả những gì khán giả nhận xét và suy nghĩ rất nhiều. Nhân đây, tôi rất mong được một lần nói lại để khán giả hiểu hơn.
Trong buổi tối hôm đó, khối lượng kịch bản đồ sộ hơn rất nhiều so với 20 phút mà hai MC thể hiện. Đạo diễn có bàn bạc trước, phân công ai sẽ hỏi cái gì và tham gia trực tiếp về mặt nội dung cùng chúng tôi, chứ không phải là 2 MC chỉ tự phát ngẫu hứng. Khi nhận làm MC, cả tôi và anh Thái Dũng đều biết một số MC từng dẫn Liên hoan phim đã rất áp lực vì tính gấp gáp của công việc này. Nhưng lúc đó, trong đầu chúng tôi là sự háo hức với công việc mới, và suy nghĩ le lói không muốn lặp lại cách dẫn vốn đã rất an toàn của các MC trước đây. Có lẽ đã đến lúc thế hệ MC trẻ nên đưa tư duy mới mẻ hơn một chút vào cách dẫn của chương trình? Chúng tôi đã cố gắng gần gũi, không sử dụng ngôn từ sáo rỗng, không trịnh trọng cầu kỳ hay đứng im chỉ để có một khuôn hình đẹp.
Tôi còn nhớ hôm đó mình mắc hai lỗi mà báo chí nói đến rất nhiều là đặt câu hỏi cắc cớ cho anh Trần Bảo Sơn và gọi nhầm tên diễn viên Khương Ngọc. Vốn đã biết anh Khương Ngọc từ trước nhưng khi tên một nữ diễn viên lẽ ra phải xuất hiện nhưng không có mặt ngay lúc đó đã khiến tôi đọc sai. Sau đó tôi vào hậu trường để xin lỗi anh Khương Ngọc. Từ đó đến giờ thì hai anh em vẫn thường xuyên trao đổi trên Facebook. Tôi cũng đã mời anh ra Hà Nội tham gia show của mình vào tháng tới, hy vọng anh ấy nhận lời.
Về việc đặt câu hỏi cắc cớ, trước khi phỏng vấn, tôi đã có tìm hiểu. Trần Bảo Sơn là người rất tinh tế và bản lĩnh. Bản thân anh tự chọn đi một mình (nằm ngoài kịch bản) chứ không theo đoàn làm phim – đó là dấu hiệu để tôi tin tưởng hơn vào phần đặt câu hỏi của mình (ý tứ vốn đã chuẩn bị từ trước). Đứng trước một câu hỏi “xoáy”, việc anh trả lời như thế nào sẽ giúp cho bản lĩnh và tên tuổi anh được khẳng định. Chúng tôi đặt câu hỏi cắc cớ, không có nghĩa chúng tôi muốn làm khó nhân vật và thực sự là không phải ai cũng phù hợp để bạn đặt câu hỏi khó. Tôi tin là anh Trần Bảo Sơn có đủ tự tin, nhạy bén để trả lời những câu hỏi đó và anh ấy đã thể hiện hơn cả những gì tôi kỳ vọng. Không khí chúng tôi mang lại cũng không hề căng thẳng, đó là sự gần gũi mà các chương trình thảm đỏ vẫn thực hiện trên thế giới.
Tuy nhiên, thiếu sót của hai MC chính là việc chưa uốn nắn ý tứ hỏi của mình làm sao cho tinh tế hơn, phù hợp hơn và không gây shock với khán giả. Chúng tôi hiểu rằng mình cần có thêm năm tháng, cần có nhiều cơ hội nữa để hoàn thiện. Nhìn nhận một cách tích cực, việc được nhắc đến nhiều xoay quanh chủ đề này biết đâu lại khiến cho những người dẫn chương trình hiện nay suy nghĩ thêm về vai trò “host” của mình trong mỗi chương trình. Đó cũng là điều chúng tôi mong muốn.
- Vậy cảm xúc ảnh hưởng như thế nào đến chị mỗi khi dẫn chương trình?
- Như tôi đã nói, MC cũng giống như một người nghệ sĩ và tôi không phủ nhận mình là người có rất nhiều cảm xúc và tính cách nghệ sĩ. Trước mỗi chương trình, dù có háo hức đến đâu thì tôi cũng phải tiết chế, đong đếm vừa phải cái tôi cảm xúc ấy. Cũng có những lúc mình không kiềm chế được. Tôi còn nhớ lần dẫn Chang Life - Thay đổi cuộc sống, khi thấy nhân vật khóc tôi cũng khóc theo, không ngăn được cảm xúc của mình. Điều đó rất nguy hiểm vì chính lúc như vậy MC mất đi vai trò dẫn dắt chương trình. May mà có anh Hồng Phúc tiếp tục chuyển hướng câu chuyện.
Còn trước mỗi chương trình, tôi thường chuẩn bị thái độ trong sáng, tươi mới nhất của mình, đặt vị trí mình là một người khán giả. Tất cả mọi chuyện buồn, vui hậu trường đều gạt hết, thậm chí có vừa tranh luận gay gắt với đạo diễn cũng bỏ qua. Đây cũng tố chất của mọi người dẫn chương trình mà tôi nghĩ MC nào cũng thế thôi.
Phí Linh muốn cống hiến hết hình cho công việc hiện tại. |
Mơ về một chương trình của riêng mình
- Công việc MC đã mang đến những trải nghiệm như thế nào cho chị?
- Từ sau cuộc thi Cầu vồng, tôi đã luôn nghĩ mình phải trở thành biên tập viên, nhà sản xuất truyền hình và luôn cố gắng quan sát mọi khâu sản xuất truyền hình từ nhỏ nhất rồi từng bước tự tay thực hiện. Tôi rất ngưỡng mộ chị Mỹ Linh của Văn hóa sự kiện và nhân vật, nói lên tiếng nói của mình trong không gian chính mình tạo ra. Tôi rất yêu và trân trọng chị trong hình ảnh ấy. Khi là một nhà sản xuất, người dẫn chương trình biết mình nên nói gì và không nói gì.
Trên con đường đó, tôi thấy mình cũng va vấp nhiều, ngã đau nhưng rồi lại đứng lên đi tiếp. Đó không phải là mất mát mà là được, và là lãi rất nhiều vì nếu không ngã thì tôi không thể trưởng thành. Tôi luôn hết mình từ giây phút đầu tiên cho đến bây giờ.
- Vậy đã có lúc nào chị từng mơ về một chương trình của riêng mình?
- Tất nhiên là có rồi. Tôi làm về văn hóa giải trí và muốn có một chương trình tạp kỹ đa dạng về hình thức thể hiện, vừa có thể đi sâu khai thác chân dung nhân vật nhưng cũng tổng thêm nhiều thể loại khác của truyền hình như gameshow, truyền hình thực tế hay lồng ghép phong cách sống, mang lại những phút thư giãn nhưng đâu đó cũng sẽ là suy ngẫm cho khán giả.
Để làm được điều đó tôi cần thêm những chấm phá dí dỏm trong đời sống và trong công việc. Có thể là đôi khi tôi còn nghiêm túc và cầu toàn quá nên thi thoảng cần nới lỏng cơ thể cho mềm dẻo hơn.
- Là một MC, BTV trẻ, chị cảm thấy VTV là một môi trường làm việc như thế nào?
- 9 năm ở VTV là một hành trình đủ dài để tôi có thể trải qua tất cả các công việc của truyền hình. Tôi tự tin rằng mình đã ở một trình độ để có thể đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra. VTV là môi trường lý tưởng nhất cho bất cứ ai muốn trở thành một nhà sản xuất truyền hình. Nếu chỉ để trở thành một MC thì bạn đang lãng phí những cơ hội được làm việc thực sự ở đây.
Tôi vào VTV bắt đầu từ năm 2006 với chương trình Me xanh, khi còn đang học lớp 11. Tôi đọc lời bình, quay phóng sự, dẫn kết nối và tự mình biên tập câu hỏi cho khán giả. Rồi sau đó tôi tiếp tục từ làm từ trợ lý, lau sàn trường quay, đi quay cùng quay phim, dựng chương trình, nộp băng phát sóng, thậm chí là kiểm tra đến cùng chương trình trên hệ thống truyền dẫn phát sóng. Được làm những công việc này tôi mới thấy được quy trình sản xuất thú vị như thế nào. Tất nhiên là có gian khổ, có thiệt thòi nhưng vì là người đam mê công việc nên tôi thấy VTV thực sự là một môi trường quá tuyệt vời.
Ở Ban biên tập truyền hình Cáp, tôi được hỗ trợ rất nhiều, trong đó có “sếp” (nhà báo Trịnh Long Vũ) cũng chính là giám khảo của tôi ở Cầu Vồng 2009. Anh chấp nhận sự thiếu kinh nghiệm và nhận thức non trẻ của tôi, để tôi “xông pha” mọi mặt trận và cũng cho tôi khá nhiều lời khuyên. Tôi tham gia xây dựng ý tưởng hàng tuần và được thử sức ở nhiều thể loại chương trình, lĩnh vực khác nhau trên sóng truyền hình trả tiền vốn vô cùng đa dạng các kênh và nội dung.
- Để trở thành một nhà sản xuất trong tương lai, chị dự định sẽ chuẩn bị những gì cho ước mơ này?
- Mục tiêu trước mắt của tôi trước hết là nâng cao kiến thức bản thân trong việc đào sâu cách thể hiện hiệu quả cho mỗi chương trình, dù là lớn hay nhỏ. Nếu có cơ hội, tôi rất muốn du học vài năm để tìm hiểu về truyền thông mới, bởi nền tảng tiếp cận khán giả của truyền hình đang thay đổi từng ngày.