Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Hải, chuyên ngành Thính học, Đại học Y dược TP.HCM, cho hay xì mũi là việc thường xuyên gần như hàng ngày, thậm chí được xem như thói quen không cần phải học. Điều này đang đem đến những hệ luỵ không nhỏ.
Rất ít người biết xì mũi đúng, tức là xì sạch mũi mà không gây tác hại cho các bộ phận lân cận như xoang, tai...
“Tôi từng chứng kiến các bà mẹ xì mũi cho con bằng cách bịt ngay hai cánh mũi lại với mục đích vuốt mũi cho bé. Đến tối, cháu sốt và đau tai. Sáng hôm sau, khi soi tai, tôi thấy màng nhĩ phồng đỏ. Đây chính là hậu quả của việc xì mũi không đúng cách - viêm tai giữa cấp”, bác sĩ Hải kể.
Hình ảnh viêm tai giữa cấp ở trẻ. Tai giữa viêm phồng đỏ do xì mũi không đúng cách. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Cách xì mũi đúng cách cần đảm bảo hai bên mũi phải thông thoáng, không bị nghẹt một hoặc cả hai bên mũi.
“Nguyên tắc là bịt một bên, để trống lỗ đối diện, không cùng lúc bịt cả hai bên để đảm bảo sự thông thoáng. Nếu bạn bịt bên thông, xì bên nghẹt chẳng khác nào bịt cả hai bên để xì mũi. Điều này sẽ gây phản ứng dội, dịch kèm vi khuẩn sẽ lên tai hoặc chui vào xoang gây viêm tai hoặc viêm xoang”, thạc sĩ Hải phân tích.
Trước khi có động tác xì mũi, người lớn nên thử có thông thoáng hay không. Nếu mũi chưa thông, chỉ nên lau từ bên ngoài, tuyệt đối không xì mũi ngay.
Để thông mũi, các bạn nên nhỏ nước muối sinh lý 0,9%, hoặc tiện hơn, bạn dùng hai ngón tay xoa lên thân mũi, dọc giữa mũi khoảng 2-3 phút, sau đó mũi sẽ thông thoáng (Đông y gọi là huyệt Nghinh Hương).
Với trẻ em, bố mẹ không nên để bé tự xì mũi, dù bé biết cách làm. Nếu con đang chảy mũi, nên dùng nước muối 0,9% nhỏ vào mũi mỗi bên 5 giọt, ngày nhỏ 5 lần/5 giọt một bên, sau đó dùng ống hút mũi cho bé. Nếu cần thiết, nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa và kết hợp hút mũi.
Lưu ý, bạn không nên để dịch ứ đọng trong mũi lâu gây tắc mũi, từ đó dẫn tới nhiều biến chứng khác.