Sau khi xảy ra vụ cướp giật ở Sài Gòn khiến bà Lê Mộng Huyền (46 tuổi, ở quận Bình Tân) tử vong và con gái phải nhập viện do động thai, độc giả Hong chia sẻ trên Zing.vn: "Xã hội giờ ra đường sợ quá.... Xin cơ quan công an vào cuộc để trả lại đời sống bình yên cho người dân".
Bọn cướp ngày càng manh động
Sáng 17/2, biết tin người phụ nữ trung tuổi tử vong sau vụ cướp giật, ông Hồ Văn Lai (66 tuổi), nhân chứng vụ việc chia sẻ: "Không ngờ người mẹ lại tử vong, thật quá đau lòng. Bọn cướp ngày càng lộng hành".
Người đàn ông này kể tên cướp hôm đó ra tay quá nhanh, không ai kịp nhìn biển kiểm soát của chúng.
Tuyến đường nơi xảy ra vụ cướp khiến bà Huyền tử vong. Ảnh: Chi Mai. |
Tăng Quang Dinh (35 tuổi) cho biết anh là người đứng chờ khách chạy xe ôm từ 21h đến 0h hôm sau tại nơi xảy ra vụ việc. Là người làm việc ở đây đã lâu nhưng người đàn ông này khẳng định chưa bao giờ chứng kiến vụ cướp trắng trợn như vậy.
Anh Dinh kể, khoảng 21h30 hôm 15/2, anh cùng bố vợ là Hồ Văn Lai đang đứng đậu xe ở trước nhà số 568A trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân) thì nghe tiếng tri hô thất thanh: "Cướp, Cướp". Nhìn lại vị trí hô hoán, anh thấy 2 thanh niên đang áp sát giật túi xách của một nạn nhân nữ. Cướp không thành, 2 thanh niên phóng xe bỏ chạy.
Vụ việc khiến bà Huyền cùng con gái đập mặt xuống đường. Người phụ nữ trung tuổi tử vong 23h cùng ngày, còn chị Nhi bị động thai phải nhập viện cấp cứu.
"Bọn cướp chạy xe Wave Alpha. Không biết chúng có kịp để ý chị này đang mang bầu hay không mà giật túi làm hai mẹ con té như vậy", anh Dinh nói.
Cũng có mặt ở thời điểm đó, ông Nguyễn Tấn Khanh, Trưởng ban bảo vệ khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân nhớ lại: "Khi đưa 2 mẹ con nạn nhân vào lề đường họ vẫn còn tỉnh táo. Do quá hoảng sợ, nên người mẹ không nói được gì còn cô gái mang bầu liên tục hỏi: "Mẹ có sao không".
'Ra đường không khác gì cuộc chiến'
Bình luận về vụ việc, nhiều thành viên trên mạng xã hội tỏ sự bực tức, sợ hãi với tình trạng cướp giật ngày càng nhiều trên địa bàn TP.HCM.
Thành viên Đặng Lan Anh ví von ra đường không khác gì cuộc chiến. Người này cho rằng khi ra đường luôn trong tình trạng đề cao cảnh giác sẽ khiến mọi người mất tập trung khi tham gia giao thông.
"Mình mong đến một ngày nào đó sẽ loại bỏ được nỗi ám ảnh trên, thoải mái diện đồ đẹp trên người, mở cốp xe cũng không phải lo lắng. Rồi người dân dám cầm điện thoại lên nghe chứ không phải giấu giếm như bây giờ", Lan Anh viết.
Vị trí xảy ra vụ cướp (chấm đỏ) trên quốc lộ 1, khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân theo hướng lưu thông từ ngã tư An Sương về đường An Lạc.
|
Từng là nạn nhân của một vụ cướp điện thoại, thành viên Hòa Mai Lan kể đến giờ chị vẫn còn bị ám ảnh. "Mình đang dừng lại nghe điện thoại bên đường, bỗng nhiên một chiếc xe máy vụt qua giật mất. Không hiểu chuyện gì đang diễn ra, đến khi định hình lại thì họ chạy mất rồi”.
Để xảy ra tình trạng cướp giật trên phố hiện nay, một số ý kiến cũng thẳn thắn chỉ ra rằng một phần do ý thức của người tham gia giao thông.
"Ra đường, các cô gái như muốn thể hiện ta là người có tiền, sang chảnh. Có người đeo đầy trang sức trên người hay đeo túi sách thì hớ hênh... Như vậy không tạo điều kiện cho cướp thì là gì? Khuyến cáo bao nhiêu lần rồi có nghe đâu", thành viên Hoài Nam phân tích.
Để người dân thành phố và cả du khách đến Sài Gòn không còn nơm nớp lo sợ bị cướp giật khi ra đường, nhiều bạn đọc cho rằng nên tăng hình phạt đối với tội cướp giật. Cấp chính quyền cũng cần lắp camera hành trình trên tất cả các tuyến đường để ghi lại những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, để hạn chế các vụ cướp giật nơi đây, nhiều độc giả để lại bình luận mong muốn công an thành phố thành lập nhiều đội săn bắt cướp hoặc thành lập lực lượng cảnh sát 141 như ở Hà Nội.