Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ chồng và mẹ đẻ là bạn thân, 9X Nghệ An có cuộc sống mơ ước

Có mẹ chồng và mẹ đẻ là bạn thân, Cẩm Ly được hai bên gia đình hết mực thương yêu. Ở nhà chồng, Ly không phải nấu ăn, giặt giũ…

Chuyện tình của chị Trần Thị Cẩm Ly (30 tuổi, hiện sống ở Hà Nội) và anh Ngọc Sơn (31 tuổi) từng có lúc không thuận buồm xuôi gió. Hai người phải trải qua nhiều thử thách, rào cản mới được ở bên nhau.

Cùng quê Nghệ An, từ nhỏ, chị Cẩm Ly và anh Ngọc Sơn đã biết nhau thông qua tình bạn thân thiết của hai người mẹ. Anh Sơn lớn hơn chị Ly một tuổi. Thế nên, mỗi năm, mẹ của anh đều mang sách giáo khoa cũ của con trai đến tặng cho con gái bạn thân.

me chong nang dau anh 1

Vợ chồng chị Ly yêu 8 năm và kết hôn được gần 5 năm.

12 năm học sách cũ của bạn trai

12 năm, chị Ly học lại sách cũ của anh Sơn nhưng hai người như chẳng liên quan đến nhau. Bởi, chị Ly học hành chăm chỉ còn anh Sơn lại là thành phần cá biệt trong trường.

Thế nhưng, đến năm học lớp 12, anh Sơn đột nhiên trở thành con ngoan trò giỏi và thi đỗ đại học. Điều này khiến chị Ly cảm thấy tò mò nên chủ động xin số điện thoại của đàn anh.

Anh Sơn ra Hà Nội học đại học, chị Ly vẫn ở Nghệ An học lớp 12. Lúc đó, hai người bắt đầu nhắn tin trò chuyện. Tuy nhiên, sau đó, sợ ảnh hưởng đến việc học hành thi cử, chị Ly chủ động cắt đứt liên lạc.

Chị Cẩm Ly kể: “Ngày đó, người lớn ở quê tôi đều nhắc nhở con cái cố gắng thi đỗ đại học mới mong thoát nghèo.

Cũng vì thế, dù mẹ tôi và mẹ chồng là bạn thân, hai bên gia đình cũng quý nhau nhưng người lớn lại ngăn cấm chúng tôi yêu nhau. Bố mẹ sợ chúng tôi yêu sớm, không lo học hành”.

me chong nang dau anh 2

Mẹ ruột và mẹ chồng của chị Ly là bạn thân.

Khi chị Ly học lớp 12, bố mẹ chị rời quê, chuyển vào Đắk Lắk sinh sống. Thế nên, chị Ly dự tính đăng ký thi vào các trường đại học ở phía Nam.

Tuy nhiên, duyên số lại xui khiến chị Ly thi đỗ vào trường đại học ở Thủ đô. Từ đây, chị và anh Sơn nối lại liên lạc.

Chị Ly cười thẹn thùng khi kể lại kỷ niệm đánh dấu bước ngoặt chính thức hẹn hò của vợ chồng chị. Đó là lúc mới ra Hà Nội nhập học, chị rủ người chị họ đi mua sắm ở siêu thị.

“Gái quê lần đầu ra thành phố, lớ ngớ thế nào làm mất luôn túi xách. Trong túi có toàn bộ tiền bố mẹ cho tôi, còn giấy tờ và vé xe nữa.

Tiền không còn một xu, xe cũng chẳng lấy được, tôi chẳng biết nhờ cậy ai nên đành gọi điện, nhờ anh Sơn đến cứu. Sau lần anh hùng giải cứu mỹ nhân, chúng tôi chính thức hẹn hò”, chị Ly chia sẻ.

Trong 8 năm yêu nhau, chị Ly và anh Sơn có 7 năm không dám công khai chuyện tình. Thậm chí, cả hai còn không dám tin có một ngày bố mẹ cho phép cưới xin.

Trải qua bao trắc trở, hiện tại, vợ chồng chị Ly đã kết hôn được gần 5 năm và có một bé trai hơn 2 tuổi.

Bố mẹ chồng thương quý

Sau khi kết hôn, hôn nhân của vợ chồng chị Ly vô cùng thuận lợi. Cả hai được bố mẹ hai bên yêu thương và quan tâm chu đáo.

Suốt 5 năm lấy chồng, chị Ly luôn thấy mình may mắn và tự hào khi được làm con dâu của bố mẹ chồng. Dù không sống chung nhưng mỗi lần về quê, chị được bố mẹ chồng thương yêu như con gái.

me chong nang dau anh 3

Hôn nhân hạnh phúc, bố mẹ chồng thương yêu, chị Ly có điều kiện phát triển công việc và chăm sóc bản thân.

Với nàng dâu 9X, bố mẹ chồng không khác bố mẹ ruột, nhà chồng cũng như nhà mẹ đẻ.

“Bất kể chuyện trên trời dưới biển, công việc, bạn bè, kể cả nói xấu chồng, tôi đều tâm sự với mẹ. Mẹ chồng nàng dâu cứ tíu tít không hết chuyện.

Khi vợ chồng hục hặc, tôi rất vững tâm, bởi có mẹ làm đồng minh. Mẹ tôi rất hiện đại, tâm lý và suy nghĩ tích cực. Thế nên, tôi học được rất nhiều điều bổ ích từ mẹ”, chị Ly tâm sự.

Ngoài mẹ chồng, bố chồng chính là thần tượng của chị Ly. Trong mắt con dâu, ông là người đàn ông mẫu mực, tốt bụng và rất yêu gia đình.

Chị Ly nhớ lúc bố chồng chưa nghỉ hưu, cuối tuần, ông mới về nhà. Nhưng, “cứ có bố ở nhà là mẹ em lại được chiều như công chúa.

Chiều chiều, bố giục mẹ đi đánh bóng chuyền cho khỏe, tối về đã có cơm bố chờ. Trước ngày đi làm, bố lúc nào cũng dặn mẹ là nếu bận thì để nhà cửa đấy cuối tuần ông về dọn dẹp. Bố chỉ cần mẹ vui khỏe là được”, chị Ly tự hào.

Chị Ly nói vui: “Từ khi lấy chồng, tôi chẳng còn xem phim tình cảm nữa, học theo bố mẹ chồng thôi cũng đã đủ rồi”.

Những ngày đầu chị Ly về làm dâu, bố chồng của chị thường bảo: “Ở nhà con thì con thích làm gì con làm, còn về đây là không cần làm gì cả, cứ nghỉ ngơi cho thoải mái”.

Và đúng thật, 5 năm làm dâu, ngoài việc thỉnh thoảng nấu ăn, chị Ly không có cơ hội làm thêm bất cứ việc gì.

me chong nang dau anh 4

Nàng dâu 9X rất ngưỡng mộ bố chồng (áo xanh) và thương yêu bố ruột.

“4h sáng, bố đã dậy giặt đồ, dọn dẹp. Mẹ chồng còn dặn bố là dậy sớm thì đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên để cho các con còn ngủ. Tôi ăn chậm nhất nhà nhưng mỗi lần ăn cơm xong chưa kịp thả đũa là bố đuổi tôi như đuổi tà”, chị Ly hài hước kể.

Hiện tại, bố chồng chị Ly đã nghỉ hưu. Cứ mỗi lần nghe tin vợ chồng con trai sắp về quê, mẹ chồng lại thông báo: “Bố vừa giặt chăn thay ga gối thơm tho, sạch sẽ cho vợ chồng con rồi đấy”. Bởi vậy, chị Ly quý những lần được về nhà chồng.

me chong nang dau anh 5

Hai bên gia đình chúc mừng sinh nhật con trai của vợ chồng chị Ly.

Chị Ly hãnh diện: “Một lần có người hỏi bố chồng tôi kiểu “sao ông làm mấy việc này, phải để vợ con làm chứ”.

Ông đáp lại một câu mà tôi nghe rất xúc động: “Làm việc nhà cũng để thể dục luôn. Làm cho vợ con mình khoẻ chứ có làm nhà người khác đâu mà ngại”.

Nghe thế, xóm làng không chê cười mà còn học theo bố chồng tôi giúp vợ làm việc nhà. Trong mắt tôi, bố chồng là người đàn ông chuẩn mực, là hình mẫu xứng đáng noi theo”.

Để đáp lại tình thương của bố mẹ hai bên, chị Ly luôn ao ước được đón nội ngoại về chung một nhà. Nghĩ đến mơ ước đó, chị lại mỉm cười hạnh phúc và hình dung trước mắt là một ngôi nhà tràn ngập tiếng cười.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

https://vietnamnet.vn/me-chong-va-me-de-la-ban-than-9x-nghe-an-co-cuoc-song-van-nguoi-mo-2144201.html

Theo Ngọc Lài/ Báo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm