Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Gieo trồng động lực – Đánh thức niềm tin”, do IVYPREP tổ chức sáng 26/6 tại TP HCM, chị Phan Thị Hồ Điệp nói: “Con tôi không phải thần đồng”. Người mẹ này cho biết, để đạt được số điểm cao bất ngờ đối với một đứa trẻ 7 tuổi, Nam đã trải qua nhiều lần thi và nhận điểm thấp.
Nhiều lần thất bại
Nhật Nam phải thi đến ba lần mới đạt được 114 điểm TOEFL (lần đầu chỉ đạt 87 điểm). Trước khi đạt điểm IELTS 8.5, Nhật Nam chỉ đạt 6.0 điểm.
“Để có thành tích như hiện nay, Nam phải qua nhiều lần thất bại nhưng mọi người không nhìn thấy điều đó” - chị Hồ Điệp nói.
Với người mẹ này, thần đồng phải thi một lần và đạt điểm cao ngay, còn như con mình là "hết sức bình thường". Cứ sau mỗi lần điểm không như mong muốn, Nam tiếp tục ôn luyện và 6 tháng sau đăng ký thi lại.
Nữ phụ huynh tâm sự: “Tôi luôn để con lựa chọn, thích gì thi đó. Ví dụ năm lớp 2, cháu đăng ký thi TOEIC vì muốn làm phi công. Lần đầu thi, con chỉ đạt hơn 400 điểm thôi và lần cuối thi mới đạt 800 điểm năm lớp 5”.
Cũng theo người mẹ, quá trình đi học của cậu bé vẫn được gọi là thần đồng cũng gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm cả lớp đạt 9, 10 điểm môn Toán, Nhật Nam chỉ được 5 điểm.
Điều mà Nam học được qua những lần như vậy là chấp nhận thất bại và chính bản thân chị Điệp cũng phải học cách chấp nhận thất bại của con.
Chia sẻ với Zing.vn, chị Điệp cho biết: “Nổi tiếng với Nam là được nhiều người biết đến và có nhiều yêu thương hơn, chứ không phải gánh nặng trên vai”. Nhật Nam chưa bao giờ tự đọc những bài báo hay xem chương trình nói về mình và mãn nguyện.
Nam cũng nói với bố mẹ: “Đi du học, con không tìm được thành công cũng tìm được chính mình”.
Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ tại tọa đàm “Gieo trồng động lực – Đánh thức niềm tin” với sự tham dự của hơn 300 người. Ảnh: Diệp Uyên. |
Đọc sách thư viện trường ở Mỹ trong một năm học
Chị Hồ Điệp một lần nữa khẳng định con mình không có gì khác biệt với những bạn đồng lứa, “mà Nam chỉ tìm được tinh hoa trong sách và yêu sách”.
Chị kể câu chuyện trong năm đầu tiên học ở Mỹ, Nhật Nam đã đọc nhiều sách trong thư viện trường. Người mẹ thuật lại: “Nam tan học lúc 15h30 nhưng phải đợi chú tan ca đến đón lúc 20h30. Em kể với mẹ, em ngồi một mình trong sân trường, buồn nhất là thấy cảnh bố mẹ đến đón các bạn”.
Thấy vậy, nhà trường đồng ý mở cửa thư viện để Nam có thể đọc sách trong 5 tiếng chờ đợi. Chỉ trong vòng một năm học, Nam đã đọc gần hết những đầu sách ở đây. Người thủ thư sau đó nhập về sáu quyển sách tác giả là người gốc Việt như một món quà dành cho cậu học sinh đầu tiên đọc hết sách ở thư viện.
Ngày chuyển đồ cho Nam từ nhà vào trường nội trú, người nhà đã gọi về gia đình bảo “chắc phải vận chuyển bằng xe tải”. Người mẹ cũng kể lúc Nam về Việt Nam, đứng ở sân bay Texas với hai chiếc vali vượt quá cân nặng cho phép, Nam quyết định để tất cả quần áo ở lại, chỉ đem sách về. Số sách này sau đó được quyên góp cho một tổ chức giáo dục.
Thông qua những câu chuyện, chị Điệp cho rằng, sách là người bạn giúp con vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé. Thay vì là “thần đồng” như mọi người hay gọi, chị Điệp chỉ mong muốn con trai sẽ là “thiên tài về cảm xúc”.
“Tôi nghĩ mình tương đối thành công khi nuôi dưỡng đạo đức và tâm hồn cho con. Hiện tại, con sống hướng thiện và mong muốn đem điều tốt đến cho cộng đồng” - chị chia sẻ.
Hiện tại, Đỗ Nhật Nam đang dạy hè miễn phí cho gần 1.000 học sinh Hà Nội, nhằm truyền cảm hứng yêu thích tiếng Anh.
Ngày 17/7 tới, Nam sẽ thực hiện đêm nhạc từ thiện “Hát cùng những niềm vui”, một dự định mà nam sinh ấp ủ từ ở Mỹ, với mong muốn kêu gọi mọi người quan tâm đến các bệnh nhi. Ngoài ra, Nam cũng dự tính sẽ dịch một sách tiếng Việt để giới thiệu đến thế giới.