"Mẹ cứ yên tâm đi và hoàn thành nhiệm vụ, con ở nhà tự lo được. Con lớn rồi chứ còn bé nữa đâu", cô con gái chuẩn bị lên lớp 10 của điều dưỡng Võ Thị Hoài Thương (37 tuổi, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng) trả lời khi được mẹ hỏi trước ngày đi Bắc Giang chi viện.
Ở làn sóng dịch Covid-19 lần này, điều dưỡng Hoài Thương trong danh sách chi viện cho tỉnh Bắc Giang - địa phương đang trở thành "điểm nóng" của sự lây lan virus nCoV.
Điều dưỡng này cho biết: "Khi dịch xảy ra ở Đà Nẵng, tôi đã hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang một tháng. Tết Nguyên đán vừa qua, tôi cũng xung phong chi viện Gia Lai nhưng nhận thông báo không cần nữa nên lần này, tôi nhất quyết đăng ký đi".
Theo chị Thương, khi đã đứng đầu trong hàng ngũ y bác sĩ, điều dưỡng này luôn xác định tâm lý đương đầu với khó khăn, nguy hiểm. Do đó, với kinh nghiệm sẵn có, chị luôn sẵn sàng mang tất cả đến Bắc Giang, góp sức ngăn chặn đại dịch Covid-19, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Điều dưỡng Thương trong ngày lên đường chi viện Bắc Giang. Ảnh: Ngọc Mai. |
Chồng chị Thương mất do bệnh hiểm nghèo cách đây 10 năm. Nữ điều dưỡng có thể không nằm trong danh sách chi viện nếu không đăng ký.
"Điều băn khoăn nhất của tôi khi lên đường là con gái ở nhà. Nhưng với hoàn cảnh riêng, cháu cũng có tính tự lập từ nhỏ, dặn tôi cứ an tâm đi. Trước khi đi tôi gửi con gái về quê ngoại ở Quảng Nam nhờ ông bà chăm sóc. Ông bà cũng động viên tôi lên đường bình an, sớm trở về", điều dưỡng Thương tâm sự.
Sau khi có mặt tại Bắc Giang, chị được phân công hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chăm sóc ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Dù đã gắn bó và ăn ý với các đồng nghiệp từ vụ dịch trước, điều dưỡng này cho hay cảm nhận lần này rất khác.
"Điều khác biệt nhất trong lần chống dịch này phải kể đến khí hậu nắng nóng và khó chịu. Ngoài ra, các bệnh nhân trẻ diễn biến nặng rất nhanh, gây ra áp lực và nguy hiểm lớn cho đội ngũ nhân viên y tế", chị Thương nói.
Nữ điều dưỡng này cho biết dù "trận chiến" còn dài và nhiều thử thách, chị không lo lắng vì đã được trang bị kiến thức, phương pháp bảo hộ cùng kinh nghiệm dày dặn. Dù vậy, nỗi nhớ con trong lòng người mẹ đơn thân cũng không nguôi ngoai.
"Dù rất nhớ và thương con thiệt thòi khi mẹ đi xa, tôi không dám khóc vì sợ ảnh hưởng tâm lý của con. Lần nào gọi về, tôi cũng phải cố mạnh mẽ, hứa mua quà về bù đắp cho con. Được con gái động viên, tôi lại phải nuốt nước mắt vào trong", chị Thương kể.
Ngoài những lúc vất vả và nhớ con, nữ điều dưỡng cũng có những câu chuyện vui trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng.
"Trong ca trực tối hôm 4/6, một bệnh nhân nam phải lọc máu nhưng vẫn tỉnh táo ngoắc tay ra hiệu nhờ tôi đưa đi tiểu tiện. Nhìn quanh phòng không thấy bô nam giới nên tôi đành lấy chai dịch đã hết, cắt một lỗ rồi đưa bệnh nhân đi vệ sinh. Dù những điều dưỡng khoa hồi sức như chúng tôi đã rất quen, bệnh nhân lại rất ngượng ngùng", chị Thương cười.
Theo điều dưỡng của Bệnh viện Đà Nẵng, khi ở trong tâm dịch, các nhân viên y tế thường hoạt động liên tục, hiếm có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn. Mỗi ngày, ê-kíp đều ở lại trong phòng bệnh để theo dõi, điều trị bệnh nhân. Dù mệt mỏi, mọi người đều thấy được an ủi khi nhìn sức khỏe bệnh nhân có tiến triển tốt.
"Lúc lên đường, tôi đã hứa khi nào hết dịch mới quay về. 1-2 tháng cũng được. Xong nhiệm vụ, dịch ổn, tôi mới về", điều dưỡng Thương quả quyết.