"Trẻ con khổ quá!"
Trong buổi giao lưu Chat với con tuổi dậy thì, một người mẹ rất lo lắng khi chia sẻ về câu chuyện căng thẳng trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh.
Chị kể, con mình từng thi trượt trường chuyên tại Hà Nội, nên phải chuyển sang trường khác. Đây là cú sốc tâm lý đầu đời vì trường chuyên là ước mơ của cậu bé.
Trong lớp, con thích một bạn gái nhưng bị từ chối nên bắt mẹ phải chuyển trường, nếu không sẽ bỏ học. Gần khai giảng, việc chuyển trường làm khó phụ huynh, nhưng chị vẫn chiều con. Sau đó, cậu bé lại muốn chuyển trường vì không hợp thầy cô giáo.
Phụ huynh này từng đưa con vào viện tâm thần vì mỗi lần nóng nảy, con đều cầm cốc chén đập phá, không thể điều khiển hành vi. Đỉnh điểm trong cơn nóng, cậu đánh em ruột và hiện không chấp nhận ngồi ăn cơm cùng bố mẹ.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa – giảng viên bộ môn Tâm lý Giáo dục, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, rất nhiều con là nạn nhân của sự kỳ vọng của cha mẹ, dễ mắc bệnh thần kinh. Bà khuyên cha mẹ nên đưa con con đến bác sĩ tâm lý.
Bản thân bà Hoa đã gặp trường hợp con bị tâm thần sau khi trượt đội tuyển thi quốc tế. Bà Hoa cho rằng, phương pháp đơn giản nhất là hạn chế việc học, cho con chơi đùa thỏa thích. "Đôi khi tôi thấy trẻ con khổ quá, các con chịu rất nhiều áp lực từ học hành đến gia đình", nữ tiến sĩ nói.
Bà Hoa nhắn nhủ phụ huynh: “Tôi quan niệm con làm gì cũng được, có thể là lái xe chở rác, làm thợ, miễn sao phải sống cho đàng hoàng. Tôi rất sợ con gặp vấn đề về tâm lý nên luôn giữ cân bằng cho con bằng những tình huống hài hước nhất”.
PGS.TS Phương Hoa chia sẻ về cách dạy con tuổi dậy thì. Ảnh: Quyên Quyên. |
Về trường hợp khó xử khi người con không chấp nhận ăn cơm cùng bố mẹ, nữ phó giáo sư cho rằng, hãy tạm kệ suy nghĩ của con, vì trong lúc đang chống đối, trẻ sẽ không bao giờ nói thật. Nếu con không muốn ngồi ăn cùng, ba mẹ có thể mang cơm lên phòng. Điều tốt nhất đừng bắt con theo suy nghĩ của mình, nếu không mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn.
Theo bà Hoa, trẻ con đôi khi như quả bóng, nếu người lớn châm kim, ngay lập tức sẽ nổ, còn “mặc kệ”, quả bóng tự xì hơi. Là người mẹ, hãy luôn nói ở cạnh con, hướng về con, nói lời yêu thương con mỗi ngày. Lúc ấy, con sẽ hiểu được tình cảm của cha mẹ. Phụ huynh có thể để mỗi mẩu giấy lên bàn, viết “chúc con ăn ngon”, “mẹ cảm ơn”, “mẹ yêu con”...
Nếu không muốn con yêu sớm, nhớ đừng phá
Phụ huynh có thể chia sẻ kinh nghiệm dạy con tuổi dậy thì, những câu chuyện về giáo dục giới tính cho học sinh hay các tình huống cần chuyên gia tư vấn liên quan chủ đề này... qua địa chỉ email: toasoan@zing.vn.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy hai con của mình, bà Nguyễn Phương Hoa cho rằng, trong mọi trường hợp, cha mẹ không nên phá tình yêu của con cái. Bởi càng phá, con sẽ càng thể hiện tình yêu, yêu sâu đậm hơn. Cách tốt nhất là giả vờ đồng tình hoặc coi như không hay biết, sau đó định hướng và “châm chích” dần về sự không phù hợp giữa hai người. Như vậy, mối tình sẽ tự… tan vỡ.
“Có con ở tuổi dậy thì thật mệt, người lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng như nghệ sĩ đang tập đi trên dây, nơm nớp lo âu, thần kinh căng như dây đàn. Có con tuổi dậy thì đôi khi thấy cuộc đời chao đảo, như vừa bị nhốt vào hầm băng bỗng bị lôi phắt ra quảng vào nồi nước sôi sung sục", bà Nguyễn Phương Hoa tâm sự.
Nữ tiến sĩ cho rằng, khi tuổi dậy thì đến, tâm tính đứa con bỗng dưng thay đổi, điên điên, khùng khùng như một dòng lũ xiết nhiều khi chỉ chờ cuốn phăng cả con lẫn mình. Nếu sốt ruột muốn đắp ngay một con đập để ngăn chặn cơn lũ, dám chắc con đập sẽ bị lũ đập tan hoặc chí ít cũng bị đánh cho tơi tả. Cách tốt nhất thoát khỏi cơn lũ là chấp nhận bơi cùng lũ. Kiên nhẫn chịu đựng đến khi lũ yếu dần, yếu dần thì khéo léo vừa bơi vừa dồn lũ vào bờ.
Rất nhiều bà mẹ trong xã hội hiện đại lo lắng: Làm thế nào để chăm con tốt khi không có thời gian ở bên con. Chị Phan Hồ Điệp (mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam) cho biết: Thời gian bên con không chỉ là thời gian vật chất, nó còn là thời gian về tinh thần khi người mẹ luôn hướng về con.
Điều lưu ý khi bên con tuổi dậy thì là bố mẹ hãy làm người bạn đồng hành cùng con. Trong trường hợp con không đồng ý, bố mẹ nên có những đồng minh là bạn bè, thầy cô, gia sư của con để có thể chuyển thông điệp đến cho con một cách dễ dàng.