Nhiều bà mẹ lo lắng khi người lạ đụng chạm, cưng nựng hay hôn con nhỏ của mình. |
Ở Nhật Bản, không khó để bắt gặp những phụ nữ mang theo móc khóa đặc biệt (hay đúng hơn là dây đeo miếng nhựa nhỏ) gắn vào túi, trên đó có hình minh họa một em bé. Đây là dấu hiệu có nghĩa cô ấy đang mang bầu, dù có thể bụng chưa lớn, và được nhường ghế ưu tiên trên tàu hỏa hay các hình thức hỗ trợ khác nhau.
Tuy nhiên, một phụ nữ ở Saitama đã mang "móc khóa em bé" sau khi sinh con, ngầm ý nói với người xung quanh rằng "xin đừng đụng vào em bé của tôi".
Người mẹ tên Ai cho biết sau khi sinh, cô đã có thời gian ở nhà chăm con. Nhưng đến khi bé được khoảng 3 tháng tuổi, cô gặp một vấn đề khi đưa con ra ngoài đi dạo.
"Những người lớn tuổi sẽ đến gần mẹ con tôi và xuýt xoa: 'Thằng bé thật dễ thương', rồi sau đó chẳng cần biết tôi có đồng ý không, họ bắt đầu chạm vào ngón chân của bé", Ai nói trong cuộc phỏng vấn.
Tấm thẻ với ý nghĩa "đừng chạm vào em bé" được Ai đeo trước xe đẩy của con. |
Cô kể sau khi đọc trên Twitter và thấy nhiều bà mẹ cũng gặp vấn đề tương tự, cô đã làm tấm thẻ đặc biệt có nội dung "đừng chạm vào": trên đó vẽ hình bàn tay đang hướng về một đứa bé có biểu cảm khó chịu, khoanh tay trước ngực thành biểu tượng chữ X, có nghĩa là "không", "đừng".
Người mẹ đeo tấm thẻ trước xe đẩy của con khi đưa bé ra ngoài đi dạo, ngầm ý yêu cầu người lạ không đụng chạm, hôn má, ngắt nhéo đứa trẻ.
Ý tưởng của Ai đã khiến nhiều dân mạng tranh cãi, một phần vì nó đụng chạm đến một số giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Nhiều người bày tỏ sự khó chịu, bởi văn hóa Nhật Bản rất tôn trọng người già và có một thái độ chung rằng trẻ em có thể học được nhiều điều từ việc tương tác với thế hệ ông bà của chúng.
Tuy nhiên, đa số dân mạng ủng hộ hành động bảo vệ con của Ai. Họ cho rằng thật khiếm nhã khi đụng chạm vào một người bạn không quen, kể cả là em bé. Họ thông cảm trước nguyện vọng của người mẹ.
Sự lo lắng về vấn đề sức khỏe cũng gia tăng tình hình đại dịch phức tạp càng khiến nhiều người đồng tình với hành động trên.
"Tôi hiểu được nỗi lo của người mẹ, và cũng thông cảm cho tâm lý của những người lớn tuổi. Nhưng nói một cách công bằng thì dù thấy đứa trẻ dễ thương đến đâu, cũng không nên chạm vào nó khi chưa được cho phép", "Luôn phải xin phép trước khi chạm vào em bé", "Thật không dễ chịu khi một người lạ tự ý chạm vào đứa trẻ của bạn", nhiều người bày tỏ.
Một số người bày tỏ lo ngại về việc người mẹ sẽ cần được giúp đỡ để nâng xe đẩy của bé khi đi tàu điện hay lên cầu thang, và tấm biển "đừng chạm vào" sẽ ngăn người lạ hỗ trợ cô.
Giải đáp thắc mắc, Ai nói rằng khi cần được giúp đỡ cô sẽ chủ động lên tiếng nhờ mọi người.