Ngày 10/11, T.T.H.H. (ngụ tại Đức Trọng, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để cảm ơn các bác sĩ đã cứu mẹ con cô. Người mẹ ngượng ngùng nhưng không giấu được niềm vui khi được trở về nhà. Cô sắp được ôm con trai đầu lòng kể từ ngày rời quê vào TP.HCM với gương mặt đầy máu, bụng bầu to và cơ thể rệu rã.
Bắt tay vợ chồng H., PGS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, xúc động, đôi mắt rơm rớm. Cách đây 4 tháng, H. được chẩn đoán ung thư vòm hầu ác tính.
"Tình mẫu tử thiêng liêng, tình thân và tinh thần thép mới mang lại điều kỳ diệu này", PGS Trường nói trong buổi họp báo chia sẻ về hành trình điều trị cho H.
PGS Trần Minh Trường và sản phụ T.T.H.H. trong ngày công bố xuất viện. Ảnh: An An. |
Hành trình gian nan
Vừa cưới nhau được vài tháng, H. cùng chồng sống trong căn nhà nhỏ tại vùng núi Đức Trọng và mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài khi mũi của H. chảy máu không ngừng. Số tiền ít ỏi từ việc làm thuê của gia đình lần lượt vơi theo những đợt nhập viện. Tình trạng của H. diễn biến ngày càng xấu.
Tháng 7, H. được chồng đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy kiệt. Mỗi khi ho hoặc cơn nấc bất chợt, máu tuôn ào ạt không ngừng. Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thị Thanh Mai, khoa Tai Mũi Họng, cho biết thời điểm nhập viện, cô gầy gò, hơi thở hôi, thở bằng miệng, khối u che kín vòm họng.
Các bác sĩ cho H. sử dụng thuốc chống đông, can thiệp mạch bằng kỹ thuật DSA, song tình hình không cải thiện. Suốt một tuần, tất cả thấp thỏm chờ đợi kết quả sinh thiết.
Cầm trên tay kết quả sinh thiết, bác sĩ Mai dường như không tin vào mắt mình. H. mắc ung thư vòm hầu ác tính, hơn nữa, cô đang mang thai 20 tuần tuổi.
Sản phụ H. bị chảy máu liên tục do khối u che kín vòm hầu họng. Ảnh: BVCC. |
"Thông thường, phác đồ điều trị chuẩn của ung thư vòm hầu là xạ trị và hóa trị, không ưu tiên phẫu thuật. Thế nhưng, việc xạ trị lúc này sẽ khiến em bé gặp nguy hiểm. Điều trị theo phác đồ, chấp nhận bỏ thai hay giữ lại là điều chúng tôi luôn trăn trở. Nhìn chồng đau đớn thu dọn hành lý đưa vợ về quê, sản phụ nằm thở dốc trên giường cạnh chiếc khay hứng máu, chúng tôi không đành lòng", bác sĩ Mai nói.
Thai đến tuần 22, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho H. để kiểm soát tình trạng chảy máu. Song, tình hình sau mổ không cải thiện nhiều.
"Lúc thăm khám, nghe tiếng tim thai đập khỏe mạnh, tôi đưa ống nghe cho thai phụ, gương mặt gầy gò còn vương máu chợt sáng bừng. Người phụ nữ rớm nước mắt. Tôi tiếp tục đưa ống cho người chồng để nghe tim thai. Người đàn ông trẻ khi ấy cũng rạng rỡ. Cách đây nhiều năm, khi nghe tim thai con đầu lòng, tôi cũng có cảm xúc đặc biệt như thế. Nhờ tiếng tim của thai nhi, tôi xin lãnh đạo bệnh viện bằng mọi giá phải cứu người mẹ", PGS Trường xúc động kể.
Ngay sau đó, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa gồm Tai Mũi Họng, Ung bướu, DSA, Gây mê hồi sức, khoa Sản - Bệnh viện Hùng Vương, Đơn vị Y xã hội…, diễn ra với sự chủ trì của PGS Trần Minh Trường.
Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đặt vấn đề về việc lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho người mẹ nhưng vẫn nuôi sống được thai nhi. Về xử lý chảy máu, xạ trị được ưu tiên, nhưng sản phụ H. có tình trạng rối loạn đông máu và đang mang thai. Thế nhưng xạ trị lại chống chỉ định mang thai, em bé có thể gặp nguy hiểm. Tất cả gần như rơi vào bế tắc.
Lúc này, bác sĩ chuyên khoa II Vương Đình Thy Hảo, Phó khoa Hóa trị, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, lên tiếng: "Các thầy, các anh chị để em hóa trị cho bệnh nhân. Em sẽ nghiên cứu và chọn thuốc tốt nhất để không ảnh hưởng đến thai nhi". Như luồng sáng le lói trong đêm, PGS Trường gật đầu, tin tưởng đồng nghiệp.
Tuần thai thứ 26, H. tiếp tục lên bàn mổ cùng ê-kíp bác sĩ từ 5 chuyên khoa. Trong đợt mổ lần 2, sản phụ được truyền 19 đơn vị hồng cầu lắng, 9 đơn vị huyết tương, 5 khối tiểu cầu.
"Khi mổ, bệnh nhân chảy rất nhiều máu. Nếu bệnh nhân mất ngay trên bàn mổ, thật sự là điều khủng khiếp. May mắn, điều đó không xảy ra", bác sĩ Thanh Thanh, khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, kể lại. Sau mổ, H. tiếp tục được can thiệp hóa trị và dưỡng thai chờ ngày sinh.
"Ông trời có mắt, đừng lo!"
Tuần 35 thai kỳ, sau khi hội chẩn lần 3 và đánh giá toàn diện, các bác sĩ quyết định mổ bắt con cho cô. Thời điểm này, bệnh nhân không còn chảy máu mũi họng nhưng tăng sinh nhiều mạch máu vùng vòm.
Bác sĩ Hoàng Thị Thu Huyền, khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương, lúc này được PGS Trường mời sang Bệnh viện Chợ Rẫy nhận trọng trách mổ bắt con cho nữ bệnh nhân.
"Em hơi run" - bác sĩ Huyền nói khẽ với PGS Trường khi thăm khám cho H. trước khi vào cuộc mổ. Dù là "bà mụ" mát tay với hàng trăm ca mổ đẻ, lần này, bác sĩ Huyền không khỏi lo lắng. "Ông trời có mắt, em đừng lo" - PGS Trường động viên đồng nghiệp.
Các bác sĩ mổ bắt con thành công cho sản phụ đang điều trị ung thư. Ảnh: BVCC. |
TS.BS Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân đã 3 lần đặt nội khí quản thành công. Tuy nhiên, khi mổ bắt con, các bác sĩ trên tinh thần cứu người mẹ nếu xảy ra bất trắc.
Để cứu được người mẹ, các bác sĩ lựa chọn tăng liều gây mê, tính toán để lượng máu không chảy tràn vào đường thở. Tuy nhiên, lúc này, em bé hấp thụ nhiều thuốc gây mê sẽ diễn biến xấu và có nguy cơ tử vong.
"Cuối cùng, chúng tôi chọn phương pháp vô cảm gây tê tủy sống để cứu được mẹ và em bé. Tuy nhiên, phương pháp này cũng khiến các giai đoạn huyết động bất thường. May mắn, các đồng nghiệp đã đưa em bé ra ngoài. Tiếng bé khóc lúc đó như xua đi bao mệt mỏi", TS Đông kể.
Sau mổ, sản phụ H. hồi phục tốt, vùng khối u vòm mũi thoáng, không còn chảy máu mũi. Bé trai nặng 2,3 kg được chuyển về Bệnh viện Hùng Vương để chăm sóc.
Các bác sĩ cho biết ung thư vòm hầu là bệnh thuộc vùng dịch tễ của ở Đông Nam Á, song bệnh diễn tiến trên phụ nữ mang thai rất hiếm. Y văn Việt Nam trong 10 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp tương tự. Thế giới có vài ca ung thư vòm hầu trên bệnh nhân mang thai nhưng thời gian sống không nhiều. Đây có thể là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.
Thời gian tới, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch toàn diện để điều trị cho bệnh nhân H. Xạ trị là bước điều trị chủ yếu tiếp theo. Giai đoạn này có thể kéo dài 2 tháng.
"Tình cảm cha mẹ, gia đình là điều thiêng liêng và nó đã giúp chúng tôi đủ mạnh mẽ, tinh thần để làm nên điều kỳ diệu. Cảm ơn các đồng nghiệp đã dũng cảm, dứt khoát để đưa ra y lệnh điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Hành trình tiếp theo của H. có thể rất dài, thậm chí cả cuộc đời, nhưng trước mắt, một người mẹ và đứa trẻ đã được cứu", PGS Trường chia sẻ.