Mẹ Thiên Lý tự hào về con gái
'Thiên Lý trong sáng, chưa bao giờ nói xấu ai, cũng không biết ganh tị nếu có ai đó trong lớp hơn mình. Đó là điều khiến tôi vui nhất!' - mẹ Thiên Lý tự hào, khẳng định.
Có rất nhiều người không tin rằng, chẳng có ai được “ông trời” ban cho nhan sắc lại vừa sở hữu một sự thông minh và tài giỏi về học vấn. Thế nhưng, ở Lý là sự tổng hoà của cả sắc và trí. Qua lời kể của bà Trương Mỹ An, mẹ của Á hậu Thiên Lý đã cho thấy, sắc đẹp có thể là “trời cho” nhưng nhân cách và học vấn chỉ có được từ quá trình được nuôi dạy trong một gia đình có truyền thống và văn hoá.
Phải là người có nhân cách trước
Từ ngày cô con gái út bé nhỏ Dương Trương Thiên Lý được chọn là đại diện của Việt Nam dự thi Hoa hậu thế giới (HHTG) 2008, mẹ cô, bà Trương Mỹ An trở nên bận rộn hơn hẳn. Ngoài công việc là một bác sĩ ở bệnh viện, bà trở thành “người quản lý” bất đắc dĩ của cô con gái trong việc trả lời báo chí, sắp xếp thời gian biểu hợp lý và nhắc con ăn uống giữ gìn sức khoẻ.
Thiên Lý và mẹ |
Dù có nhiều thành tích đáng nể về học tập nhưng không vì thế mà Thiên Lý thành một con “mọt sách”. Bà Trương Mỹ An kể: “Tài sản lớn nhất của chúng tôi là các con. Có nhiều người chọn cách đầu tư làm kinh tế để có điều kiện lo cho con cái tốt hơn, nhưng chúng tôi thì ngay từ khi các con đi học đã xác định, con cái phải là sự đầu tư lớn nhất. Đầu tư vào học vấn thì có thể không giàu có nhưng bù lại, các con sẽ là người có nhân cách. Dù vậy, chưa bao giờ chúng tôi ép con cái học để có những thành tích cả. Chúng tôi quan tâm đến việc làm người của các con hơn là làm quan. Chính vì vậy, việc học của các con đều do chúng tự xác định”.
Thiên Lý biết nốt nhạc trước khi biết chữ cái
Điều bất ngờ là Lý được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tứ đại đồng đường. Dù bố mẹ Lý đều là trí thức, anh trai và chị gái du học ở Mỹ (chị gái vừa tốt nghiệp Kiến trúc sư và đã trở về Việt Nam lập gia đình, anh trai cả đang học trường Y ở San Francisco) nhưng cách nuôi dạy con cái của bà Mỹ An thiên về truyền thống nhiều hơn.
Bà bảo: “Đôi khi tôi thấy mình cũng hơi cầu toàn trong cách nuôi dạy con, nên bản thân vợ chồng tôi cũng phải cố gắng rất nhiều chứ không thể “khoán trắng” cho thầy cô được. Làm cha mẹ, ai chả muốn con cái mình thành đạt, nhưng với tôi chỉ thế thì vẫn chưa đủ. Tôi luôn khuyên các con phải học hỏi để được phát triển một cách toàn diện, dù không giỏi nhưng mỗi thứ phải biết một ít. Cả 3 anh em Thiên Lý, ngoài việc học văn hoá còn được học nghệ thuật và chơi thể thao. Lý biết nốt nhạc trước khi biết các chữ cái A, B, C.
Sau này, do áp lực học hành lớn quá nên Lý chỉ tự luyện ở nhà vào những lúc rảnh rỗi. Hồi trẻ, tôi cũng tự học đàn, nhiều người bảo, “chị học y thì học nhạc để làm gì?”. Nhưng tôi nghĩ, học nhạc có thể không phải để làm nhạc sỹ hay ca sỹ mà đơn giản là để phục vụ cho chính mình, để nuôi dưỡng tâm hồn và yêu cuộc sống hơn. Sau này tôi cũng truyền đạt cho các con rằng, học để sau này còn biết mà dạy cho con cái”.
Gần đây, Lý thích chơi golf và đang tập môn này cùng với ba. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là môn của các ông già vì nó không có tính đối kháng. Nhưng chơi mới thấy, chiến thắng chính mình mới là quan trọng, phải tự kiểm soát tất cả hành động của mình trước khi đánh trái bóng đi. Giờ thì cả gia đình tôi đều đang tập chơi môn thể thao này.
Yêu ai cũng phải giới thiệu với bố trước
Thiên hướng của Thiên Lý là trở thành nhà ngoại giao! Nói về thiên hướng học tập của Thiên Lý, bà Mỹ An kể: Ngay từ bé, Lý đã được ông ngoại hướng đến ngành ngoại giao (vì ông ngoại làm trong ngành ngoại giao). Lý chọn 2 trường ở Mỹ và đều đủ điểm để vào nhưng nếu học đúng chuyên ngành ngoại giao thì phải xuống Holygan, trong khi đó, anh chị của Lý lại ở Cali, nếu học đúng chuyên ngành thì phải đi xa quá, lại không có người thân. Thế nên Lý đành chuyển sang học truyền thông ở trường Saint Mary – San Francisco, đợi cứng cáp hơn sẽ chuyển sang học ngoại giao. |
Thiên Lý được theo đuổi nhiều quá cũng là mối lo lắng không nhỏ của tôi. Điều đó cũng tốt nhưng cũng là điều phải dè chừng vì cuộc đời có nhiều cạm bẫy. Lý lại là cô gái trong sáng, nhân hậu nên sự lo lắng càng nhiều hơn. Rồi Lý được học hành như thế, biết nhiều thứ như thế, sau này việc chọn bạn đời có khó khăn không khi mà tâm lý chung của người đàn ông Việt Nam thì chẳng ai lại đi chấp nhận một người vợ hơn mình cả.
Qua câu chuyện về cô con gái út, bà Mỹ An không giấu được sự tự hào về Thiên Lý xinh đẹp và thông minh. Vậy nhưng, khi được hỏi điều gì ở Thiên Lý khiến bà hài lòng nhất thì bà khẳng định: “Đó là sự trong sáng. Vì sao ư? Vì sắc đẹp thì ai nhìn cũng thấy rồi. Từ bé đến lớn, Lý chưa bao giờ nói xấu ai, cũng không biết ganh tị nếu có ai đó trong lớp hơn mình. Đó là điều khiến tôi vui nhất”.
Mẹ Lý nói rằng, cô thừa hưởng nhiều tính cách của ba. Ba Lý là giảng viên về khoa học tự nhiên nên từ bé cô đã rất yêu thiên nhiên và động vật. Thích đọc các sách của nhà văn Sơn Nam, sách của Nguyễn Hiến Lê và sách của bác sĩ Hồng Ngọc. Là con út trong nhà, nhưng Lý không bao giờ đòi hỏi rằng mình phải được cưng chiều hơn.
Ngược lại, Lý là người biết nhường nhịn và luôn giành phần xấu về mình. “Lý là đứa trẻ ngoan, nhiều lúc tôi cũng thấy lo là con không biết cãi lại mẹ bao giờ, trừ một điểm đó là trang điểm. Biết con bận học không có thời gian để chú ý đến bản thân, nhiều lúc tôi tự mua đồ mỹ phẩm về cho con dùng, bảo mỗi khi đi ra ngoài thì nên chú ý trang điểm một chút nhưng Lý nói con chỉ thích để tự nhiên thôi. Nói như vậy không có nghĩa là Lý không biết làm đẹp. Lý chăm sóc da bằng cách ăn uống, tập thể dục thể thao và đi bơi”.
Tự hào về cô con gái út nhưng trước lúc tiễn con ra sân bay lên đường đến Nam Phi - nơi sẽ diễn ra cuộc thi HHTG trong suốt một tháng, bà Mỹ An căn dặn con không nên tạo sức ép cho mình về thành tích. “Chúng tôi tự hào về Thiên Lý nhưng cũng không hy vọng hão huyền vào kỳ tích ở cuộc thi HHTG. Chỉ cần Lý cố gắng hết mình và luôn tự tin là chúng tôi yên tâm rồi”, bà An nói.
Theo Gia Đình & Xã hội