MẸ UNG THƯ CHẤP NHẬN MÙ MẮT ĐỂ SINH CON - NGÀY ẤY, BÂY GIỜ
7 năm sau ngày phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn cuối, chị Nguyễn Thị Yên (Hà Nội) đã có 2 đứa con. Câu chuyện của người phụ nữ này được xem là một kỳ tích.
“Mẹ ơi, bông hoa kia
Là của ai hở mẹ?
Cái màu xanh trên cửa
Kia nữa là của ai?
Của con đấy con ơi
Đều của con tất cả”
(Trích Mẹ và con, Xuân Quỳnh)
Có một người mẹ, cũng dành tất cả cho con như thế. Đó là tính mạng của mẹ khi bị ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn quyết tâm chờ con ra đời. Đó là đôi mắt khi mẹ chấp nhận mù để con được làm người.
Người mẹ ấy là Nguyễn Thị Yên (ở xóm 1, thôn Đông Lao, xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội). Tháng 7/2013, khi đang mang thai đứa con đầu lòng, chị Yên được phát hiện mắc ung thư vòm họng. Bệnh đã ở giai đoạn cuối. Lúc đó, người mẹ này bỏ qua gợi ý bỏ thai để chữa bệnh, quyết giữ đứa con trong bụng. Khối u không được điều trị khiến chị Yên chỉ còn nhìn thấy bóng tối.
7 năm sau quyết định sẵn sàng đối mặt với thần chết để đón con đến với thế giới, chị và những đứa trẻ của mình giờ ra sao?
"Tôi chỉ mất một đôi mắt, nhưng có tới hai con"
Bống - tên gọi ở nhà của bé Lê Hoàng Cẩm Tú - là đứa con đầu lòng mà chị Nguyễn Thị Yên sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo toàn sự sống cho bé. “Con được bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày đôi mắt của mẹ chỉ còn là bóng đêm”, chị nói với giọng đầy tự hào.
Bống được mổ khẩn cấp khi 36 tuần tuổi bởi tình trạng nguy kịch của mẹ. Bé nặng vỏn vẹn 2,1 kg. Sau khi chào đời, bé được bác nuôi nấng vì mẹ bước vào hành trình chống lại căn bệnh ung thư. Bởi vậy, với chị Yên, cô bé thiệt thòi hơn hẳn so với chúng bạn.
Đứa con phải nằm trong lồng kính vì sinh non ngày nào giờ đã trở thành cô gái khỏe mạnh, xinh xắn chuẩn bị bước vào lớp 1. Cô bé gây ấn tượng với người đối diện bởi nước da trắng, nụ cười lém lỉnh.
Biết mắt mẹ không nhìn thấy, Bống hay đòi nắm tay dắt đi. Nhưng vốn vẫn còn là một cô bé vô tư, mải chơi, Bống chỉ nắm được một đoạn, rồi lại buông ra. Đôi lúc, hai mẹ con ngã nhào ra đường. Dù vậy, được nắm tay đứa con gái bé bỏng đã là hạnh phúc vô bờ đối với chị Yên.
“Con khôn lớn, khỏe mạnh như ngày hôm nay là điều hạnh phúc nhất với tôi. Chỉ tiếc tôi không được nhìn thấy con, nhưng được ôm con mỗi ngày, tôi chẳng còn ước mong gì hơn”, người mẹ tâm sự.
Đầu năm 2018, chị Yên quyết định sinh thêm em bé. Tôm (tên ở nhà của bé Lê Trọng Nguyên) chào đời trong niềm hạnh phúc của hai vợ chồng. Lúc này, căn bệnh của chị Yên tạm thời được kiểm soát, không còn tế bào ung thư.
“Vẫn biết bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào, nhưng tôi muốn sinh thêm để Bống có chị, có em, còn đỡ đần nhau”, chị nói.
Không còn bỡ ngỡ như lần sinh nở đầu tiên, giờ đây chị Yên đã quen với đôi mắt mù. Người mẹ vẫn tự tay pha sữa, thay bỉm cho con. Người mẹ trẻ vịn tay vào tường để dò lối đi quanh nhà.
Thấy con trai gắt ngủ, chị vội đi pha bình sữa. “Tôi bị mất sữa nên Tôm phải ăn sữa ngoài. Mới 2 tháng, con phải đi viện rồi”, chị vừa nói vừa lấy ngón tay tìm miệng con. Cậu bé mắt lim dim, mút sữa ngon lành. Đợi con ngủ say, chị mới đặt bé xuống võng.
“Người ta nói nếu bỏ Bống ngay từ đầu, tôi sẽ không bị mù. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã chọn con. Tôi chỉ mất một đôi mắt để có được con. Không những thế, tôi còn có hai thiên thần”, chị nói.
Những ngày khó khăn nhất cuộc đời, cứ bước rồi cũng sẽ qua
Anh Lê Văn Hợp, chồng chị Yên, vẫn không thể quên ngày bác sĩ thông báo vợ mắc ung thư giai đoạn cuối. “Chúng tôi chỉ vừa mới lấy nhau, nhận được tin dữ, tôi hoảng loạn tới mức không nghĩ được gì. Rồi khi cô ấy chọn giữ lại con, chịu đau đớn mỗi ngày, tôi chỉ ước được đau thay vợ. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho vợ khỏe mạnh, mong phép màu có thể xảy ra”, anh nói.
Trước khi bị bệnh, chị Yên làm công nhân, anh Hợp lái taxi. Cả hai chưa kịp tích cóp được đồng nào, tai họa ập đến. Họ tưởng rằng sẽ không vượt qua được giai đoạn ấy.
“Mổ bắt con sau 3 ngày, tôi đưa vợ xuống Bệnh viện K. Cô ấy yếu đến mức bác sĩ ái ngại, không dám nhận điều trị. Họ cứ phớt lờ bệnh nhân. ‘Yếu thế này thì điều trị gì’ - họ nói rồi mặc kệ cô ấy. Nhìn vợ yếu ớt, nằm vật vạ ngoài hành lang tôi xót xa mà không biết làm gì hơn”, anh Hợp nhớ lại.
May mắn, đến cuối ngày, vợ anh được nhập viện điều trị. 8 tháng, 2 lần xạ trị, 6 lần hóa chất, khối u được tiêu, tế bào ung thư cũng được xác định không còn trong sự bất ngờ của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.
“Ngày ấy, chúng tôi chỉ biết chấp nhận, rồi từ từ bước đi. Và cuối cùng tất cả cũng qua”, anh Hợp nói.
Sau gần 7 năm, cả nhà vẫn chưa có mái ấm riêng, phải ở nhờ nhà chị gái. Hàng ngày, chị Yên chăm con với sự hỗ trợ của bố, anh Hợp lái taxi đến đêm muộn mới về. Bữa sáng là bữa cơm duy nhất trong ngày có đủ cả gia đình.
Vẫn còn bao ngổn ngang phía trước, nhưng gương mặt của những người đã trải qua cơn thập tử nhất sinh để được ở bên nhau luôn rạng rỡ niềm hy vọng.
“Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng sống của mình thì sẽ sống” - câu triết lý chị được nghe khi đến nhà thờ ngày nào nay đã trở thành chân lý sống.
“Tương lai không nói trước được điều gì. Còn những chuyện đã qua, tôi nghĩ bất cứ người mẹ nào cũng sẽ có lựa chọn như tôi. Tôi không bao giờ tiếc mạng sống của mình và hối hận vì điều đó”, người mẹ hai con chia sẻ.
Đầu năm 2013, chị Nguyễn Thị Yên và anh Lê Văn Hợp (Phú Xuyên, Hà Nội) kết hôn. Sau đó, chị Yên có bầu. Những ngày đầu, chị hay bị chảy máu cam nhưng không để ý. Đầu tháng 7, khi thức dậy, bỗng nhiên máu từ trong mũi chị Yên chảy ộc ra, không thể cầm, anh Hợp vội đưa vợ đi cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chị mắc ung thư vòm họng, bệnh đã ở giai đoạn cuối. Lúc này, chị đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Sợ thai phụ không chịu được tin sốc, bác sĩ chỉ gọi anh Hợp vào thông báo.
Hai phương án được bác sĩ đưa ra, một là phải dừng thai kỳ để điều trị bệnh, hai là giữ lại con. Việc giữ lại con sẽ rất nguy hiểm, thậm chí cả mẹ lẫn con đều khó bảo toàn sự sống.
Gia đình giấu, nhưng chỉ ít ngày sau, chị Yên đã biết mình mang bệnh nặng. Không cần thời gian suy nghĩ, chị tuyên bố sẽ giữ lại con, từ chối gợi ý điều trị của bác sĩ.
Ba tháng cuối thai kỳ, bệnh diễn tiến nặng. Những cơn đau đầu hành hạ người mẹ trẻ, chị phải tìm tới thuốc giảm đau mới có thể ngủ. Cả ngày chị Yên cũng không thể ăn bởi liên tục nôn, thậm chí, đang ăn, máu từ mũi chảy vào bát.
Khi thai được 36 tuần, chị Yên ngày càng yếu, thở khó, hạch ở cổ sưng to, khối u cũng kéo làm mắt méo xệch. Lúc này, mắt trái của chị đã bị mù, mắt phải chỉ còn nhìn mờ do khối u chèn vào dây thần kinh.
Chị Yên được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ lấy thai. Khi bác sĩ gây tê, mắt còn lại của chị bị mất thị lực hoàn toàn. Giây phút con chào đời cũng là lúc trước mắt chị là bóng tối. Người mẹ không có cơ hội nhìn thấy đứa con mình hết lòng bảo vệ.