Giống như cách bạn tìm hiểu về ngôi trường hoăc một công ty trước khi bước chân vào học và làm việc, tìm kiếm mentor cũng vậy, hãy chọn những người có cùng tiếng nói.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Harvard Business Review, những người may mắn có mentor - người cố vấn - sẽ có kết quả làm việc tốt hơn, phát triển nghề nghiệp nhanh hơn và thậm chí có thể trải nghiệm được sự hài lòng trong cuộc sống và cả công việc nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tìm được một mentor cho mình.
Và vấn đề là chúng ta không biết tìm Mentor ở đâu? Như thế nào?
Bước 1: Xác định mục tiêu và cụ thể hoá nhu cầu
Hãy ngồi xuống, suy nghĩ và viết các mục tiêu trong cuộc sống và nghề nghiệp của mà bạn mong muốn. Hãy đảm bảo các mục tiêu của bạn SMART.
S - Specific - Cụ thể
M - Measurable - Đo lường được
A - Achievable - Có tính khả thi
R - Realistic - Mang tính thực tế
T - Timely - Có thời gian cụ thể
Kế đến, bạn hãy thử suy nghĩ các hành động thực tế giúp bạn đạt được các mục tiêu đó, đó có thể là học thêm một ngôn ngữ mới, một kỹ năng mới như thuyết trình, nói chuyện trước đám đông hoặc cần mở rộng các network (mối quan hệ công việc) của mình.
Bằng việc hiểu được mục tiêu của bản thân, các việc cần làm để đạt mục tiêu đó, bạn càng dễ hình thành nên hình ảnh của mentor mà mình cần.
Bước 2: Mô tả mentor của mình
Nghe có vẻ hơi lạ lẫm nhưng đây chính là bước bạn viết xuống các mong muốn cụ thể của mình đối với người hướng dẫn.
Bạn mong muốn được học những gì? Những điều bạn còn đang băn khoăn trong con đường sự nghiệp là gì? Bạn hãy mô tả cụ thể tính cách, quan điểm sống và làm việc mà bạn mong muốn tìm thấy ở mentor của mình.
Như cách bạn tìm hiểu tất cả thông tin về ngôi trường hoăc một công ty trước khi bước chân vào để học và làm việc. Tìm kiếm mentor cũng vậy, hãy chọn những người có cùng tiếng nói, quan điểm và suy nghĩ với mình.
Bước 3: Chủ động kết nối
Người giỏi có ở khắp mọi người và người sẵn sàng hướng dẫn bạn luôn ở đâu đó. Điều quan trọng là bạn hãy chủ động đi tìm.
Đó có thể là một người bạn gặp trong một buổi hội thảo, đó cũng có thể là chuyên gia trong ngành, có tiếng nói và có sự ảnh hưởng trên các mạng xã hội chuyên nghiệp (như LinkedIn chẳng hạn).
Bạn cũng có thể tham gia các cộng đồng chuyên ngành để có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và làm quen thêm các anh chị trong lĩnh vực công việc của mình.
Từ đó, bạn hãy dùng bảng mục tiêu và kế hoạch hành động của mình để thuyết phục những người giỏi trở thành người hướng dẫn của mình.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sự thành công luôn đi kèm với sự bận rộn. Do đó, đừng thất vọng khi nhận được câu từ chối. Bạn hãy tiếp tục theo dõi, học theo các cách mà họ chia sẻ và xem đó là một cách mình được hướng dẫn.
Hãy luôn kiên trì chứng tỏ nhiệt huyết của bản thân, đừng xấu hổ hay ngại ngùng cho người khác thấy đam mê và mục tiêu của bạn. Nếu bạn nhận được sự đồng ý? Thật tuyệt vời, hãy tận dụng cơ hội này một cách tốt nhất để học hỏi.
Bước 4: Hãy hỏi
Như bước 3, bạn phải dũng cảm vượt qua sự xấu hổ và ngại ngùng của bản thân để tìm kiếm một người dẫn đường cho mình.
Nếu họ quá bận rộn để trở thành người hướng dẫn của bạn. Cũng không sao cả, hãy hỏi, xem những hồi âm như cách họ đang hướng dẫn. Một điểm đặc biệt quan trọng là các câu hỏi của bạn cần trực diện, ngắn gọn và vào trọng tâm vấn đề.
Và bạn cũng cần nhớ rằng một cuộc trò chuyện lâu dài không nên là một cuộc trò chuyện một phía. Những câu hỏi của bạn đôi khi hãy xoay quanh cuộc sống và công việc của mentor, đừng chỉ khu trú trong những vướng mắc của mình.
Bước 5: Luôn cảm ơn
Nếu bạn may mắn nhận được sự hướng dẫn của mentor, bằng cách này hay cách khác, hãy luôn cám ơn. Những hồi đáp qua tin nhắn, những cuộc gọi facetime hay những cuộc gặp gỡ ngắn mà mentor dành cho bạn đều chứa đựng sự nhiệt tâm của họ cho việc cải thiện công việc và cuộc sống của bạn. Chính vì thế hãy luôn dành sự trân trọng cho bất cứ thời gian nào họ dành cho bạn.