Trong dịp Tết Nguyên đán, quất (hay còn gọi tắc) được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất chín mọng, tròn trĩnh, vàng tươi xen lẫn lá xanh cùng lộc non tượng trưng cho mùa xuân đầy sức sống và sự vươn lên.
Quất không chỉ là cây
Tác dụng của quả quất
Quất không chỉ là cây cảnh mùa xuân, chúng còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Ảnh: Thanh Đức. |
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Kiều Nga, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Dương, quả quất cùng họ với quýt, vỏ chiếm 22-22,5%, nước chiếm 28-56%, hạt 1,3- 2,5%, các thứ khác 0,3%. Trong loại quả này có chứa nhiều tinh dầu (3,8%), vitamin A, B, C, đường (11,6%), axit xitric 25, caroten...
Trong Đông y, quất có vị ngọt, chua, tính ấm tác dụng vào các kinh phế, vị, can. Quất có công năng tiêu đờm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng thư can (điều hoà, cải thiện chức năng gan), khai vị khí (kích thích tiêu hoá), thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch...
Tuy nhiên, bác sĩ Nga cho hay quất cảnh mua từ chợ để chơi Tết có thể đã phun thuốc trừ sâu, các chất hóa học để quả nhanh chín, giữ màu, lâu rụng,... Khi sử dụng loại quả này sẽ còn dư lượng hóa chất độc hại đọng lại trên vỏ quả thậm chí ngấm vào bên trong quả lớn.
Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, người dân chỉ nên dùng quất được phát triển tự nhiên, không bị phun nhiều loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu độc hại để đảm bảo sức khỏe.
Bài thuốc từ quả quất
Bác sĩ Trần Thị Kiều Nga. Ảnh: Phương Anh. |
Bài thuốc đơn giản nhất thường được bác bậc phụ huynh sử dụng cho các bé từ quả quất là hấp cách thủy cùng mật ong (hoặc đường phèn) trong vòng 15 phút để trị ho, viêm họng.
Ngoài ra, người ta còn dùng quất chưng làm siro để dùng dần, hoặc ngâm với đường, mật ong, để càng lâu càng tốt, có thể ngậm hoặc pha với nước uống khi mới bị viêm họng.
Bên cạnh đó, nước quất có thể uống như một loại nước giải khát, giúp thanh nhiệt cơ thể. Các bệnh đường tiêu hoá như đầy bụng, chướng hơi, nôn mửa, chán ăn cũng đều có thể dùng quất trị bệnh.
Một số bài thuốc khác từ quả quất
- Lá quất hơ nóng đắp chữa đau bụng, ho, sưng vú, có thể phơi khô sắc uống (dùng 6-12g/ngày).
- Chữa ho mất tiếng: trần bì (vỏ quất, quýt phơi khô) 12g, sắc với 200ml nước, còn 100ml thêm đường cho đủ ngọt (uống nhấp dần trong ngày).
- Đại tiện khó khăn, bụng trên đầy chướng: lấy 50g quả quất sắc uống trong ngày.