Cảm giác ngứa, khó chịu ngoài da là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trong mùa hè. Đôi khi, nguyên nhân đến từ những tác nhân đơn giản như bị côn trùng đốt, dị ứng thời tiết,...
Tuy nhiên, một số bệnh lý nguy hiểm hơn cũng gây ra ngứa như chàm, mày đay, vảy nến, zona, thậm chí các bệnh truyền nhiễm như ghẻ, nấm da,...
Nguy hiểm từ phản xạ gãi khi ngứa
Phản xạ đầu tiên của cơ thể khi xuất hiện cảm giác ngứa là chúng ta đưa tay tới vị trí đó để gãi. Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa I Đinh Ngọc Liên, khoa Da liễu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chúng ta nên cố gắng tránh hành động này, đặc biệt là khi đang điều trị các bệnh da liễu nói trên.
“Việc gãi tại các vị trí ngứa sẽ gây kích ứng da thêm và thậm chí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Phản xạ gãi khi ngứa đôi khi có thể mang lại nguy hiểm cho da. Ảnh minh họa: coline_hasle. |
Dẫu vậy, khó phủ nhận cảm giác khó chịu khi ngứa cũng có thể gây ra nhiều khó khăn trong đời sống thường ngày, làm mất tập trung, ảnh hưởng tới công việc, học tập,... Do đó, bác sĩ Liên gợi ý một số phương pháp giúp giảm ngứa chúng ta có thể áp dụng:
- Sử dụng vải lạnh, ẩm hay túi đá chườm lên vùng da bị ngứa trong khoảng 10 phút hoặc tới khi cảm giác ngứa thuyên giảm.
- Tắm bằng bột yến mạch. Thành phần này mang lại cảm giác dịu nhẹ cho da, nhất là với những người da có mụn nước hoặc chảy dịch do thủy đậu, phát ban, cháy nắng,...
- Chú tâm dưỡng ẩm cho da. Bác sĩ Liên nhấn mạnh chúng ta nên cố gắng tìm và chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với da của mình nhưng không chứa chất phụ gia, hương liệu hay nước hoa.
- Một phương pháp khác cũng được vị chuyên gia gợi ý là bôi thuốc gây tê tại chỗ có chứa pramoxine lên vùng bị ngứa.
- Cuối cùng, tình trạng ngứa có thể giảm nhờ bôi các chất làm mát như tinh dầu bạc hà, calamine,... Một mẹo có thể thực hiện trong trường hợp này là đặt kem dưỡng ẩm trong ngăn mát tủ lạnh và xoa lên vùng ngứa.
Ngăn ngừa tình trạng ngứa
Dù có hiệu quả nhất thời, những phương pháp trên cũng chỉ có thể giúp giảm bớt cảm giác ngứa, mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân. Dẫu vậy, bác sĩ Đinh Ngọc Liên cho rằng chúng ta có thể thực hiện một số cách để tránh đặt bản thân vào tình huống tương tự cũng như mắc các bệnh da liễu gây ngứa.
Cụ thể, vị chuyên gia khuyên chúng ta nên tắm bằng nước ấm, tránh để nhiệt độ nước quá cao. Người dân cũng nên lưu ý hạn chế thời gian tắm. Việc tắm dưới vòi hoa sen chỉ nên giới hạn trong khoảng 10 phút.
Một trong những phương pháp phòng tránh các bệnh da liễu, ngứa ngoài da là thường xuyên sử dụng kem dưỡng da, đồng thời lựa chọn xà phòng và chất tẩy rửa không mùi thơm, từ đó giảm nguy cơ kích ứng.
Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên, tránh hóa chất trong xà phòng, sản phẩm làm sạch,... là những cách ngăn ngừa bệnh da liễu, ngứa ngáy. Ảnh minh họa: christin_hume. |
“Hãy thận trọng với những sản phẩm dưỡng ẩm, làm sạch được dán nhãn ‘không mùi’. Nguyên nhân là chúng vẫn có thể chứa các loại hóa chất gây kích ứng cho da”, bác sĩ Liên cảnh báo.
Trong trường hợp đang điều trị các bệnh ngoài da gây ngứa, người bệnh nên tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, thoa thuốc trước khi dùng kem dưỡng ẩm. Việc thoa kem dưỡng ẩm cũng cần đảm bảo phủ tất cả vùng da trên cơ thể, bao gồm cả những khu vực đang điều trị bằng thuốc.
Người dân trong mùa hè nên ưu tiên mặc quần, áo rộng cùng chất liệu cotton. Len và các loại vải mang lại cảm giác thô ráp khác có thể mang tới nguy cơ kích ứng, gây ngứa dữ dội với những trường hợp da nhạy cảm.
Một lưu ý nhỏ được bác sĩ Liên đề cập là cần tránh thay đổi nhiệt độ quá lớn trong quá trình sinh hoạt. Đây là sai lầm khá thường gặp trong mùa hè, khi đa phần hộ gia đình, công ty sử dụng điều hòa công suất lớn.
“Chúng ta nên duy trì môi trường mát mẻ với độ ẩm trung tính trong văn phòng cũng như nhà ở. Việc sử dụng máy tạo độ ẩm cũng có thể hữu ích nếu chúng ta bị khô da, chàm,...”, vị chuyên gia gợi ý.
Tình trạng căng thẳng trong một số trường hợp là nguyên nhân có thể khiến các cơn ngứa trở nên khó chịu hơn. Do đó, chúng ta nên tìm cách kiểm soát và giảm sự căng thẳng trong công việc, học tập.
Cuối cùng, bác sĩ Liên khuyến cáo nếu tình trạng ngứa không chấm dứt trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để thăm khám và xử lý.
“Một số người có thể có những lý do khác nhau để gãi. Lúc này, bác sĩ da liễu sẽ có nhiệm vụ tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý”, bác sĩ này nói.