Bóng đá ở Buenos Aires có thuật ngữ là pausa để chỉ những tiền vệ có tầm nhìn: những người dẫn dắt lối chơi, đôi khi biết đợi một chút để đưa ra những đường chuyền sát thủ.
Quan sát Argentina lần này, ta không còn thấy những pausa nữa. Một Javier Mascherano hùng hục lao vào khi thấy bóng và lóng ngóng với mỗi đường chuyền ở tuổi 34, một Ever Banega thường chỉ tròn vai và đa phần mất hút cả trận, một Enzo Perez chưa thể hiện được nhiều, tài năng trẻ Giovani Lo Celso chưa xuất hiện.
Tuyến tiền vệ của Argentina đáng buồn có thể coi là một trong những tuyến yếu nhất của La Albiceleste lần này.
Những tiền vệ hào hoa kiểu Fernando Redondo hoàn toàn vắng bóng ở tuyển Argentina hiện tại. Ảnh: Getty. |
"Tuyệt chủng" những tiền vệ ma mãnh
Lối đá mấy trận vòng bảng thấy rõ điều đó: họ lao lên tấn công ồ ạt, không toan tính, cũng chẳng nghĩ suy. Lối đá tinh ranh, lúc nhấn nhá, lúc tăng tốc, mưu mô mang dấu ấn rất riêng của Argentina không còn nữa.
La Albiceleste giờ “tuyệt chủng” hoàn toàn những tiền vệ ma mãnh, đá rắn kiểu Diego Simeone hay hào hoa, khôn khéo kiểu Fernando Redondo, hoa lá kiểu Santiago Solari.
Họ cũng không còn những tiền vệ đôi lúc sẵn sàng chậm lại một hai nhịp để có thể đưa ra những đường chuyền sát thủ kiểu Roman Riquelme. Một pausa kiểu như đường chuyền của Diego Maradona “xuyên khe” tới Caniggia để hạ gục Brazil ở vòng 2 World Cup 1990.
Chúng ta sẽ còn ca ngợi nhiều cú đỡ hai chạm chân trái từ đường chuyền 40 m trước khi dùng chân phải ghi bàn của Lionel Messi, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: La Albiceleste đang đánh mất bản sắc.
Những khoảnh khắc lóe sáng của Messi sẽ không phủ lấp được sự mất dần bản sắc đó. Sự đánh mất này, được cựu tiền đạo Jorge Valdano, người cùng Maradona vô địch ở Mexico 1986, tóm lược hay nhất trong bài viết gần đây cho báo Guardian.
khi ông giải thích: “Điều đúng nhất là chúng tôi đang rời xa dần trái bóng, thứ mà chúng tôi yêu thích hơn cả chính môn thể thao này. Chúng ta rời xa lối chơi từng kéo mọi người tới sân vận động, nơi mà chúng ta vẫn muốn được hét “olé!” mỗi khi thấy ai đó rê dắt bóng, lừa được đối phương, trêu tức họ, mỗi khi chúng ta thấy những pha bật tường nhanh như điện hay những pha ma mãnh. Sự láu cá - đó chính là cuộc đời của chúng ta.”
Diego Maradona trong màu áo của Boca Juniors tại trận derby với River Plate. Ảnh: Football Times. |
Tất cả những láu cá và ma mãnh kiểu đường phố này giờ đang mất đi. “Đường phố luôn là trường học của chúng tôi. Đó là nơi dạy chúng tôi những kỹ năng, đem đến bóng đá sức mạnh văn hóa, phát triển những cầu thủ có những khác biệt”, Valdano viết.
Sự lụi tàn của "bóng đá đường phố"
“Nhưng thế hệ phát triển bóng đá từ đường phố ở Argentina giờ đang mất đi và không ai biết thay thế nó thế nào với mô hình giáo dục kiểu như Đức hay Tây Ban Nha. Chúng tôi có quá ít tiền, thiếu năng lực tổ chức hay tầm nhìn, và với sự kiêu ngạo của mình, quá tin rằng việc mình là cường quốc bóng đá là thứ gì đó Chúa đã định”.
Argentina trong nhiều năm liền luôn được coi là đẳng cấp vàng về đào tạo trẻ. Dù thiếu đầu tư, các lò đào tạo ở Buenos Aires dường như luôn sản sinh ra các tài năng mới để chinh phục thế giới. Họ vô địch giải U-20 thế giới tới 6 lần (lần cuối cùng là vào năm 2007 với thế hệ của Sergio Aguerro, Sergio Romero, Banega và Angel Di Maria).
Nhưng kể từ đó thì mọi thứ dường như chững lại. Bóng đá Argentina luôn trong tình trạng khủng hoảng tài chính triền miên. Rất nhiều CLB sống cảnh giật túi vá vai và mô hình kinh doanh của họ dựa hoàn toàn vào việc bán cầu thủ, thường là các cầu thủ rất trẻ, cho các đội bóng châu Âu hoặc là cho các quỹ đầu tư.
Sự thương mại hóa khốc liệt của bóng đá Argentina dẫn tới thực tế các CLB giờ chỉ chăm chăm phát triển các tiền đạo, những người chỉ cần ghi được 2-3 bàn là ngay lập tức sẽ được các CLB châu Âu đưa về phía bên kia Đại Tây Dương.
Hàng công của Argentina rất mạnh nhưng các tuyến còn lại thì ở mức trung bình và hoàn toàn thiếu vắng bản sắc của La Albiceleste. Ảnh: Reuters. |
Những cầu thủ này được “Âu hóa” và mất hoàn toàn chất Argentina trong lối chơi của mình. Messi thực tế là sản phẩm của lò La Masia chứ không phải của bóng đá đường phố xứ Tango. Các nguồn đầu tư ở cấp CLB đều nhắm vào hàng tiền đạo thay vì kỳ công đào tạo các hậu vệ hay tiền vệ tổ chức.
Đội hình của Argentina lần này đi cũng rất mạnh hàng tiền đạo với những Paulo Dybala, Gonzalo Higuain, Sergio Aguerro,… nhưng hoàn toàn yếu ở các tuyến khác.
Những Nicolas Otamendi, Marcos Rojo, Gabriel Mercado, Federico Fazio đều không phải là những trung vệ hàng đầu - họ thậm chí còn vật lộn để kiếm vị trí ở chính cấp CLB. Với hai hậu vệ cánh, họ không có những hậu vệ đẳng cấp kiểu Javier Zanetti hay Joan Pablo Sorin ngày nào.
Sự thiếu thốn tới mức mà Eduardo Salvio, một tiền vệ cánh với thiên hướng tấn công, đã được huy động để đá hậu vệ cánh ở giải lần này. Argentina vốn thường sản sinh ra những hậu vệ có bản lĩnh như Roberto Ayala, Mauricio Pochettino, Jose Chamot, Walter Samuel và Oscar Ruggeri. So với thế hệ đó, các hậu vệ hiện tại thực sự là kém rất nhiều bậc.
“Sự đi xuống bắt đầu từ văn hóa… Chúng tôi cần tất cả những phẩm chất và giá trị mà bóng đá Argentina đã mất từ lâu. Kỹ thuật, chất lượng, trí tưởng tượng, sự ma mãnh, chính xác. Argentina cần thống nhất lại một lối chơi mà có thể biến nhóm vất vơ này thành một đội hình”, Valdano nói.
Pháp, với đội hình cân bằng ba tuyến hơn, sẽ là thử thách thật sự cho Argentina ở vòng knock out. Trong một lần hiếm hoi, La Albiceleste sẽ bị coi là cửa dưới ở World Cup.
Họ vẫn có thể lê bước đi tiếp nếu Messi tiếp tục tỏa sáng. Hoặc, họ sẽ phải đối mặt với sự thật trần trụi nếu Les Bleus biết xoáy sâu vào những điểm yếu của đối thủ.