Làng báo Đức xảy ra "nội chiến" liên quan đến quyết định không-còn-muốn chơi cho tuyển Đức nữa của Oezil. Trước đó, ngôi sao 29 tuổi cảm thấy mình không nhận được sự tôn trọng. "Khi chiến thắng thì tôi là người Đức. Còn khi thất bại, tôi là thằng nhập cư", tiền vệ Arsenal viết trên Twitter.
Người bênh vực Oezil không ít, kẻ căm ghét nhiều vô số. Mỗi người có quan điểm riêng, nhưng tất cả quy cho một vấn đề chung. Oezil bị ghét chỉ vì đăng tấm hình chụp cùng đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không đúng thời điểm. Một điều khá hài hước trong thế giới bóng đá hiện đại.
Sau trận Đức thắng Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2010, Thủ tướng Merkel vào tận phòng thay đồ đội nhà bắt tay với Oezil. |
Từng được thủ tướng Đức chúc mừng
Để hiểu rõ câu chuyện của Oezil, tờ Spiegel giở lại hồ sơ cách đây 8 năm. Vào ngày 8/10/2010, tuyển Đức có trận đấu thuộc vòng loại EURO 2012 gặp Thổ Nhĩ Kỳ trên sân nhà. Trước 76.000 khán giả trên sân Berlin (Đức), những tiếng huýt sáo vang lên mỗi lần Oezil chạm bóng.
Không giống những cầu thủ khác như Nuri Sahin, anh em nhà Hamil và Halil Altintop chọn khoác áo Thổ Nhĩ Kỳ, Oezil quyết định phục vụ đội tuyển Đức, dù bản thân mang dòng máu Thổ. Mặc cho tiếng la ó của các cổ động viên người Thổ, Oezil có trận đấu tuyệt vời, chính anh ghi một bàn trong chiến thắng 3-0 của tuyển Đức.
Ngay sau trận đấu, Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tận phòng thay đồ của các cầu thủ để chúc mừng. Bà Merkel bắt tay với Oezil, con của một gia đình người nhập cư gốc Thổ đến vùng Ruhr để sinh sống nhiều năm trước. Báo Bild sau trận đấu đó đưa hình Oezil lên trang bìa.
Ở thời điểm bà Merkel chúc mừng Oezil trong phòng thay đồ, cánh báo chí gọi đó là khoảnh khắc "Oezil thuộc về tuyển Đức". Tiền vệ gốc Thổ cũng được xem như biểu tượng cho chủ nghĩa thế giới của người Đức, một sự hợp nhất giữa các cầu thủ khác nguồn gốc nhưng đứng trong đội tuyển quốc gia.
Oezil từng được xem là gương mặt cho một quốc gia theo thiên hướng "chủ nghĩa thế giới". |
Cũng buổi chiều hôm đó, Oezil diện kiến ông Recep Tayyip Erdogan, khi ấy còn giữ chức thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai trong cuộc gặp gỡ ở Berlin tay bắt mặt mừng. Ông Erdogan cũng gửi lời chúc đến làn sóng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức, mong muốn họ sẽ có được điều hạnh phúc.
Oezil và ông Recep Tayyip Erdogan cũng chụp ảnh cùng nhau. Chẳng có ai phiền hà gì điều đó cả. Song, nhiều thứ đã thay đổi từ năm 2010. Ông Erdogan trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ban hành nhiều chính sách bị phương Tây chỉ trích là độc đoán. Còn vài năm qua Đức vật lộn với làn sóng nhập cư.
Tiền vệ người Đức giờ là ngôi sao toàn cầu, với 31 triệu người theo dõi trên Facebook, có 23 triệu fan trên Twitter và 17 triệu người dùng cả Instagram ủng hộ. Oezil đã chơi cho Real Madrid và sau này là Arsenal. Anh có chức vô địch Tây Ban Nha cùng "Los Blancos" và đặc biệt cùng tuyển Đức lên ngôi ở World Cup 2014.
Oezil là ngôi sao và thuộc về tuyển Đức. Nhưng cánh truyền thông dường như có ác cảm với cầu thủ này. Tờ BleacherReport kể ngôi sao 29 tuổi không phải gương mặt được yêu mến. Điều đó xuất phát từ mối quan hệ giữa tiền vệ 29 tuổi và ông bố bị hủy hoại sau cuộc chiến pháp lý liên quan đến tiền bạc.
Ngoài ra, anh thậm chí không được lòng nhiều CĐV. Oezil thường từ chối với những cuộc phỏng vấn, điều khiến cánh truyền thông thêm phần "căm ghét". Năm 2015, chính những tay nhà báo kiếm chuyện với Oezil trước, họ luôn đề cập đến nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ khi nhắc đến tiền vệ tài hoa.
Nhưng chỉ với tấm ảnh này, Oezil gặp rắc rối lớn. |
"Người ta bảo tôi là cầu thủ Đức gốc Thổ. Trong khi đó, chẳng ai nói Sami Khedira là người Đức gốc Tunisia, hay Lukas Podolski và Miroslav Klose là người Đức gốc Ba Lan. Sao không ai nhớ tôi sinh ra ở Gelsenkirchen và lớn lên tại Đức", Oezil nổi đóa trên tờ Bild.
Nhiều người đánh giá Oezil đã không khéo, nhưng không thực sự có lỗi trong vụ rắc rối chụp ảnh cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Có chăng, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đã quá cay nghiệt trong cách xử lý vấn đề. Không ai đứng ra bênh vực số 10 tuyển Đức, dù rằng việc dàn xếp ổn thỏa mọi thứ không hề khó khăn với DFB.
Có thể tấm ảnh của Oezil xuất hiện không đúng thời điểm khi tình hình chính trị giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng. Nếu là 8 năm trước, có lẽ không ai để ý đến một bức hình như vậy. Nhưng DFB rõ ràng đã phản ứng trước vụ việc rất thiếu sự tinh tế. Từ một nhóm lửa nhỏ, họ làm lớn mọi thứ.
Mesut Oezil là nạn nhân của sự quản lý kém
Trên trang DW, nhà báo Matt Pearson kết luận những chỉ trích nhắm vào Oezil sau thất bại của tuyển Đức tại World Cup 2018, cũng như biến số 10 thành "vật tế" là cái kết buồn của phong cách quản lý tệ hại của DFB.
Oezil là cầu thủ, không phải nhà ngoại giao. Tấm ảnh chụp cùng Tổng thống Erdogan chỉ mang tính hữu nghị. Anh đơn giản là nạn nhân của sự bạc bẽo được Chủ tịch LĐBĐ Reinhard Grindel xây dựng.
Tờ Spiegel hôm 23/7 mô tả ông Grindel không phải người cổ xúy cho "chủ nghĩa đa văn hóa". Đã vậy, ngài Chủ tịch DFB cũng chẳng có được sự tinh tế, khéo léo khi đề cập đến vấn đề gốc gác cầu thủ.
Oezil giờ quay lưng với tuyển Đức vì không được coi trọng. |
Cựu Giám đốc truyền thông DFB Harald Stenger một lần thốt lên: "Grindel là vị chủ tịch tệ nhất tôi từng làm việc cùng". Báo Spiegel nói thêm người đàn ông đứng đầu DFB không có nhiều kiến thức trong quản lý bóng đá, và thiếu sự mật thiết với các tuyển thủ như người tiền nhiệm Wolfgang Niersbach.
Nhớ lại 8 năm trước, Oezil làm mọi thứ vì tuyển Đức. Anh hát quốc ca của Đức, khoác trên mình màu áo ĐTQG chống lại Thổ Nhĩ Kỳ dưới những tiếng la ó. Sau cùng, điều tiền vệ mắt trố nhận được là sự bạc bẽo. Khi đã không nhận được thái độ tôn trọng cần thiết, Oezil chẳng cần phải cố gắng nữa.
Nhưng với những ai yêu mến tuyển Đức và Oezil, họ thật sự cảm thấy tiếc nuối vì từ đây có thể không còn thấy một cầu thủ tài hoa khiêu vũ với trái bóng trên sân nữa. Oezil có nói "không còn muốn" chơi cho tuyển Đức trong bức thư đăng mạng xã hội. Điều đó không có nghĩa anh giã từ ĐTQG mà chỉ rời xa màu áo trắng khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn tồn tại ở DFB.
Người Đức theo chủ nghĩa thế giới giờ đang mong Oezil một ngày nào đó suy nghĩ lại.