Chuyến du lịch Đà Lạt cùng gia đình của Nguyễn Ngân (26 tuổi, TP.HCM) trở thành kỷ niệm kém vui, thậm chí là hãi hùng vì bị delay chuyến bay cả chiều đi lẫn về.
Ở chiều đi, chuyến bay của cô “may mắn” chỉ bị lùi lịch 45 phút. Nhưng ở chiều về, gia đình cô phải nán lại sân bay từ 15h đến gần 0h sáng hôm sau.
“Thực sự đó là một trải nghiệm vừa mệt mỏi, vừa bực tức. Đáng lẽ sau khi trở về TP.HCM, cả nhà tôi sẽ tiếp tục đi Vũng Tàu chơi tiếp, nhưng cuối cùng bị vỡ hết kế hoạch”, cô chia sẻ.
Khi du lịch hè bước vào mùa cao điểm, số lượng hành khách liên tục lập kỷ lục mới mỗi ngày khiến ngành hàng không rơi vào tình trạng quá tải.
Hàng người nối nhau, nhích từng bước vào quầy làm thủ tục ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Việt Linh. |
Từ đầu tháng 6, hơn 719.000 lượt khách quốc nội tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cùng với sự gia tăng nhanh chóng của khách quốc tế.
Số lượng hành khách đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) cũng tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, vượt quá công suất thiết kế của nhà ga hành khách T1.
Song song với đó, tần suất phàn nàn của hành khách cũng tăng lên. Nhiều người không ngờ rằng chuyến du lịch hè của mình lại trở thành công cuộc “hành xác”, hay còn gọi là “flightmare” (tạm dịch: Chuyến bay ác mộng).
“Flightmare” là từ ghép tiếng Anh giữa 2 từ “flight” (chuyến bay) và “nightmare” (ác mộng), dùng để chỉ trải nghiệm đáng thất vọng trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không, theo Từ điển tiếng Anh MacMillian.
Những vấn đề này bao gồm trì hoãn giờ bay quá lâu, hủy chuyến đột ngột hay giá vé tăng cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch di chuyển của hành khách.
Nguyễn Ngân và gia đình mệt mỏi khi phải vạ vật ở sân bay nhiều giờ đồng hồ vì delay. Ảnh: NVCC. |
Liên tục bị delay
Do nhà có người lớn tuổi, Nguyễn Ngân quyết định di chuyển bằng đường hàng không thay vì xe khách.
Cô đặt vé khứ hồi xuất phát từ TP.HCM vào ngày 15/6, và trở về từ Đà Lạt vào ngày 18/6. Dù đã chủ động tìm mua vé sớm, cô cho biết giá vé máy bay vẫn rất đắt đỏ.
“Mùa du lịch này vé đắt quá, mình đành chọn hãng hàng không giá rẻ vì giá ‘mềm’ hơn một chút. Hơn nữa, hãng cũng có chuyến bay tiện giờ check-in khách sạn”, cô giải thích.
Ban đầu, chuyến bay chiều về Đà Lạt - TP.HCM sẽ khởi hành lúc 16h ngày 18/6. Khoảng 11h cùng ngày, cô nhận được tin nhắn báo rằng chuyến bay sẽ trễ 30 phút.
Khoảng 14h, hãng tiếp tục có thông báo lùi chuyến xuống 17h.
“Tới 17h45, khi gia đình mình và các hành khách khác đã lên máy bay, hãng thông báo máy bay gặp sự cố nên không thể cất cánh, yêu cầu hành khách trở lại phòng chờ mà không có thông tin giờ bay tiếp”, cô kể lại.
Hệ thống hạ tầng tại sân bay Nội Bài ngày càng quá tải khi lượng khách tăng kỷ lục. Ảnh: Việt Linh. |
Đến 20h15, Nguyễn Ngân nhận được thông báo rằng giờ khởi hành mới là 21h15. Tuy nhiên, sau khi đợi trên xe buýt sân bay 20 phút, gia đình cô lại phải trở về phòng chờ. Cuối cùng, hãng hàng không này thông báo hủy chuyến.
“Hãng đưa ra 2 phương án cho hành khách: một là nhận hỗ trợ 300.000 đồng và đợi bay chuyến 14h30 hôm sau; hai là bảo lưu định danh, chọn bay một chuyến khác tương đương với tiền vé đã mua. Cả nhà mình đã bỏ luôn vé vì quá tức giận và không muốn lãng phí thêm thời gian”, cô cho biết.
Gần 0h ngày 19/6, gia đình Ngân Nguyễn may mắn đặt được xe khách trở lại TP.HCM. Nhiều người cùng chuyến bay với cô không may mắn như vậy, phải thuê khách sạn gần sân bay hoặc quay lại Đà Lạt.
“Chắc chắn sau lần này, mình sẽ bỏ thêm tiền mua vé ở hãng hàng không nào đáng tin tưởng hơn, hoặc chọn phương án di chuyển khác”, cô khẳng định.
Giá vé đắt đỏ
Tú Phương (24 tuổi) không gặp may mắn hơn. Cô đặt vé máy bay cho bố mẹ và em trai di chuyển từ Thanh Hóa đến TP.HCM, nơi cô làm việc, vào tối 27/6. Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau du lịch Vũng Tàu và Đà Lạt bằng ôtô cá nhân.
Dù đã đặt chuyến tối muộn để tránh tình trạng delay, gia đình cô vẫn bị lùi lịch bay 2 tiếng. 23h45, Tú Phương mới được đón gia đình tại sân bay Tân Sơn Nhất và đi ăn tối. Họ nhận phòng khách sạn lúc 1h.
“Cả nhà ai cũng mệt mỏi vì chờ đợi ở sân bay lâu và được nghỉ ngơi trễ. Sáng hôm sau, ai cũng uể oải, tinh thần không được thoải mái, ảnh hưởng đến chuyến tham quan thành phố”, cô chia sẻ.
Gia đình Tú Phương bị hoãn chuyến bay Thanh Hóa - TP.HCM 2 tiếng. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, Tú Phương nhận thấy giá vé máy bay gần đây tăng mạnh. Ban đầu, cô dự tính sẽ chi khoảng 10 triệu đồng để mua 3 cặp vé máy bay khứ hồi cho bố mẹ và em trai. Cuối cùng, con số thực tế tăng lên 15 triệu đồng.
“Tôi đặt vé trước ngày khởi hành khoảng 2 tuần. Dường như, giá thay đổi theo từng giờ. Ngày hôm trước, giá vé là 2 triệu đồng/vé một chiều, khiến tôi rất bất ngờ. Chưa đầy 24 tiếng sau, nó đã tăng lên 2,3 triệu đồng”, cô kể lại.
Mai Linh (27 tuổi, Hà Nội) cũng bất ngờ về tình trạng khan hiếm và đắt đỏ dù cẩn thận tìm đặt vé máy bay, khách sạn trước cả tháng.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh và bận rộn công việc, cô quyết định đưa mẹ và em trai đi chơi Đà Nẵng và Hội An (tỉnh Quảng Nam) vào cuối tháng 7 tới. Cô nhờ qua một bên dịch vụ booking để lo cả vé máy bay lẫn phòng khách sạn cho gia đình.
Mai Linh không thể mua vé máy bay do giá cả tăng vọt. Ảnh: NVCC. |
Sáng 26/6, Mai Linh nhận được báo giá các chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng dao động 1-2 triệu đồng/vé một chiều.
Sau 2 tiếng phân vân chọn giờ khởi hành, cô cho biết giá vé đã tăng thêm 300.000-400.000 đồng.
Cuối cùng, cô đành chi 3,3 triệu đồng/vé khứ hồi của hãng hàng không giá rẻ, bay vào tầm trưa để tiện check-in khách sạn.
Qua lời giải thích của bên dịch vụ booking, Mai Linh được biết rằng nhu cầu đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hay Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đều tăng mạnh.
Không chỉ vé máy bay, phòng khách sạn hay homestay ở những điểm đến này cũng thường xuyên trong tình trạng kín chỗ. Để phòng rủi ro, Mai Linh cũng quyết định đặt luôn phòng khách sạn trước 1 tháng.
“Đúng là bước vào mùa cao điểm du lịch hè có khác. Mới 2-3 tháng trước, tôi còn nghe về việc giá vé máy bay rẻ để kích cầu du lịch trở lại, nay thì tăng chóng mặt”, cô nói với Zing.
Chuẩn bị để tránh "ác mộng"
“Chuyến bay ác mộng” là điều không hành khách nào muốn trải qua. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra của chúng vẫn đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh mùa du lịch hè bước vào giai đoạn cao điểm.
Theo công bố của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt khách, tăng 190% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hành khách nên chuẩn bị trước tinh thần khi di chuyển bằng đường hàng không trong mùa du lịch cao điểm. Ảnh: Thạch Thảo. |
Dù không thể kiểm soát hoàn toàn các vấn đề chuyến bay, hành khách có thể lưu tâm một số mẹo nhằm giảm bớt lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng.
- Hãy chọn các chuyến bay khởi hành sớm trong ngày. Nhờ đó, nếu không may bị hủy vào phút chót, hành khách vẫn có cơ hội đặt vé vào khung giờ khác cùng ngày.
- Hãy chuẩn bị tinh thần cho tình trạng delay chuyến bay. Sự chậm trễ này có thể xảy ra từ quầy làm thủ tục, cổng an ninh hay sảnh chờ lên máy bay. Nên tính toán kỹ để tránh những ngày cao điểm hay những hôm dự báo thời tiết xấu. Ưu tiên chọn chuyến bay thẳng để giảm bớt khả năng hoãn chuyến.
- Hãy tìm hiểu về chính sách bảo hiểm du lịch. Loại bảo hiểm này giúp bảo vệ quyền lợi của hành khách khi lịch trình bay bị thay đổi, như chuyến bay bị delay quá 120 phút, chuyến bay đáp xuống sân bay khác hoặc hủy chuyến bay.
- Hãy kiên nhẫn với đội ngũ nhân viên sân bay và nhân viên hãng hàng không. Trải nghiệm du lịch sẽ bớt căng thẳng hơn khi đôi bên đối xử lịch sử và hòa nhã.
- Nếu bị delay tới 12 tiếng, bạn nên đi về nhà hoặc trở lại nơi lưu trú, khách sạn. Với thời gian trì hoãn này, thông thường hành khách sẽ được hãng bồi thường, hoàn tiền hay ưu tiên đổi chuyến miễn phí. Để hạn chế rơi vào cảnh bị delay và mắc kẹt ở sân bay, bạn nên có những lưu ý cụ thể khi đặt chỗ và lựa chọn thời gian bay.