Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mệt mỏi vì liên tục mắc bệnh vặt trong năm 2022

Thời gian gần đây, nhiều người cho biết thường xuyên mắc bệnh vặt hơn bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng này được ghi nhận ở nhiều nơi, không chỉ Việt Nam.

“Sao mà ốm hoài thế?”, một đồng nghiệp thân hỏi tôi sau khi nghe tôi ho liên tiếp nhiều lần trong văn phòng.

Từ năm 2018 đến đầu 2022, số lần tôi ốm vặt chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi gần như "miễn nhiễm" mọi virus ho cảm. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào đầu năm 2022, sau khi tôi bị Covid-19 lần đầu và TP.HCM mở cửa sau đại dịch.

Tôi thử đi tìm hiểu tình trạng này, và phát hiện nhiều người có cùng tình trạng.

Số lần ốm vặt tăng lên

Nhiều người cũng có triệu chứng tương tự dù sống ở miền Nam quanh năm nắng ấm.

Nam Phương sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Các năm trước, cô cho biết mình ít ốm vặt, cùng lắm là sổ mũi với sốt nhẹ, uống thuốc 3-4 ngày là đỡ. Tuy nhiên, nửa tháng gần đây, cô cảm thấy khắp người đau mệt, nhiệt độ cơ thể tăng lên nhưng không đến mức sốt, lâu lâu có hơi ớn lạnh.

Thậm chí nhiều khi, Phương còn không nhận thức được nhiệt độ cơ thể đang nóng lên cho đến khi được người khác nhắc nhở.

"Có hôm mẹ mình 'phát hoảng' khi phát hiện thân nhiệt mình nóng hơn bình thường. Nhưng kết quả khi đo nhiệt độ cơ thể chỉ 38 độ C", cô chia sẻ.

Những lúc cảm thấy nhiệt độ cơ thể không bình thường, Phương uống một viên sủi hạ sốt. Nếu kèm thêm triệu chứng đau đầu, cô uống một viên panadol. Cô cho hay hiện tượng này xuất hiện 2-3 ngày/lần, liên tục vài tuần này nên cô không đi khám.

"Triệu chứng không nặng, xét nghiệm Covid-19 không ra nên mình cũng khá lạc quan. Mình đang chờ hết tuần này nếu vẫn không đỡ mới đi bệnh viện", cô cho hay.

Anh Quốc Toàn, một người đồng nghiệp của tôi sống tại Hà Nội, thậm chí còn gặp tình trạng tệ hơn.

Anh Toàn vốn là người biết chăm lo tốt cho sức khỏe. Từng có một thời gian làm HLV, anh Toàn ăn ngủ đúng giờ đủ bữa đủ chất. Mỗi tuần, anh đều đặn tập gym 3-4 buổi và đá 2 trận bóng đá. Anh cho hay vì thế nên sức khỏe của mình khá tốt, ít ốm lặt vặt, nếu có bệnh thì thời gian bị bệnh khá nhanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức khỏe anh bắt đầu gặp vấn đề.

"Năm ngoái mình bị Covid-19 chỉ 5 ngày là khỏi, triệu chứng cũng nhẹ. Nhưng khoảng 2-3 tháng gần đây, có tới mấy lần mình ngủ dậy phát hiện bị ngạt mũi, đau họng dù không làm gì có hại cho sức khỏe", anh kể.

Đầu tháng 10 vừa rồi, anh Toàn bị đau họng, ngạt mũi, người mệt mỏi, uể oải khoảng 3-4 ngày. Do thời gian này cùng đợt Hà Nội có gió mùa nên anh đoán mình bệnh nhẹ do thay đổi thời tiết, chỉ ngậm thuốc ho và vệ sinh họng, mũi nước muối.

Đến giữa tháng 10, anh Toàn bắt đầu là sốt, đau mỏi người, đo nhiệt độ gần 39 độ. Tình trạng kéo dài khoảng hơn 3 ngày. Sang ngày thứ 3, anh Toàn đi khám và được chẩn đoán bị sốt virus. Đến ngày thứ 4, anh hạ sốt nhưng đau đầu, ngạt mũi nhiều hơn, tròn một tuần mới hết.

Mới gần đây, anh tiếp tục thấy người đau mỏi, đau đầu. May mắn, lần này anh không bị nặng như lần trước, người chỉ ấm, không còn sốt cao, hơn một ngày là khỏi.

"Mình ốm nhiều đến mức tự phát cáu với chính mình. Bệnh tật linh tinh khiến năng suất công việc mình bị ảnh hưởng nhiều", anh cho hay bị ốm khiến khả năng tập trung giảm, người uể oải, thiếu tinh thần dẫn đến không hoàn thành được mục tiêu công việc đề ra hàng ngày.

benh vat anh 1

Ốm vặt ảnh hưởng tinh thần và năng suất làm việc của anh Toàn. Ảnh minh họa: Pexels.

Hiện tượng phổ biến

Nhiều người cho hay tình trạng ốm vặt bắt đầu xuất hiện từ khi đại dịch kết thúc và Việt Nam bắt đầu gỡ bỏ các lệnh hạn chế.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, cho biết hiện tượng các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp xuất hiện nhiều sau đại dịch được nhiều chuyên gia và nhà khoa học ghi nhận tại nhiều nước chứ không riêng ở Việt Nam.

"Trong đại dịch, các nước đều áp dụng hàng loạt các biện pháp phòng bệnh như không tập trung đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay rất nghiêm ngặt. Vì vậy, virus các bệnh hô hấp vì thế cũng không có cơ hội lây lan hay phát tán. Khi đại dịch đỡ hơn, cuộc sống trở về bình thường, các biện pháp phòng bệnh dần bị lơ là khiến các bệnh lây qua đường hô hấp bình thường như cảm lạnh có điều kiện phát triển", bác sĩ Cấp giải thích.

Tiến sĩ Scott Joy, Giám đốc Trung tâm y tế HealthONE (Mỹ), khẳng định với NBC Nightly News rằng hiện tượng các bệnh hô hấp xuất hiện nhiều sau đại dịch không phải do hệ thống miễn dịch của con người yếu hơn sau hơn một năm đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Theo ông, virus các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm hay cúm có nhiều điều kiện lây lan từ người sang người khi dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Trong đại dịch, con người áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khiến những virus này bị hạn chế lây lan.

Đồng ý với BS Cấp. BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cũng cho hay tình trạng ốm vặt thường xuyên sau đại dịch là do sau khi mở cửa, các biện pháp phòng dịch không còn được áp dụng chặt chẽ, virus các bệnh về hô hấp có điều điện lây lan, phát tán ra ngoài.

Để ngăn ngừa mắc các bệnh vặt trong giai đoạn này, bác sĩ Khanh đưa ra 5 cách ngắn gọn gồm: uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động tốt, chích ngừa cúm, phế cầu.

Sau khi bị Covid-19 lần đầu tiên hồi tháng 3, tôi có triệu chứng Covid-19 kéo dài suốt sau đó một tháng. Trong khoảng thời gian này, tôi ho liên tục, ho xuyên đêm không ngủ được. Ho mãi gần một tháng, tôi mới đi khám và uống thuốc, tình hình sức khỏe mới đỡ hơn.

Bẵng đến tháng 9, tôi ốm một đợt nữa, sau một lần tắm đêm. Các triệu chứng đau họng, ho khan, nghẹt mũi tiếp tục kéo dài hơn 2 tuần mới hết. Sang tháng 10, tôi tiếp tục ốm 2 đợt nữa. Triệu chứng lần này giống hệt như khi bị Covid-19 nửa năm trước nhưng xét nghiệm nhanh Covid-19 lại không ra kết quả dương tính.

Không để tình trạng kéo dài như lần trước, lần gần đây tôi đã đi khám ở bệnh viện, được chẩn đoán bị viêm họng cấp và dùng thuốc hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Ca mắc tăng cao, các quận ở Hà Nội đẩy mạnh phòng dịch sốt xuất huyết

Trong đó, vệ sinh môi trường và tập huấn việc phòng tránh, điều trị bệnh sốt xuất huyết là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm