Ngày 22/6, Hội đồng xử lý kỷ luật Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã họp xem xét hành vi vi phạm tác phong, phong cách làm việc của bác sĩ H., người giẫm một chân lên giường để thăm khám cho bệnh nhân.
Hình thức kỷ luật với bác sĩ H. là miễn nhiệm chức Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, không được hưởng chế độ bổ sung thu nhập tăng thêm trong thời hạn 12 tháng (từ 6/2015 đến hết 5/2016). Quyết định của ban lãnh đạo bệnh viện nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Hình phạt nặng?
Phần lớn bạn đọc cho rằng tấm ảnh chụp sau lưng bác sĩ H. lan truyền trên mạng chưa phản ánh đúng sự việc. Nó không thể hiện được cả quá trình thăm khám bệnh nhân. "Hành động được coi là không đẹp mắt nhưng không thể hiện vị bác sĩ vô ý thức như mọi người đang thổi phồng. Tư thế tạo sự thoải mái khoẻ khoắn để bác sĩ khám cho bệnh nhân được chất lượng hơn không có gì là phản cảm", bạn Thanh Nam nhận định.
Khi quan sát kỹ, mọi người có thể thấy vị bác sĩ cố vần lưng bệnh nhân lên để khám. Người bệnh nằm trên giường sát tường nên bác sĩ không còn cách nào khác là đưa một chân lên giường làm đối trọng để giữ thăng bằng.
Nếu bác sĩ không phải đang thực hiện thao tác cần thăng bằng ở tầm thấp, anh giẫm chân lên giường làm gì? Bạn đọc Duy Nguyễn nhận định: “Đặt chân ở độ cao như bác sĩ H. chỉ khiến anh mỏi và khổ hơn. Nếu bác sĩ không tận tâm, anh sẽ khám qua loa cho xong, không đụng chạm vào người bệnh. Còn một vị bác sĩ tận tâm sẽ thăm khám cẩn thận, không vô ý thức đến mức đặt chân lên mép giường cao như vậy để ra oai”.
Một độc giả lấy ví dụ, nhiều tư thế thuộc về nghiệp vụ, hoặc dựa theo tình trạng bệnh nhân, bác sĩ bắt buộc làm như vậy. Hay một số kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, người làm ngành y phải dùng chân tác động vào người bệnh, ví dụ nắn khớp vai, chọc dò tủy sống, chọc dịch não tủy, ép tim ngoài lồng ngực cấp cứu, lấy bệnh phẩm vì bệnh nhân không cử động được.
Độc giả Đoàn Mai từng chứng kiến nhiều người làm trong nghề y phải leo lên giường tóm lấy bệnh nhân để làm vệ sinh bởi họ nằm lâu, gây loét nặng. Người nhà không biết hoặc chỉ đưa vào viện, không chăm sóc. Nhiều lúc bác sĩ còn bóp miệng người bệnh để lấy đờm. “Nếu mọi hành động, thao tác của bác sĩ đều bị người thân chụp hình đưa lên mạng chắc họ đều cũng sớm bỏ nghề vì áp lực dư luận”, nữ độc giả bộc bạch.
Bạn Liên Thùy Nguyễn nhớ lại lần cho con gái vào viện nội soi. Con của chị kháng cự không cho bác sĩ gây mê. Hai bác sĩ nam phải vất vả lắm mới ghì được đứa trẻ xuống để truyền thuốc. "Cảnh đấy mà được lan truyền chắc mọi người sẽ lại nhao lên: "Bác sĩ bạo hành trẻ em".
Dưới góc nhìn của mình, bạn Hai Hai đánh giá việc ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao đã ra quyết định là khá nặng với bác sĩ H. “Nghề làm ‘dâu trăm họ’ là vất vả nên mọi người không thể đánh giá bản chất con người chỉ qua một góc nhìn.
"Tôi rất buồn khi chẳng có ai dám đứng ra bảo vệ vị bác sĩ trong bức ảnh. Một tư thế không đẹp khi khám bệnh thì chỉ cần nhắc nhở. Y đức chính là trình độ chuyên môn tốt, yêu thương và chăm sóc người bệnh ân cần chứ đâu ở một tư thế chưa đẹp chỉ là trong chốc lát", bạn Nhụn Khúc viết.
Hành động chưa đẹp
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật đối với bác sĩ H. là phù hợp. Nếu bác sĩ H. giải trình bệnh nhân không nghe thấy, vì sao không cúi người xuống nói chuyện mà lại giẫm chân lên giường?
Bạn Thu Hiền thắc mắc, bác sĩ H. có nhiều lựa chọn để khám bệnh nhân hơn như ngồi trên chiếc ghế đặt dưới giường, hoặc cúi người, chứ không nên đưa một chân lên giường. Bởi hành vi khám bệnh như vậy cho dù sơ ý cũng gây ra hiệu ứng phản cảm, và phản ứng của người dân.
"Hoan nghênh với Ban lãnh đạo bệnh viện có hình thức kỷ luật kịp thời đối với bác sĩ H. Tôi thiết nghĩ ngành y cần có những người lãnh đạo nghiêm khắc như vậy thì mới chấn chỉnh được những thái độ và hành động thiếu ý thức của một số cán bộ y tế", bạn Hoài Nam ý kiến.
"Việc bác sĩ H. (Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đặt chân lên giường khi khám bệnh, kể cả có để giày hay không, là hình ảnh không đẹp, nhưng không đến nỗi là thảm họa y đức như nhiều bạn nghĩ. Ai trong đời không có những lúc tư thế hớ hênh? Ai trong đời không có những lúc có một động tác không phù hợp với hoàn cảnh? Ai trong đời không có lúc buông một tiếng chửi thề?", bác sĩ có tên Võ Xuân Sơn viết.