Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miệng núi lửa kỳ ảo nhất đất nước vạn đảo

Trong hàng chục núi lửa trên đảo Java, Indonesia, Ijen được biết đến như một nơi vừa nên thơ, vừa hùng vĩ, nhưng cũng đầy bí ẩn với du khách và ngay cả với người dân địa phương.

Ít ai biết rằng, Indonesia là đất nước có nhiều núi lửa nhất trên thế giới với 147 trong tổng số 850 núi lửa được phát hiện trên bề mặt trái đất, trong đó 76 núi lửa hiện vẫn đang hoạt động và có thể phun trào bất cứ lúc nào. Những cái tên núi lửa quen thuộc như Guntur, Papandayan (Tây Java), Slamet, Merapi (miền Trung Java), hay Bromo, Semeru, và Ijen... (Đông Java) luôn là đích đến của những du khách ưa khám phá thiên nhiên vì sự hùng vĩ và dữ dội của chúng. Trong số hàng chục núi lửa còn đang “ngủ trưa” trên hòn đảo Java phì nhiêu màu mỡ ấy, Ijen được biết đến như một nơi vừa nên thơ, vừa hùng vĩ, nhưng cũng đầy bí ẩn, ngay cả với người dân địa phương.

Ijen (Kawah Ijen) cao 2,799m so với mặt nước biển, nằm cách thị trấn Banyuwangi 26km về phía Tây Bắc, là một trong số 76 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động. Với vẻ ngoài rộng lớn và kỳ vĩ, miệng núi lửa Ijen được ghi nhận có bán kính 361m, diện tích bề mặt là 410m2, sâu 200m và có thể tích 3,600m3. Khi đứng ở nơi này, bạn sẽ có cảm giác mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên. Hàng ngày, có hàng trăm du khách leo lên núi lửa Ijen để xem ngọn lửa xanh phát ra từ mỏ quặng lưu huỳnh, ngắm bình minh từ từ xuất hiện giữa làn sương mờ đặc, và đắm chìm trong màu xanh ngọc bích huyền ảo của hồ axit nằm lọt thỏm trong miệng núi.

Trước khi kênh truyền hình Human Planet của đài BBC và tổ chức National Geographic đề cập tới “ngọn lửa xanh”, rất ít du khách leo lên Ijen vào ban đêm, bởi vì, từ điểm soát vé tới miệng núi là con đường đất khá nhỏ và dốc kéo dài khoảng hơn 4km, sau đó nếu muốn nhìn trực diện ngọn lửa, họ phải tiếp tục leo xuống tận sâu trong miệng núi với mùi lưu huỳnh nồng nặc bao quanh. Tuy nhiên hiện tại, rất nhiều khách du lịch, cả người trong nước và nước ngoài hiking lên Ijen vào ban đêm theo từng tốp.

Để được tận mắt nhìn thấy ngọn lửa huyền bí, đa phần du khách đặt tour ban đêm từ các văn phòng du lịch ở Banyuwangi hoặc Bondowoso. Khoảng 1, 2 h sáng, các xe Jeep, hoặc bus nhỏ lục tục nối đuôi nhau trên con đường nhựa mù sương xuyên qua cánh rừng rậm rạp đưa họ đến với Ijen. Họ tới điểm soát vé khá sớm, khi màn đêm tĩnh mịch còn bao phủ lên toàn bộ cảnh vật.

Những ngọn lửa mà người dân sống gần Ijen gọi là “blue fire” không phải là nham thạch. Đó chính là khí lưu huỳnh bị đốt cháy thoát ra từ các kẽ nứt trong miệng núi lửa có nhiệt độ lên tới 600 độ C, và phụt cao tầm 5m. Trời càng tối, những ngọn lửa trông càng huyền ảo và kỳ vĩ, tựa như những vũ công váy xanh điêu luyện nhảy nhót giữa đêm đen. Hiện tại, Ijen được ghi nhận là khu vực có nhiều lửa lưu huỳnh nhất trên thế giới.

Sau khoảng 2 giờ leo dốc, du khách có thể tới miệng núi lửa, và sau khoảng 45 phút leo xuống phía dưới mỏ lưu huỳnh nằm bên trong miệng núi, hàng trăm ngọn lửa màu xanh tím nhảy múa ngay trước mắt họ. Rất dễ để cảm nhận núi lửa ở gần tới mức nào, khi mùi khí lưu huỳnh cứ tăng dần trong không khí, khiến hơi thở của bất kỳ ai cũng trở nên nặng nhọc hơn bình thường.

“Blue Fire” không phải là lý do duy nhất để du khách mọi nơi khởi hành đi Ijen lúc nửa đêm. Bình minh trên miệng núi lửa và sự biến đổi màu sắc trong buổi sớm mai của một trong những hồ a xít lớn nhất thế giới là những khoảnh khắc đẹp và hùng vĩ hiếm có. Mặt trời bắt đầu lấp ló phía đông chậm rãi xua tan làn sương mờ ảo, để lộ ra hàng cây lá kim mọc san sát bên triền núi, nhân tiện tô thêm vô vàn sắc cam đỏ trên nền trời rộng lớn. Hồ Ijen dần hiện lên với màu xanh lơ nhàn nhạt, như một mảng màu lớn đang loang dần trên bảng vẽ.
Hồ Ijen dần hiện lên với màu xanh lơ nhàn nhạt, như một mảng màu lớn đang loang dần trên bảng vẽ. Nó lọt thỏm giữa những vách đá của miệng núi, bất động, thi thoảng một làn khói nhỏ từ mặt hồ khẽ bay lên, rồi tan biến vào không trung.
Khi mặt trời nhô hẳn lên khỏi đường chân trời, những tia sáng dịu dàng chiếu thẳng vào ngọn núi lửa phía xa xa, để lộ ra sắc hồng rực rỡ của nó, giữa một không gian kỳ vĩ và bao la. Các vách đá quanh miệng núi lửa cũng từ từ hiện lên rõ hơn trong ánh ban mai, hồ Ijen lúc này không còn nhàn nhạt nữa mà đã chuyển sang màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp. Nó trở thành một viên đá quý xanh khổng lồ không tì vết yên vị trong một khuôn nhẫn vĩ đại.

Nếu cố nán lại lâu hơn, khi mặt trời đã lên cao hẳn, toàn bộ khung cảnh sẽ trở nên rõ nét và rộng lớn hơn. Những ngọn núi xa xa sẽ hiện ra, tô điểm thêm cho cảnh vật vốn đã là một kiệt tác của tạo hóa. Những người ưa yên tĩnh có thể tìm được chỗ riêng cho mình trên miệng núi rộng mênh mông của Ijen, cảm nhận sự bao la xung quanh, rồi chợt thấy mình thật nhỏ bé trước

Hồ Ijen là khởi nguồn của dòng sông Banyupahit, vì vậy nước dòng sông này bị nhiễm nồng độ a-xít và kim loại khá cao, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ sinh thái ở vùng hạ lưu. Năm 2008, nhà thám hiểm George Kourounis đã chèo một chiếc thuyền cao su nhỏ ra giữa hồ để đo nồng độ a-xít, và kết quả cho thấy độ pH trong nước là 0.5.
Trong miệng núi lửa Ijen, ngay cạnh hồ a-xít, nơi những ngọn lửa xanh do lưu huỳnh bị đốt cháy không ngừng phun lên, là một mỏ lưu hình kết tủa. Người ta đã tạo các đường ống để dẫn khí từ lòng núi lửa tạo nên sự ngưng tụ của lưu huỳnh nóng chảy. Từ màu đỏ khi bị nung chảy, lưu huỳnh chảy qua các đường ống rồi kết thúc ở những hố nhỏ trên bề mặt miệng núi lửa, rồi biến thành màu vàng sậm khi nguội.
Trong miệng núi lửa Ijen, ngay cạnh hồ a-xít, nơi những ngọn lửa xanh do lưu huỳnh bị đốt cháy không ngừng phun lên, là một mỏ lưu hình kết tủa. Người ta đã tạo các đường ống để dẫn khí từ lòng núi lửa tạo nên sự ngưng tụ của lưu huỳnh nóng chảy. Từ màu đỏ khi bị nung chảy, lưu huỳnh chảy qua các đường ống rồi kết thúc ở những hố nhỏ trên bề mặt miệng núi lửa, rồi biến thành màu vàng sậm khi nguội.
Những người thợ mỏ dùng búa đập những tảng lưu huỳnh đã nguội thành những miếng lớn cho vào hai chiếc giỏ, móc vào chiếc đòn gánh và gánh lên trên vành miệng núi qua con đường mòn dốc và nhổn nhổn những đá cao khoảng 300m so với lòng núi. Sau đó, họ tiếp tục gánh thêm khoảng 3km xuống điểm cân đo, và hơn 1km nữa xuống dưới điểm tập kết.
Những người thợ với trang bị thô sơ, đi dép tông, dép quai nhựa hay ủng đi mưa, và dùng cây gỗ tròn làm đòn gánh kẽo kẹt lên xuống con đường dốc khiến nhiều du khách tỏ ra ái ngại. Thậm chí họ không có trang phục bảo hộ hay khẩu trang để cản bớt mùi nồng nặc của lưu huỳnh trong lòng núi, khiến họ càng mệt nhọc hơn. Dọc mép núi lên đỉnh núi lửa đã trở thành con đường mòn quen thuộc cho cả du khách lẫn những người thợ khai thác lưu huỳnh.
 Nhiều người thợ nơi đây vẫn còn nhớ câu chuyện một vận động viên người Úc đã từng đến Ijen, và thử làm công việc của họ trong một tuần. Tuy nhiên anh chàng đã bỏ cuộc sau 2 ngày và lắc đầu ngao ngán: “Đây là công việc nặng nhọc nhất tôi từng làm. Nó không phải dành cho con người!!!”
Thế nhưng, để mưu sinh, những con người nhỏ bé ấy vẫn hàng ngày gánh trên vai từ 65 tới 90kg quặng/ chuyến, lầm lũi lên xuống Ijen, như là một phần cuộc sống vốn đã rất quen thuộc của họ. Du khách tới đây, để tỏ lòng thông cảm và giúp đỡ những người thợ mỏ, thường mua những miếng quặng nhỏ, hoặc mời họ cốc cà phê, điếu thuốc. Những con người chất phác và hiền lành ấy, sẽ phá lên cười khi ai đó chào họ bằng tiếng của người Java: “Monggo!”
Du khách có thể dễ dàng bắt được hơi thở phì phò nặng nhọc của những người thợ mỏ khi họ chậm chạp leo lên vành miệng Ijen từ mỏ quặng. Tuy nhiên, những người thợ vẫn tươi cười chào hỏi du khách và ngỏ ý bán cho họ những miếng quặng lưu huỳnh nhỏ hình tháp, hoặc đã được mài dũa thành các loại hình thù khác nhau.
Hầu hết tất cả những người thợ mỏ ở Ijen vận chuyển 2 chuyến trong một ngày. Một nhà máy đường gần đó trả công cho họ dựa vào trọng lượng quặng lưu huỳnh mà họ vận chuyển được trong một ngày, trung bình khoảng 13 đô la Mỹ.

Có hai đường chính du khách có thể tới Ijen, đó là từ Bondowoso phía Bắc và Banyuwangi phía Đông Nam. Thông thường, khách du lịch đi theo tour du lịch trọn gói theo chặng Borobudur (miền trung Java) – Bromo (Malang) – Ijen Plateau – Bali sẽ đến Ijen từ Bondowoso. Tuy nhiên, những du khách tự du lịch từng điểm mà không qua một tour lớn, hoặc những người tới Ijen từ Bali sẽ chọn điểm xuất phát là Banyuwangi. Từ Denpasar (Bali) tới Banyuwangi mất khoảng 4 tiếng đi xe buýt và phà, do vậy cũng rất tiện đường cho tất cả du khách muốn leo đỉnh Ijen để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi này.

Đối với những người ưa thích đi du lịch bằng xe máy, việc thuê một chiếc xe tay ga ở Banyuwangi cũng không hề khó. Quãng đường 26km từ trung tâm Banyuwangi tới điểm soát vé Ijen khá đẹp, do vậy, xe máy dường như là một phương tiện lý tưởng và cực kỳ tiết kiệm.

Xăng ở Indonesia rất rẻ, khoảng 6,500 Rp/ lít (tương đương 11,700 VND), giá thuê xe tầm 50 – 60,000 Rp/ ngày, giá vé vào Ijen là 30,000 Rp/ người, hơn nữa khi đi bằng xe máy, bạn không phải chạy theo khung thời gian của tour có sẵn mà thoải mái khám phá mọi ngóc ngách của núi lửa này.

Tuy nhiên, cần chuẩn bị áo ấm trước khi khởi hành bằng xe máy tới Ijen, bởi vì nhiệt độ ban đêm khá thấp, cùng với sương mù trên con đường xuyên qua rừng có thể khiến bạn lạnh cóng trước khi tới chân núi. Hãy khởi hành từ trung tâm thị trấn tầm 1h sáng, bạn sẽ có cơ hội xem tất cả những gì thú vị của cao nguyên núi lửa Ijen, một địa điểm rất khó bỏ qua của đất nước vạn đảo xinh đẹp và hấp dẫn này.

Biên Nguyễn

Ảnh: Biên Nguyễn

Bạn có thể quan tâm