Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mình làm chủ mạng hay mạng làm chủ mình?

Một nghiên cứu của CNN “Tuổi 13 - bí mật bên trong thế giới vị thành niên” với sự tham gia của 200 trẻ vị thành niên cho thấy trẻ quá phụ thuộc vào các trang mạng xã hội.

Mới đây, cộng đồng mạng cũng dậy sóng với cuộc nói chuyện của nhà sư với hàng trăm bạn trẻ ở VN về Facebook. Một trong những câu nói của nhà sư là: “Lên non mới biết non cao. Lên Face mới biết Face bao não phiền”.

Ngày càng nhiều trẻ vị thành niên sử dụng điện thoại thông minh truy cập các mạng xã hội.

Muốn kiểm tra xem có ai nói xấu mình không?

Kết quả nghiên cứu của CNN cho thấy các trẻ em quá “nghiện” mạng xã hội với các trang phổ biến như Facebook, Instagram hay Twitter. Các em dành nhiều thời gian trực tuyến hơn những hoạt động khác, có em thú nhận truy cập mạng xã hội Facebook hơn 100 lần/ngày, đôi khi ngay cả trong giờ học.

“Em thà nhịn ăn một tuần còn hơn sống xa điện thoại. Nó thật sự tồi tệ, em cảm giác mình sắp chết đi” - Gia, 13 tuổi, chia sẻ với CNN. Còn Kyla cho biết: “Em cảm thấy hoàn toàn trống trải nếu không có điện thoại kế bên”.

Mất ngủ, xao nhãng việc học tập, ít giao lưu, thậm chí trầm cảm là những hệ lụy không thể tránh khỏi. Các em quan tâm khá nhiều đến những gì diễn ra trên các mạng xã hội. 61% quan tâm các chia sẻ của bản thân có nhận được nhiều lượt thích hay bình luận, 36% muốn biết bạn bè làm gì khi không có các em, còn 21% số khác muốn kiểm tra xem liệu có ai... nói xấu về mình. “Em muốn biết bọn họ đang nói gì, liệu họ có nói xấu em không. Nếu có, em cũng nói xấu lại họ” - Jack nói.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm khác là lời nói và từ ngữ không phù hợp. Trẻ có xu hướng sử dụng từ “lóng”, từ thô tục, từ liên quan đến giới tính, tình dục mà trẻ ít dám sử dụng trong đời sống hằng ngày. Với ý nghĩ có thể tự do viết những gì mình thích mà không bị kiểm soát, trẻ vô tư chia sẻ và bình luận bằng những từ ngữ đó.

Thêm nữa, những hình ảnh “đồi trụy” tràn lan khắp mạng xã hội cũng ảnh hưởng đến tâm trí đang còn non nớt về mặt nhận thức. Đôi khi, quyền riêng tư bị xâm phạm một cách công khai. Ví dụ, sau khi chia tay bạn khác giới, những hình ảnh nhạy cảm, thân mật bị đưa lên mạng xã hội cùng những bình luận ác ý tạo nên những hệ lụy, đặc biệt với các bé gái.

Sống ảo vô tình biến mình thành thùng rác

Đó là một trong các ý mà nhà sư Thích Tâm Nguyên vừa nói chuyện chủ đề sống ảo với các bạn trẻ tại chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP HCM).

Với clip 13 phút, bằng kiểu pha trò hết sức hài hước, vị sư vẽ nên chân dung các bạn trẻ trên Facebook: tham gia các “bang hội” như hội độc thân suốt đời, hội fan cuồng, hội hung hãn...; là nơi “ném bom”, tìm kiếm “vật liệu xây dựng” mà không cần phải tốn sức nhiều.

Tuy nhiên, vị sư nói: “Tham gia Facebook, chúng ta trở thành một con người ngày ăn ba bữa, tắm rửa ba lần, thức dậy đúng giờ, song lại sống trong... bốn bức tường”. Ông cũng nói việc xài Facebook của một số bạn làm phung phí thời gian, tiền bạc và sức khỏe của chính các bạn. “Các bạn sử dụng Facebook để khai thác một thứ mà không cần phải ra Quảng Ninh, đó là “than”. Các bạn không biết chia sẻ với ai nên cứ đăng lên Facebook. Đôi khi cái mình đăng lên lại bị nhiều người công kích, thế là lại buồn, có trường hợp còn tự tử. Các bạn vô tình biến mình thành một cái thùng rác giữa ngã tư đường” - nhà sư chia sẻ.

Trong clip, các bạn trẻ được cười thỏa thích sau những ví dụ hết sức ngộ nghĩnh, nhưng cũng lắng lòng mình lại khi nghe những lời cảnh tỉnh từ nhà sư Thích Tâm Nguyên.

Theo nhà sư, mạng xã hội là công cụ rất tuyệt vời và chúng ta không phủ nhận giá trị của nó mang lại cho xã hội ngày nay. Tuy nhiên ông nói có ba câu hỏi các bạn trẻ cần đặt ra cho chính mình, đó là: Dùng với mục đích gì? Để làm gì? Hướng tới đâu? Như vậy mới hi vọng mình làm chủ mạng chứ không phải mạng làm chủ mình, tránh được tác hại của nó, nhà sư giảng giải.

 

Can thiệp đúng lúc của phụ huynh

Theo CNN, vị thành niên là độ tuổi đang tò mò, khám phá giá trị của bản thân và cuộc sống nên những tác động tiêu cực của mạng xã hội trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng xấu tới cả thể chất lẫn tinh thần.

Bên cạnh những điểm tích cực như giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm với bạn bè thì những tác động xấu của mạng xã hội là không thể chối cãi. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, trò chuyện, chia sẻ với trẻ ở độ tuổi nhạy cảm này. Đồng thời, phụ huynh có thể tạo tài khoản trên các mạng xã hội để có thể giám sát và định hướng trẻ sử dụng theo chiều hướng tích cực.

 

Trào lưu khoe ảnh 'Facebook và đời thực'

Cùng là một cô gái, nhưng bạn sẽ không khỏi sự ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh của họ ở ngoài đời và trên mạng xã hội khác xa như thế nào.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151014/minh-lam-chu-mang-hay-mang-lam-chu-minh/984799.html

Theo Nhóm PV/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm