Diễn viên Đăng Lưu sinh năm 1976, anh trút hơi thở cuối cùng lúc 1h23 ngày 7/4, hưởng dương 40 tuổi sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan và tiểu đường. Anh là học trò của nghệ sĩ Minh Nhí ở khóa 22 tại trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM.
Nhắc về người học trò bạc mệnh, Minh Nhí hồi tưởng lại những ký ức đẹp đẽ. Trong mắt anh, Đăng Lưu là chàng sinh viên chịu thương chịu khó, vui vẻ và không bao giờ làm ai phải phật lòng.
Kiên trì làm “chiếc đuôi”
Năm đầu tiên đăng ký tuyển sinh vào trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Đăng Lưu chưa phải là sinh viên chính thức, mà tham gia lớp dự thính để chuẩn bị cho kỳ thi năm sau. Ngày đầu gặp cậu ấy, tôi không muốn nhận. Bởi muốn thi vào trường Sân khấu, ngoại hình là một trong những điều kiện quan trọng nhưng Lưu lại không có lợi thế này.
Vậy mà Lưu không nản chí, cậu ấy vào tận trường để tìm tôi và nài nỉ xin được học. Một lần chưa được, Lưu tìm tôi lần 2, lần 3. Sau những cuộc gặp gỡ không hẹn trước như vậy, tôi cũng xiêu lòng.
Nghệ sĩ Minh Nhí đến viếng học trò Đăng Lưu. Ảnh: Lê Tuấn |
Ngay từ những buổi học đầu tiên, Đăng Lưu chứng tỏ sự quyết tâm và say mê với nghề. Những lần trả bài, tập tuồng, tiểu phẩm, tôi nhận ra rằng chàng trai này vừa siêng năng lại có khả năng diễn ổn. Chính điều này khiến Lưu cho tôi niềm tin rằng không có gì có thể đánh bại được đam mê của cậu ấy. Sau thời gian ngắn, Đăng Lưu được tuyển vào lớp chính thức.
Đến viếng Lưu lần cuối, tôi chợt nhớ lại câu chuyện “theo đuôi” này rồi kể lại cho các bạn bè cùng lớp ngày đó. Mọi người vừa xót xa vừa tiếc nuối, bởi với sự say mê với nghề, ắt hẳn niềm hạnh phúc lớn nhất của Lưu là được đứng trên sân khấu.
Hàng năm đều về thắp hương Tổ nghiệp
Trong giới, chúng tôi thường gọi vui nhau là “bà”, không quan trọng là nam hay nữ. Tôi nhớ sau khi Đăng Lưu tốt nghiệp, tôi gặp cậu ấy và chia sẻ: “Bà nha bà, bà giống y chang tôi, tức ngoại hình xấu xí nên phải vận động, cố gắng hết sức. Người ta làm bao nhiêu, bà phải làm gấp đôi để chứng tỏ năng lực của mình”.
Lưu ra làm nghề, thầy trò không ít lần gặp nhau và có dịp hợp tác tại sân khấu Kịch Sài Gòn (TP HCM). Bao nhiêu năm, cậu ấy vẫn không thay đổi, luôn là cậu học trò hiền lành, ngoan, nhiệt tình và dành cho người thầy này sự quý mến và kính trọng như ngày đầu.
Gặp tôi, Lưu luôn nhắc đến câu nói ngày xưa của tôi. Dù bị thầy chê nhưng nhờ vậy, Lưu biết mình thiếu thứ gì, để từ đó tìm cách bù đắp bằng những thứ khác.
"Bao nhiêu năm, cậu ấy vẫn không thay đổi, luôn là cậu học trò hiền lành, ngoan, nhiệt tình". |
Nhớ về Đăng Lưu, tôi không bao giờ quên một câu chuyện rất đặc biệt. Từ những ngày đầu tiên vào học tại trường cho đến sau này, hằng năm, cậu ấy đều đến để thắp hương trước bàn thờ Tổ nghiệp riêng trong nhà tôi. Dù có bận mấy, Lưu cũng tranh thủ sang, rồi chạy gấp về trường quay.
Một điều nữa khiến tôi rất quý Lưu là chừng ấy năm, chưa bao giờ được đóng vai chính nhưng tôi chưa bao giờ nghe cậu than vãn, nản chí. Thay vào đó, Lưu luôn giữ khí thế yêu nghề hừng hực.
Không riêng gì Lưu, bất cứ học trò sau khi ra trường, tôi luôn dõi theo từng hoạt động, hỏi thăm tình hình. Gặp nhau ở đâu, thấy trò chưa được chỗ này, diễn chưa tới chỗ kia, tôi đều góp ý và khuyên răn. Được cái, chúng dù có nổi cỡ nào, ngay cả những đứa đã thành danh như Thúy Nga, Việt Hương, Tiết Cương, Thu Trang cũng không dám cãi. Mọi người biết nếu la, tôi chỉ la đúng chứ không phải vô cớ. Mà những đứa lớn không dám cãi, sao Lưu dám?
Bần thần hay tin học trò ra đi
Bệnh tình của Đăng Lưu, tôi và mọi người hoàn toàn không hay biết. Nghe tin Lưu bất tỉnh, tôi thậm chí nghĩ rằng cậu ấy bị tai nạn giao thông. Đến khi biết bệnh tình, tôi vẫn không tin vì nghĩ bệnh nào cũng phải có quá trình tái phát và chữa trị. Không ngờ rằng Lưu phải chống chọi với căn bệnh trong cơ thể mình suốt năm qua mà không nói với ai.
Ngày 7/4, bạn thân của Lưu là Thái Minh Nhiên nhắn tin báo học trò cũ vừa qua đời, tôi nghe tin mà sốc, run rẩy cả người. Mãi đến hôm viếng Lưu, tôi mới biết chuyện cậu ấy giấu không muốn mọi người lo lắng cho mình. Nếu được hỏi, cậu ấy cũng chỉ xoa đầu bảo bệnh xoàng xĩnh.
Những ngày qua, tôi suy nghĩ nhiều điều về Lưu. Cậu ấy còn trẻ, còn yêu nghề, tính tình tốt, vui vẻ không bao giờ làm mất lòng ai. Tiễn Lưu về với đất trời, ai nấy vẫn còn bần thần và xót xa.