Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Minh oan cho người chết trong trại giam ra sao?

Có lẽ đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng phải đối mặt với việc làm thế nào để minh oan cho người đã chết.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 8/6 có bài “Cần minh oan cho người đã chết” phản ánh chuyện chị Trần Thị Hải Yến tự tử trong nhà giam, sau đó không ít lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng chị bị oan nhưng đến nay chưa có cơ quan nào kết luận, minh oan cho chị.

Có lẽ đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng phải đối mặt với việc làm thế nào để minh oan cho người đã chết. Trình tự, thủ tục ra sao là vấn đề đau đầu không chỉ với cơ quan tố tụng mà ngay cả các chuyên gia về tố tụng cũng rất băn khoăn.

Theo quy định của BLTTHS, khi bị can, bị cáo chết thì cơ quan tố tụng chỉ ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án trong các trường hợp BLTTHS quy định có cả trường hợp “không có sự việc phạm tội” hoặc “hành vi không cấu thành tội phạm” (khoản 1, khoản 2 Điều 107). 

Nhưng nếu người bị bắt, chưa phải là bị can, bị cáo mà chết thì BLTTHS đã có quy định tại Điều 108.

Cha và chị ruột chị Trần Thị Hải Yến đau khổ trước cái chết oan khuất của người thân.
Cha và chị ruột chị Trần Thị Hải Yến đau khổ trước cái chết oan khuất của người thân.

Trường hợp của chị Hải Yến thì sau khi TAND huyện Tuy An tuyên phạt 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, TAND tỉnh Phú Yên đã hủy án với nhận định: “Chưa đủ cơ sở buộc tội, vụ án có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng”. 

Tòa yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Sau khi hết hạn tạm giam, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tuy An tống đạt quyết định gia hạn tạm giam hai tháng đối với chị Yến. Hơn ba tiếng sau, người ta phát hiện chị đã chết trong buồng tạm giam, sau đó công an kết luận chị treo cổ tự tử.

Việc Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Phú Yên ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với chị Yến với lý do chị Yến đã chết là chưa thỏa đáng. Vì như vậy sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là người thân của chị Yến không có quyền yêu cầu TAND huyện Tuy An bồi thường và xin lỗi, minh oan cho chị.

Lẽ ra với các tài liệu, chứng cứ mà tòa án cấp phúc thẩm làm căn cứ để hủy bản án sơ thẩm thì trong quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với chị Yến của Công an tỉnh Phú Yên phải ghi rõ lý do là: “Không có sự việc phạm tội (khoản 1 Điều 107) hoặc “hành vi của chị Trần Thị Hải Yến không cấu thành tội phạm” (khoản 2 Điều 107) và khoản 7 Điều 107 BLTTHS.

Việc Công an tỉnh Phú Yên chỉ căn cứ vào khoản 7 Điều 107 BLTTHS để đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với chị Yến là không chính xác. Rõ ràng quyết định đình chỉ nửa vời này của Công an tỉnh Phú Yên là chưa làm hết trách nhiệm. 

Để chị Hải Yến được chính thức minh oan và người thân của chị Yến yêu cầu TAND huyện Tuy An bồi thường thì Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Phú Yên cần rút lại quyết định đình chỉ cũ, đồng thời ban hành một quyết định đình chỉ mới có đầy đủ lý do và căn cứ để chính thức minh oan cho chị Yến. (Hoặc cơ quan điều tra chỉ cần ban hành lại quyết định đình chỉ điều tra nhưng ở dưới phải ghi rõ “quyết định này thay thế quyết định số…ngày…” (quyết định cũ)). 

Khi đó, TAND huyện Tuy An sẽ tổ chức xin lỗi và bồi thường cho gia đình chị.

Làm được như vậy không chỉ được dư luận đồng tình mà linh hồn của chị Yến cũng được thanh thản nơi chín suối.

Cần minh oan cho người đã chết

Sau khi Hải Yến tự tử trong nhà tạm giam, không ít lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng chị bị oan nhưng đến nay chưa có cơ quan nào kết luận, minh oan.

http://phapluattp.vn/phap-luat/minh-oan-cho-nguoi-chet-trong-trai-giam-ra-sao-560722.html

Theo Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm