Nghệ sĩ Minh Vượng và Chí Trung đều là những người Hà Nội gốc. Một người lớn lên ở khu lao động nghèo Lương Yên, còn một người quê gốc tại Gia Lâm. Yêu Tết truyền thống nhưng cả hai nghệ sĩ đều sợ những tục lệ đẹp bị biến tướng như lì xì tiền triệu, biếu quà Tết hoành tráng.
Minh Vượng tự hào nấu ăn rất ngon
Tham gia chương trình Câu chuyện cuối năm, Minh Vượng khoe: "Tôi là người quanh năm vào bếp bởi vì trong tử vi của tôi, nếu tôi làm nghề nấu nướng và may vá thì sẽ phát tài. Thế nhưng không hiểu sao mình lại chọn nghệ thuật. Tôi chưa từng tự hào điều gì, nhưng tôi tự hào rằng tôi nấu ăn rất ngon. Nếu ai đã được tôi mời ăn thì sẽ không bao giờ ra nhà hàng”.
Nữ danh hài cũng chia sẻ những quan điểm đậm chất Á Đông như việc phụ nữ nên là người giữ bếp lửa của gia đình: “Tôi nghĩ rằng trong lúc nấu nướng ấy mình được rất nhiều thứ. Mình nấu với cả tình yêu thương, gửi vào những món ăn thi vị đó. Người ta có thể ở một nghìn chốn nhưng chỉ có một chốn để đi về. Cái chốn ấy chính là ngày cuối năm. Vậy với bạn gái nào định mua đồ ăn sẵn, hãy vào bếp và trổ tài. Tết năm nay bạn nấu chưa ngon nhưng Tết năm sau sẽ ngon hơn và Tết sau nữa bạn sẽ thành thục”.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chị cũng mong những người đàn ông biết cách thể hiện yêu thương bằng cách vào bếp giúp vợ, cùng con cái dọn dẹp nhà cửa, luôn biết tạo ra những kỷ niệm cho gia đình. Đó cũng là lý do Minh Vượng không chấp nhận hình ảnh người đàn ông gác chân lên ghế để người phụ nữ một mình dọn dẹp, sửa sang.
Mùng 1 Tết, việc đầu tiên của Minh Vượng là đi chùa, thắp một nén nhang rồi về mừng tuổi bố mẹ . |
Tự nhận “vừa làm giám đốc – vừa làm nhân viên” trong nhà, nữ diễn viên sinh năm 1958 phải lo toan rất nhiều thứ, đặc biệt là cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, Minh Vượng luôn hạnh phúc vì năm nào những người đi xa trong gia đình chị cũng trở về sum vầy trong dịp Tết. Họ thường ngồi bên nồi bánh chưng và trao nhau những lời chúc tốt đẹp.
Minh Vượng không bao giờ đi diễn xa hoặc đi du lịch vào ngày 30 Tết bởi chị rất trân trọng dịp lễ truyền thống của dân tộc: “Tôi luôn có những tình cảm, tình thương, không chỉ với người hiện tại mà còn với cả những người đã đi xa. Nếu 3 ngày Tết, mình đi du lịch thì sướng thân mình nhưng nhà cửa sẽ lạnh lẽo, ông bà tổ tiên hẳn cũng sẽ cô đơn, tôi không thể dứt bỏ”.
Cũng nhiều lần Minh Vượng tự nhủ sẽ không nhận show vào ngày 30 Tết để tránh cảnh nửa đêm mới được về nhà. Nhưng sau đó, khi khán giả cần, chị lại lên đường và chẳng ngại cháy hết mình cùng các vai diễn.
Chí Trung: 30 cái Tết đều vào bếp cùng vợ
Cùng tham gia chương trình truyền hình sẽ phát sóng vào ngày 29 Tết Nguyên đán (7/2) với Minh Vượng, "Táo Giao Thông" tâm sự, bữa cơm chiều 30 Tết là ngon nhất, đủ đầy và thực sự thoải mái bên cạnh vợ con. Chính bởi thế, anh không hề mong muốn phải đi diễn ở đâu trong thời điểm này: "Bạn tưởng tượng cảnh cả buổi chiều, chồng dọn dẹp nhà cửa, lau hết bốn năm tầng lầu, vợ thì nấu cơm, con cái sắp sửa dọn nhặt hành, lau bát... Chiều 17h đặt mâm cơm đẹp nhất ấy, tinh túy nhất ấy kính lên các cụ, thắp nén hương mong một năm mới tốt lành, cầu các cụ phù hộ độ trì cho cả gia đình...".
Chí Trung thường không nhận lời đi diễn xa trong dịp Tết để dành thời gian cho gia đình, vợ con. |
"Nghĩa vợ chồng không đơn giản chỉ ở việc tình yêu đi qua cái dạ dày mà còn nằm ở những nghĩa cử nhỏ bé, để bố mẹ mình yên tâm mình sẽ là người kế tiếp truyền thống này, và để ông bà tổ tiên trên ban thờ yên tâm rằng cả một gia đình tứ đại đồng đường dù người âm hay người dương vẫn hòa thuận”, phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết thêm.
Bên cạnh đó, anh cũng có nhiều trăn trở khi các phong tục, tập quán dần trở thành "hủ tục". Theo Chí Trung, trong thời buổi hiện đại này, chúng ta không thể bỏ qua những "nghĩa cử" xin và cho, cho và nhận, thậm chí là có cả những luật bất thành văn. Thế nhưng, anh luôn quán triệt nhân viên: “Tết không được biếu tôi cái gì vì tôi không đi biếu sếp trên của tôi. Đừng biến tặng quà thành hủ tục”.
NSƯT sinh năm 1961 sợ nhất là trong ngày mùng 1, vừa lì xì xong là con trẻ bóc phong bì. Nhận được 10 nghìn, chúng nhăn mặt, 50 nghìn không thèm rút ra, 100 nghìn là để đó luôn. Phải 200 hay 500 nghìn mới được trẻ coi là con người đúng nghĩa trong mắt chúng.