Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Minh Vượng: 'Thời gian của tôi không còn nhiều...'

"Tôi chỉ biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều, mà tôi thì còn nhiều ý tưởng, dự định, kế hoạch lắm, cho nên tôi chỉ ước có thêm được thời gian để kịp làm những gì đang dang dở..."

Minh Vượng: ''Thời gian của tôi không còn nhiều...''

"Tôi chỉ biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều, mà tôi thì còn nhiều ý tưởng, dự định, kế hoạch lắm, cho nên tôi chỉ ước có thêm được thời gian để kịp làm những gì đang dang dở..."

>>Minh Vượng đổi đời nhờ thay tên
>>Minh Vượng: ''Xuân Hinh rất tình cảm''

Gặp Minh Vượng ngoài đời, nếu như ai không biết chị là nghệ sĩ nổi tiếng, thì sẽ cảm giác đang gặp một khách du lịch, thậm chí có thể nghĩ chị là một nhà báo vì cách ăn mặc đậm chất ký giả, bùi bụi. Nhìn “ngầu ngầu” là thế, nhưng trò chuyện với chị, sẽ thấy được một hình ảnh khác nữa: nhẹ nhàng, tâm tình mà sâu lắng.

Minh Vượng trò chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc vui tươi như trên sân khấu hài, lúc đượm buồn, có lúc giọng chị trầm lại, mắt ươn ướt. Với những điều giản dị mà hết mực thiêng liêng của một người phụ nữ, với Minh Vượng, chị cho rằng chị đã lỡ hẹn, và thôi thì chờ đến kiếp sau.

Nghệ sĩ Minh Vượng

Cuối đường hầm, luôn có ánh sáng

- Đến bây giờ chị có thường trăn trở giữa được và mất trong cuộc sống?

- Tôi cứ nghĩ rằng trong cuộc đời chẳng có gì mất đi, thì chẳng có gì nhận được. Cuộc đời phải có mất có được, cái được bao giờ cũng ít hơn cái mất, nhưng cho đi tức là được nhận lại, cứ cho đi nhiều để mong được nhận lại. Song không phải cuộc sống lúc nào cũng công bằng ngay tức thì, có nhiều người cả đời cho đi nhưng chẳng nhận lại được điều gì, có những người cả đời làm việc tốt nhưng lại nhận được “quả đắng” từ người khác. Cuộc sống như bản nhạc muôn màu, thôi thì hãy cứ tạm bằng lòng với những gì mình có, để biết rằng những điều không bao giờ có thì đừng bao giờ ham muốn quá khả năng của mình. Hãy cứ làm những điều tốt, sống hết khả năng của mình đi, nếu kiếp này chưa được, thì chờ ở kiếp sau.

- Vì vậy mà nhiều nghệ sĩ hài đã tâm sự, họ mang tiếng cười đến cho nhiều người, thì họ lại bị cuộc đời lấy đi tiếng cười của mình?

- Họ nói điều đó đúng đấy, trên đỉnh cao của hài kịch ta gặp sự bi kịch! Khi người nghệ sĩ tự trào phúng về mình, thì có nghĩa rằng những xa xót, đắng cay của cuộc đời họ đã được chắt lọc ra. Bạn để ý xem, tôi đố bạn tìm được gương mặt diễn viên hài nào mà... đẹp sáng láng đấy, từ ông Trịnh Thịnh, ông Phạm Bằng, ông Trịnh Mai, ông Xuân Hinh, bà Minh Vượng, ông Khánh râu... Có ai đẹp không? Không, đúng không (cười lớn). Nhưng có duyên và chắt chiu để mang tiếng cười đến cho mọi người. Nhưng trong cuộc sống của họ, đâu phải chỉ là tiếng cười? Có lẽ nỗi buồn đến nhiều hơn, bởi vì với con mắt tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, thì họ sẽ khổ hơn.


- Có bao giờ chị đã chạm đến đáy của nỗi buồn, nỗi đau?

- Tận đáy lòng thì có những lúc như thế, nhưng tôi không cô đơn đến tận cùng, không tuyệt vọng đến tận cùng. Bởi tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm con của bố mẹ tôi, được sinh ra trong gia đình tôi, được làm người nghệ sĩ biểu diễn, tôi phải luôn tìm được lối thoát trước mỗi bế tắc chứ, tôi đứng trên sân khấu diễn cho bao nhiêu người xem, không lẽ chính tôi lại không vượt qua được chính mình? Ở cuối đường hầm, luôn có ánh sáng, dù là le lói và mỏng mảnh. Cho nên lòng tôi buồn khi thấy nhiều người, nhất là người trẻ, tự vẫn, họ có biết đâu rằng họ có thể “giải thoát” khỏi bế tắc của họ, nhưng để lại trong lòng người thân những vết thương lòng vĩnh viễn mà không xóa được.


Cuộc sống và thân thể bố mẹ cho là quý giá, tại sao lại triệt tiêu mình đi? Tại sao không sửa sai, tại sao không đứng dậy và làm lại từ đầu? Tôi cứ nghĩ thế này: đừng bao giờ bi kịch hóa nỗi buồn của mình, trong xã hội, sẽ còn những người đau khổ hơn, đừng lấy mình làm trung tâm, không ai tự hào là hạnh phúc, sung sướng hơn ai được, “sông có khúc người có lúc”, có thể có quãng thời gian mình buồn, mình đau khổ, nhưng rồi có những lúc có được niềm vui, biết thăng bằng để biết xử lý, biết tìm lối thoát.


Từng tủi phận

- Trong môi trường nghệ thuật, nhan sắc đôi khi thậm chí quyết định tên tuổi của nghệ sĩ, chị đã từng có những tự ti nào đó về hình thức của mình?

- Ngày xưa khi bắt đầu vào Trường Sân khấu cho đến khi ra trường, tôi đều có cảm giác ấy rất rõ. Với nghề của tôi, có hai yếu tố được đặt lên: thanh và sắc, thanh thì tôi không lo rồi, tôi có thể diễn đạt rõ ràng và khúc chiết. Còn sắc? Các đạo diễn thích những người có nhan sắc để phân vai, còn tôi, tôi cứ chờ, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, mất tận vài năm tôi không có vai, tôi đau đớn tủi phận lắm chứ.


Nhưng rồi trời cũng đã thương tôi, tôi may mắn gặp được cố NSND Đình Nghi, người đã nhìn thấy khả năng của tôi, giao cho tôi một vai diễn, tôi đóng vai một phụ nữ lớn tuổi, kém sắc, lần đầu có thai. Tôi đã diễn hết mình ở vai đầu tiên ấy, chỉ mấy phút trên sân khấu nhưng tôi đã để lại ấn tượng riêng, đó là vở Bản tình ca màu xanh, năm 1981. Từ đó, tôi nghiệm ra rằng không có diễn viên xấu, chỉ có diễn viên không biết làm đẹp mình, không có diễn viên phụ, chỉ có diễn viên không biết diễn.


Cũng trong năm 1981, tôi được đóng vai chính đầu tiên, trong vở “Cô gái đội mũ nồi xám” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, do cố NSND Đình Nghi làm đạo diễn. Và nghiệp diễn của tôi sang trang khác. Hãy có tâm với nghề, rút gan rút ruột với nghề thì không lo nghề phụ mình, lúc diễn, khán giả không quan tâm xem diễn viên xinh hay xấu nữa, họ cứ sống miên man với số phận nhân vật và họ sẽ xem diễn viên diễn có đạt hay không chứ không phải cô ta đẹp cỡ nào. Với một người diễn viên, được khen diễn hay vẫn hạnh phúc hơn là xinh quá.


Thời gian không còn nhiều

- Hồi Tết vừa rồi, có tin sức khỏe chị không tốt, nhiều khán giả lo lắng, băn khoăn và quan tâm…

- Trước tiên cho tôi cảm ơn độc giả yêu quý đã quan tâm tới tình hình sức khỏe của tôi. Như mọi người biết, tôi bị tiểu đường khá nặng, tiểu đường vào phổi làm cho lục phủ ngũ tạng của tôi không được tốt lắm, nhưng thời gian qua, tôi rèn luyện, tập tành, ăn uống cẩn thận, nên tình hình tốt lên rất nhiều.

- Chị có thấy lo lắng về chuyện sức khỏe hiện nay của mình?

- Tôi vẫn sống, có sao đâu, tôi vẫn đang “sống chung với lũ” mà. Tôi chỉ biết rằng thời gian của tôi không còn nhiều, mà tôi thì còn nhiều ý tưởng, dự định, kế hoạch lắm, cho nên nếu có mong ước gì đó, tôi chỉ ước có thêm được thời gian để kịp làm những gì đang dang dở và đang mong muốn, bởi tôi biết rằng mình đang phải chạy đua với thời gian. Tôi luôn đặt ra những phương án dự trữ để có thể có người chạy tiếp sức nếu tôi không may. Như những câu của Kinh phật “Trăm năm trước ta chưa có/ Trăm năm sau có cũng hoàn không/ Cuộc đời sắc sắc không không/ Trăm năm chỉ có tấm lòng này thôi”. Tôi sẽ đưa câu này vào tác phẩm sắp tới ở lễ tốt nghiệp Trường cao đẳng Nghệ thuật, một tiểu phẩm về nhân quả, về cuộc đời sắc sắc không không, về những bi ai trần thế. Kiếp người ngắn lắm, hãy sống tốt với nhau, để đừng phải ân hận điều gì.


- Và Minh Vượng chắc hẳn sẽ không phải ân hận điều gì vì đã luôn sống tốt với tất thảy?

- Tôi tự thấy mình sống được, chơi được, để rồi khi tôi chết đi, “kẻ thù” đi qua quan tài, chậc lưỡi “Con người này sống được”. để được như thế, khó lắm đấy bạn ơi!


- Chắc hẳn chị vẫn còn nhiều ao ước?

- Ao ước vẫn mãi là ao ước (cười buồn, rồi Minh Vượng ngân nga). Kiếp sau ta có một người chồng và đẻ một bầy con, thôi thì những gì chưa có ở kiếp này ta dành điều ước cho kiếp sau vậy. Người phụ nữ kiếp này chưa có chồng thì sẽ mong cho kiếp sau, người phụ nữ kiếp này không có con thì nguyện cầu kiếp sau sẽ được làm mẹ. Bởi vì “Nếu chẳng còn gì ao ước ở trong tôi, nghĩa là chẳng còn gì để mất”, hãy cứ ao ước đi, mất gì đâu. Nếu nói về những tình cảm quá tình bạn thì tôi có rất nhiều. Hồi trẻ, nếu tôi quyết định đi đến hôn nhân, thì tôi bây giờ đã không ở một mình.


Nhưng tôi biết mình có bệnh tim, bệnh khớp, nếu có đi đến hôn nhân với ai, sẽ không mang lại được hạnh phúc thực sự cho họ. Vợ chồng mà không có con thì bất hạnh lắm. Tôi tự nhủ lòng rằng mình cứ chịu thiệt thòi một mình, chứ không thể làm người ta liên lụy được, nên nếu có kiếp sau, tôi mong sẽ được lại làm người và tôi sẽ có những gì kiếp này tôi chưa có được, mặc dù những điều đó thật sự bình dị, giản dị với biết bao nhiêu người phụ nữ khác. Bây giờ tôi đã qua đỉnh đèo rồi, thôi không nói chuyện hôn nhân nữa, cứ bằng lòng với những gì đang có. Mỗi con người đều có số phận, và tôi xin kết thúc thật vui nhé: Giày dép còn có đôi có số, con chim con sóc còn có bạn có bầy nữa là con người, ai cũng mong có đôi có lứa, cũng mong có hạnh phúc... thôi thì chờ đến kiếp sau.

Theo Gia đình và Xã hội

Theo Gia đình và Xã hội

Bạn có thể quan tâm