Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Miss Granny' – Khi bà ngoại hồi xuân

Bằng những tình huống hài hước thấm đẫm tình người, Miss Granny đã trở thành cơn sốt tại các phòng vé nội địa, và là một trong những bộ phim Hàn Quốc đáng xem trong quý đầu năm.

Nhân vật chính của bộ phim là Oh Mal-soon, cụ bà 73 tuổi đang trở thành gánh nặng của gia đình và sắp sửa bị đưa vào viện dưỡng lão. Trong một buổi tối lang thang trên đường, bà vô tình gặp một tiệm chụp ảnh tên là Thanh Xuân nên muốn vào đó để lưu giữ hình ảnh của bản thân. Như có phép màu, bà Mal-soon từ một cụ già da mặt nhăn nheo bỗng nhiên được trở lại hình hài thời con gái, khi mới bước vào tuổi đôi mươi. Cũng từ đó những tình huống “dở khóc dở cười” bắt đầu xảy ra.

Từ cụ già Oh Mal-soon 73 tuổi...

Bà Mal-soon sau đó đổi tên thành Oh Doo-ri và quyết định tận hưởng món quà mà Thượng đế vừa ban tặng cho mình. Bà vung tiền vào các cửa hàng quần áo, mua sắm giày dép, làm đầu, trang điểm để “tút” lại nhan sắc. Không những thế, Doo-ri còn nhanh chóng được cháu trai mời làm giọng hát chính cho ban nhạc. Thế là mơ ước trở thành ca sĩ từ ngày xưa của bà đã trở thành hiện thực, thậm chí còn có cơ hội được lên tivi. Thế nhưng, thay vì hát nhạc thị trường thì “cô gái trẻ” Oh Doo-ri lại chỉ thuộc các ca khúc sến sủa trữ tình, thể loại được yêu thích từ mấy thập niên trước.

...bỗng trở thành Oh Doo-ri ở tuổi đôi mươi.

Mặc dù mang cốt truyện giả tưởng nhưng nội dung của Miss Granny lại rất gần gũi vì nó đánh đúng tâm lý của phần lớn khán giả. Bởi lẽ trong cuộc đời, ai chẳng từng ít nhất một lần mong được quay ngược thời gian để được sống lại những ký ức của tuổi trẻ. Cách xây dựng nhân vật cũng chân thật và rất đời. Cụ bà Oh Mal-soon được mô tả đúng như kiểu mẫu của người lớn tuổi: khó tính, hay cằn nhằn và có phần cổ lỗ sĩ. Nhà bà cũng là một gia đình theo đúng kiểu truyền thống với ba thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Điều đó khiến cho khán giả dễ dàng cảm thấy gần gũi và đồng cảm với từng nhân vật trong phim.

Cụ bà được thỏa niềm đam mê ca hát bấy lâu.

Vốn dành được nhiều tình cảm từ Sunny (2011), nữ diễn viên trẻ Shim Eun-kyung tiếp tục trở thành sức hút chính của Miss Granny trong vai Oh Doo-ri. Nhân vật đòi hỏi cô phải thể hiện gương mặt, hành động, cử chỉ sao cho thật giống với một bà lão, thậm chí chỉ là từ cái nhăn mặt hay cau mày. Bằng lối diễn xuất rất duyên, cùng phần lời thoại cực kỳ dí dỏm, Shim Eun-kyung liên tục khiến người xem cười khoái trá từ cảnh này sang cảnh khác. Có thể nói, Miss Granny như tái khẳng định cô là một trong những diễn viên trẻ đầy tài năng của điện ảnh Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại.

Shim Eun-kyung thực sự thuyết phục người xem qua nhân vật Oh Doo-ri.

Trong khi đó, nữ diễn viên gạo cội Na Moon-hee lại gây xúc động khi đảm nhận vai bà Oh Mal-soon. Ẩn sau hình ảnh cụ già khó tính là một người mẹ dành hết tình yêu thương cho gia đình và con cái. Khoảnh khắc xúc động nhất của bộ phim là khi những kỷ niệm trong quá khứ của bà Mal-soon bất chợt ùa về. Đó là những ký ức đau buồn về thời chiến tranh đã qua mà bấy lâu nay bà vẫn chôn giấu trong lòng. Khi bà phải chật vật rửa từng chiếc bát để kiếm tiền nuôi con, hay khi người ta gửi cho bà giấy báo tử của người chồng…

Ông Park, một nhân vật phụ dễ thương, do Park Il-hwan thủ vai.

Ngoài nhân vật chính là cụ bà Oh Mal-soon thì các diễn viên phụ tuy ít đất diễn nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc gây tiếng cười hài hước. Chẳng hạn như người cháu trai vì quá đam mê thể loại nhạc heavy metal nên quyết định thành lập cả một ban nhạc, có cái tên kỳ cục là “Tầng bán hầm” và chuyên hát những ca khúc oái oăm về cuộc đời. Hay ông bạn già làm cùng trong quán cà phê, vì có tình cảm với bà Mal-soon nên cũng quyết tâm tập gym hàng ngày để có thể… hồi xuân được như bà.

Thành viên nhóm nhạc B1A4 Jin-young thủ vai Ji-ha - cháu trai bà Mal-soon.

Đáng chú ý, Miss Granny là tác phẩm thứ ba của đạo diễn Hwang Dong-hyuk. Hai bộ phim trước đó của anh là My father and Silenced đều thiên về thể loại chính kịch, lựa chọn đề tài xã hội gai góc, dựa trên các sự kiện có thật. Vì vậy, Miss Granny thực sự là một “cú rẽ” về phong cách làm phim của nam đạo diễn khi khai thác thể loại hài giả tưởng.

Poster chính thức của Miss Granny tại Việt Nam.

Thực tế, câu chuyện hoán đổi tuổi tác từng được rất nhiều bộ phim Hollywood khai thác như Big (1988), 13 going on 30 (2004) hay 17 again (2009). Song, kịch bản của Miss Granny đã khéo léo pha trộn nhiều yếu tố, từ phiêu lưu giả tưởng cho đến tâm lý, hài hước, và cả ca nhạc, lãng mạn… khiến cho câu chuyện trở nên tươi mới và cuốn hút. Đặc biệt, điều thực sự khiến người xem tò mò đó là cuối cùng cụ bà Oh Mal-soon sẽ có lựa chọn như thế nào, tiếp tục sống với tuổi 20 như là Doo-ri hay sẽ trở về với hình hài cũ?

Cái kết của Miss Granny chắn chắn sẽ để lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho người xem. Riêng bài học mà bà Oh Mal-soon đem đến cho khán giả thì không bao giờ cũ: hãy cứ sống hết mình dù bạn đang ở bất kỳ độ tuổi nào, là cô gái vừa bước chân vào đời hay một cụ già ở tuổi bảy mươi.

Miss Granny, với tựa Việt là Ngoại già tuổi đôi mươi, sẽ chính thức được khởi chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 14/3.

 

Trailer bộ phim Miss Granny.

Sơn Phước

Ảnh: Cine21, CGV

Bạn có thể quan tâm