Thai phụ được chuyển sang từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. Bé trai nặng 1,6 kg chào đời ngay trong căn phòng phẫu thuật với ê-kíp mổ liên viện của hai cơ sở y tế này.
Chị T. mang thai lần 3, trong đó 2 bé đầu bệnh sinh thường. Lần mang thai thứ 3, chị không phát hiện bất thường, chỉ đến khi thai ở giai đoạn 25-26 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị kèm ra máu âm đạo.
Khám tại Bệnh viện K, bệnh nhân được chẩn đoán u lympho Non hodgkin, biểu hiện tại cổ tử cung trên nền thai 26 tuần. Sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ, chị T. quyết định giữ con.
Các bác sĩ Bệnh viện K quyết định trao đổi cùng bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u cho chị T. và mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ.
Đầu tháng 9, chị T. thấy ra máu âm đạo nhiều hơn. Sau khi khám và theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ nhận định máu âm đạo chảy từ khối u. Các bác sĩ đã trao đổi ngay và chuyển người bệnh sang Bệnh viện K để phẫu thuật.
Các bác sĩ phẫu thuật cho sản phụ mắc ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: BVCC. |
Cuộc hội chẩn diễn ra ngay trong đêm trực ngày 6/9, các chuyên gia của hai bệnh viện đánh giá khối u to, sùi loét chiếm toàn bộ cổ tử cung, chảy máu nhiều. Các bác sĩ đã để gạc âm đạo cầm máu nhưng do khối u lớn, hoại tử nên không cầm được máu. Cùng với đó, bệnh nhân có hiện tượng chuyển dạ, cơn co tử cung đã có. Cuối cùng, các chuyên gia đưa ra phương án mổ bắt con cho sản phụ và cắt toàn bộ tử cung để cầm máu ngay trong đêm.
Mọi công tác chuẩn bị được diễn ra khẩn trương và cẩn trọng nhất. Cuộc mổ cũng được cân nhắc, tính toán kỹ càng để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Đúng 21h cùng ngày, bé trai nặng 1,6 kg chào đời. Bé được chuyển về khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ca mổ tiếp tục.
TS.BS Phạm Thị Diệu Hà, Phó trưởng khoa Ngoại phụ khoa, cho biết: "Nguy cơ chảy máu trong mổ là rất lớn bởi bệnh nhân T. cùng lúc tiến hành 2 cuộc mổ. Khối u trong cổ tử cung kích thước quá lớn và ống cổ tử cung cũng rất to đã xóa hết ranh giới giải phẫu. Cùng với đó, thân tử cung vì sản phụ mổ đẻ chưa co hồi, gây nhiều khó khăn cho chúng tôi trong mổ".
Trong mổ, bác sĩ nhận thấy có tổn thương u cổ tử cung kích thước 6x10 cm, mủn nát hoại tử, chảy máu. Vì vậy, ê-kíp đã cắt toàn bộ tử cung cho chị T. Do mất máu nhiều trước đó, bệnh nhân đã được hồi sức tích cực và truyền 4 đơn vị hồng cầu, 4 đơn vị huyết tương.
Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.