Theo TVBS, bà mẹ trên đã có quá trình mang thai rất gian nan. Cô không biết đứa con trong bụng gặp phải điều chẳng lành từ lúc nào, khi nội tạng của bé bị đùn ra trong nước ối qua lỗ hổng ở ổ bụng.
Khi mới có dấu hiệu của thai nhi, lần đầu đi khám, thai hoàn toàn khỏe mạnh. Lần thứ hai, phần bụng của thai nhi có lỗ hở 0,5 cm, một phần ruột bị áp lực ở bụng đẩy ra từ đây.
Bác sĩ cho biết đây là trường hợp dị tật bẩm sinh, rất nguy hiểm. Thai nhi rất dễ bị nhiễm khuẩn và có thể dẫn đến tình trạng chết lưu hay đẻ non. Rất may, hai mẹ con đã kiên cường vượt qua.
Em bé mới ra đời có nội tạng ngoài ổ bụng. Ảnh: TVBS. |
Trước đó, cứ hai tuần một lần, người mẹ phải đến viện khám, tuân thủ theo kế hoạch mang thai và chế độ ăn nuôi thai đặc biệt bác sĩ đưa ra.
Đến tuần thứ 35, bác sĩ đánh giá thai nhi đã đạt được trọng lượng cơ bản, đủ lớn để độc lập ở môi trường bên ngoài, cộng thêm nước ối ít đi, thai to lên, có thể dẫn đến đè ép các nội tạng bị đùn ra, dễ nhiễm khuẩn, tai biến sản khoa, nên chỉ định mổ bắt con.
Em bé ra đời khỏe mạnh, tuy nhiên phần bụng có lỗ hở dài 3,5 cm, 2/3 ruột đã bị đùn ra, trong đó có cả bàng quang và một số nội tạng khác. Bệnh viện sắp xếp cho em nằm lồng vô trùng, đặt gạc vô trùng trùm lên phần bụng để không bị hạ thân nhiệt. Ngay hôm sau, bác sĩ ngoại khoa tiến hành mổ, đưa toàn bộ nội tạng lại vào bụng em bé.
Sau hơn 20 ngày điều trị, bé đã phục hồi rất tốt, có thể ra viện với mẹ. Ngày đoàn tụ, bà mẹ đã rất xúc động vì cuối cùng con mình cũng khỏe mạnh trở về nhà.