Với nhiều người, đến trường tìm con chữ là điều dễ dàng, nhưng với em Trần Thị Quyên (18 tuổi, ở thôn Vĩnh Hương, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là cả một quá trình dài mà bản thân em phải đấu tranh. Mới đây, Quyên nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế Huế - ngành Thương mại điện tử với 23,59 điểm, nhưng cô gái đang lo vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
“Cầm giấy báo nhập học trên tay, em lo hơn mừng vì không biết lấy tiền đâu mà học. Bà đã già, mẹ bị bệnh, nhiều người khuyên em nên nghỉ học đi. Nhưng nếu nghỉ học, em chẳng làm được việc gì vì sức khỏe yếu", Quyên ngậm ngùi.
Để chuẩn bị nhập học, những ngày qua, bà ngoại Quyên cũng chạy vạy khắp nơi vay mượn được 10 triệu đồng để đóng học phí cho cháu gái. Đây cũng là tài sản lớn đối với gia đình Quyên, bởi bán cả gia tài trong nhà cũng không đủ số tiền đó. Còn Quyên cũng đang cật lực đi nhặt ve chai, hái măng bán kiếm tiền mua vé xe vào trường nhập học.
Quyên cho biết em đăng ký 6 nguyện vọng vào trường Sư phạm để thực hiện ước mơ làm giáo viên, vừa giảm gánh nặng cho gia đình. Nhưng năm nay, điểm tăng cao, cả 6 trường em đều không đậu. Vì thế, cô gái chọn ngành Thương mại điện tử để theo đuổi ước mơ vào đại học.
Em Trần Thị Quyên cùng mẹ Trần Thị Phương. Ảnh: Tiền Phong. |
Trong căn nhà trống trơn được dựng lên từ những tấm gỗ, không tivi, tủ lạnh, không tủ sách cũng chẳng có bàn học tập, duy chỉ có những quyển sách, giấy khen ở góc nhà là có giá trị đối gia đình Quyên.
Mẹ Quyên - bà Trần Thị Phương (SN 1982) - bị ảnh hưởng của chất độc da cam, tâm trí không bình thường. Trước đây, bà Phương thường xuyên đi lang thang hết xã này đến huyện khác, nhưng từ khi có con, bà chỉ quẩn quanh ở nhà. Song mỗi lúc trái gió trở trời, người mẹ lại đập phá, la hét.
Quyên nói nhiều năm qua, hai mẹ con sống dựa vào tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi. Gạo được bà ngoại hỗ trợ, còn thức ăn chỉ là những thứ rau hái ở đồng, măng ở rừng cứ thế, Quyên lớn lên.
Ước mong của em Quyên là được tới trường. |
Thiếu thốn tình yêu thương của bố, tuổi thơ của Quyên không mấy trọn vẹn. Sau những giờ học trên lớp, Quyên đi nhặt ve chai để kiếm tiền. Rồi đến kỳ nghỉ hè, em lại vào rừng hái măng, hái rau, mò cua bắt ốc mang ra chợ bán.
Cô gái chia sẻ ban đầu, em chỉ định học đến lớp 9 sẽ nghỉ học, nhưng may mắn luôn có ông ngoại luôn động viên, hỗ trợ.
“Ông nói học đi con, học mà kiếm cái chữ, khổ đâu ông chịu. Nhưng học đến lớp 11, ông mất vì bệnh hiểm nghèo. Nếu như ông còn sống, ông biết em đậu đại học, sẽ vui lắm”, Quyên nói trong dòng nước mắt.
Em Trần Thị Quyên bật khóc khi kể về ước mong của bản thân. Ảnh: Tiền Phong. |
Khó khăn chồng chất, nhưng bản thân Quyên biết nếu không cố gắng, cuộc sống em sẽ luôn chìm trong bóng tối. Vì thế, em luôn cố gắng học tập, 12 năm học em luôn đạt học sinh khá giỏi.
Quyên chia sẻ đại học là con đường duy nhất mà em lựa chọn hướng tới và muốn chạm được nó. Bản thân sức khỏe yếu, người nặng chưa đầy 40 kg nên không thể đi làm công nhân, hay xuất khẩu lao động.
"Được tiếp tục đi học là ước mơ của em. Em cũng dự tính khi vào trường sẽ đi làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí ăn uống và tiền phòng. Vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, em phải cố gắng để sau này hỗ trợ được mẹ, giúp được bà. Nhưng em cũng mong sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để có thêm kinh phí trong 4 năm học", em Quyên nói.
Lãnh đạo UBND xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, cho biết hoàn cảnh gia đình em Quyên rất khó khăn, mẹ bị bệnh tâm thần, không có nguồn thu nhập. Những năm qua, dù hoàn cảnh khó khăn, Quyên vẫn cố gắng trong học tập và đã đậu đại học với kết quả cao.
"Rất mong các nhà hảo tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để em Quyên có thể thực hiện ước mơ, hoài bão, lo cho gia đình và tương lai sau này", đại diện UBND xã Hương Vĩnh nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.