Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mở cửa trở lại từ 1/5 để cứu ngành du lịch

Sau 2 năm gần như bị tê liệt, ngành du lịch đang đứng trước viễn cảnh tươi sáng để phục hồi trở lại.

Gần đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nội dung bức thư liên quan đến đề xuất chấm dứt các hạn chế để cứu ngành du lịch, phục hồi kinh tế.

Thời điểm thích hợp

Chia sẻ với báo giới trong buổi trao đổi trực tuyến chiều 20/1, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký TAB, nhận xét Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa ngành du lịch trở lại. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong thành công của chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam.

Lúc này, Việt Nam đang nằm trong top 6 thế giới về tốc độ triển khai tiêm vaccine. Dù bắt đầu muộn hơn nhiều nước, con số Việt Nam đạt được lúc này thực sự ấn tượng. 80% dân số đã được tiêm vaccine, 70% được tiêm mũi thứ 2. Rất nhiều địa phương cũng đang tích cực triển khai tiêm mũi thứ 3.

mo cua du lich anh 1

Tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa. Ảnh: Duy Hiệu.

Dù tỷ lệ mắc Covid-19 trên cả nước vẫn khá cao, tỷ lệ tử vong và những ca nhiễm nặng đã được giảm đi đáng kể.

"Câu hỏi đặt ra là thực hiện tiêm chủng tốt để làm gì? Chẳng lẽ chúng ta tiêm xong cứ đóng cửa, hạn chế đi lại và triển khai thí điểm sao?", ông Hoàng Nhân Chính đặt vấn đề trong buổi trao đổi trực tiếp, giới thiệu thư gửi Thủ tướng.

Có thể nói, thành công trong chiến dịch tiêm chủng đã đem lại vị thế tốt cho Việt Nam để thu hút sự chú ý từ thế giới nếu công bố chính thức mở cửa đất nước, phục hồi các chính sách, quy định trước đại dịch Covid-19. Trong thư gửi Thủ tướng, đại diện TAB cho biết các bên liên quan kiến nghị chấm dứt tất cả hạn chế di chuyển nội địa và quốc tế vào Việt Nam (hoặc từ Việt Nam) từ 1/5.

Những bất cập tồn đọng

Mặt khác, tác động của dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lao đao. Không ít doanh nghiệp không thể trụ được, phải công bố phá sản. Trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp lớn vào GDP cả nước (9,2%). Do đó, nếu không cứu ngành du lịch, thiệt hại cho xã hội là điều có thể nhìn thấy rõ.

Bên cạnh câu chuyện giải cứu ngành du lịch, đại diện TAB cũng nhấn mạnh một bất cập khác liên quan đến các chuyến bay giải cứu, đưa người Việt hồi hương. Theo ông Hoàng Nhân Chính, hiện tại, Campuchia lẫn Lào đều đã chính thức mở cửa biên giới. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó trong việc tìm chuyến bay giải cứu đã chọn về nước bằng cách bay tới Campuchia rồi di chuyển đường bộ về Việt Nam.

mo cua du lich anh 2

Nhiều bất cập sẽ được giải quyết khi mở cửa trở lại. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong khi đó, không ít chuyến bay giải cứu đang bị đẩy giá rất cao. Điều này gây ảnh hưởng đến ý nghĩa nhân đạo của các chuyến bay giải cứu. Niềm tin của khách du lịch, người Việt ở nước ngoài... cũng bị suy giảm với những bất cập này.

Mặt khác, thông tin về việc đi lại, mở cửa ở Việt Nam cũng chưa được công bố đầy đủ, rõ ràng, gây nhiều trở ngại cho người nước ngoài, người Việt muốn hồi hương.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi TAB vào 1-20/12/2021, nhiều người Việt Nam than phiền về việc thiếu thông tin đi lại liên quan đến du lịch. Khách du lịch muốn tới Việt Nam tham gia thí điểm đón khách quốc tế hay người Việt muốn hồi hương cũng gặp khó trong việc tiếp cận thông tin.

Giải pháp mở cửa

Từ đó, đại diện TAB nhấn mạnh cần ấn định thời điểm rõ ràng (1/5) để công bố việc mở cửa toàn diện, tháo dỡ các hạn chế.

Qua đó, ngành du lịch sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị lại việc đón khách. Các địa phương trên cả nước cũng có thêm thời gian để hoàn tất mũi tiêm tăng cường. Mặt khác, việc ấn định thời điểm rõ ràng sẽ giúp Việt Nam nhận được nhiều quảng bá miễn phí từ quốc tế, truyền tải rõ thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn".

Để thực hiện thành công việc mở cửa, TAB và các bên liên quan đưa ra 5 biện pháp. Trong đó, các cơ chế, quy trình triển khai chương trình cần được phối hợp ở cấp trung ương, thay vì để địa phương thực hiện riêng rẽ. Quá trình thực hiện Nghị quyết 128 cho thấy nhiều bất cập khi một số địa phương đưa ra những quy định riêng, thiếu đồng nhất.

mo cua du lich anh 3

Nhiều giải pháp được đưa ra để đưa ngành du lịch trở lại, đồng thời tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài hồi hương. Ảnh: Xuân Hoát.

Một giải pháp khác cũng được nhắc đến là mở rộng miễn visa cho tất cả thị trường mục tiêu và các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Các đại sứ quán và cơ quan nhà nước tại các thị trường mục tiêu cần được thông báo rõ về kế hoạch này.

Trong thư, TAB và các bên liên quan cũng khuyến nghị dỡ bỏ yêu cầu đối với công dân mang hộ chiếu nước ngoài phải nộp hồ sơ xin "giấy phép nhập cảnh". Hệ thống quy định đối với khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có thị thực (hoặc không) cần được áp dụng như cũ.

Quan trọng nhất, bản kiến nghị cũng nêu rõ công dân Việt Nam cần ngay lập tức được tạo điều kiện trở về nước bằng mọi chuyến bay thương mại.

Du khách thích thú check-in với 5 con hổ ở Đà Lạt

Những chú hổ tượng trưng cho năm Nhâm Dần vừa được "trình làng" tại TP Đà Lạt. Với biểu cảm đáng yêu, đàn hổ mô hình này tạo nhiều thiện cảm với du khách.

Lâm Đồng không bắt khách lưu trú phải test nhanh

Tỉnh Lâm Đồng đã có sự điều chỉnh về yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với khách lưu trú trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán.

Trào lưu ăn kem trộn mì, bún của giới trẻ Việt

Sự kết hợp kỳ lạ này nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, nhiều food vlogger Việt vẫn đang làm theo để thu hút tương tác.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm