“Cho mầm non đi học luôn đi chứ chần chừ gì nữa hả các bác? Không học ở trường chính, mọi người vẫn gửi chui theo nhóm. Cho cấp một đi học mà mầm non vẫn đóng cửa là cực kỳ vô lý”.
“Mầm non cho nghỉ lâu trong khi bố mẹ của trẻ mầm non tha con đi chơi không thiếu chỗ nào. Định ở nhà đến bao giờ? Đề nghị cho mầm non đi học lại”.
“Cho mầm non đi học nốt đi chứ các bác ơi, trẻ lớn ở nhà trong 4 bức tường nhiều quá trầm cảm, trẻ bé ở trong nhà cũng gặp nhiều rắc rối".
Hàng loạt bình luận xuất hiện trên mạng xã hội dưới thông tin Hà Nội mở cửa trường học đối với học sinh tiểu học và lớp 6. Quyết định được đưa ra ở thời điểm tròn 11 tháng trẻ tiểu học ở nội thành chuyển sang học trực tuyến vì dịch. Và cũng trong ngày 4/4, tròn 8 tháng kể từ bắt đầu năm học mới, trẻ mầm non phải nghỉ học ở nhà.
Trừ thỉnh thoảng mẹ cho ra ngoài chơi, hàng ngày, con gái chị Vũ Nhàn gần như không có hoạt động nào khác ngoài xem TV. Ảnh: V.N. |
Trẻ ở nhà quá lâu ảnh hưởng đến sự phát triển
Chia sẻ với Zing, chị Vũ Nhàn (Hà Đông) cho biết nhờ có bà trông giúp con gái 5 tuổi, bé lại có anh chị chơi cùng nên việc nghỉ học không ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên, thay vì đến lớp để tham gia các hoạt động, rèn kỹ năng, gần một năm qua, bé chỉ ở nhà, không biết làm gì ngoài xem TV cả ngày. Những ngày bà bận, chị Nhàn lại phải xin nghỉ để ở nhà trông con.
Trong khi đó, con lại đang trong độ tuổi khám phá mọi thứ và tiếp thu nhanh. Chị hy vọng ở tuổi lên 5, con được đi học để vận động, có không gian vui chơi, nhiều thời gian ở lớp để học hát, múa, tiếng Anh. Nữ phụ huynh cũng than con nghỉ lâu nên giờ không muốn đi học, chỉ thích ở nhà.
Đây cũng là nỗi lo của chị Ngọc Dung (Ba Đình). Chị tâm sự con gái chị (4 tuổi) đang dần có suy nghĩ không cần đi học. Hàng ngày, chị Dung luôn luôn nhắc nhở con việc đến trường là cần thiết.
Chị cũng đau lòng khi nhìn con tự chơi đồ chơi lủi thủi một mình mỗi ngày. Bố mẹ đi làm, ông bà trông giúp nhưng vẫn có công việc nên không ai chơi cùng con.
Trong gần một năm như vậy, sinh hoạt của bé phần lớn là khi tự chơi đồ chơi, chơi chán thì xem TV, điện thoại. Con không học được kỹ năng gì, không có cộng đồng của mình. Con ở nhà quá lâu, chị Dung lo con khép mình.
Chị cho hay hồi trước, dù tuổi nhỏ hơn bây giờ, được đi học, con biết tự xúc cơm ăn. Hiện tại, ở nhà quá lâu, con ỉ lại ông bà nên không biết tự ăn cơm. Nhìn con như vậy, chị hiểu kỹ năng sống của con đang yếu đi. Bé cũng hay “mè nheo”, không khống chế được cảm xúc.
Chị Hồng Ngọc (Hai Bà Trưng) cũng đang mong cơ quan quản lý giáo dục, các trường có biện pháp phòng dịch hiệu quả để con (18 tháng tuổi) sớm trở lại trường.
Nữ phụ huynh vẫn còn lo lắng với tình hình dịch bệnh hiện tại. Theo quan sát, chị thấy trẻ em bị Covid-19, mức độ nguy hiểm không cao. Dù vậy, một số trẻ vẫn chuyển nặng. Vì thế, chị mong con được đi học an toàn.
“Ở giai đoạn này, tôi mong con sớm được đến trường để học các kỹ năng mới. Bố mẹ, ông bà vẫn dạy nhưng không thể bằng giáo viên dạy và trẻ tương tác với nhau. Gia đình cũng ‘bí’ khi lúc nào cũng cần có người ở nhà trông bé trong khi con đến tuổi nghịch ngợm, khá vất vả”, chị Ngọc chia sẻ.
Việc để con ở nhà quá lâu còn ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh. Chị Thu Hậu (Thanh Xuân) thừa nhận đã quen với sự hiện diện ở nhà của con. Nếu con đến lớp, chị sẽ thấy trống vắng, cảm giác giống như hồi trước, khi vợ chồng quyết định cho con đi nhà trẻ.
“Tôi biết mình sẽ quyến luyến lắm nhưng vẫn muốn cho con đi học để có bạn bè, thầy cô chơi cùng. Như vậy, con sẽ vui vẻ hơn”, chị Hậu tâm sự.
Chị Ngọc Dung vẫn sợ Covid-19 nhưng càng sợ con không được tiếp nhận nền giáo dục từ nhỏ. Ảnh: N.D. |
Vô lý khi vẫn để trẻ ở nhà
Trước khi Hà Nội yêu cầu tạm đóng cửa nhà trẻ, trường mầm non gái chị Hậu (4 tuổi) mới đi học được một năm nhưng một nửa thời gian trong số đó, chị cho con ở nhà vì mùa đông, trời lạnh, con dễ cảm lạnh vì đi học xa.
Gia đình họ vừa quyết định mua căn hộ cùng khu với trường để tiện cho việc con đến lớp. Thế nhưng, gia đình 3 người chuyển đến nơi ở mới đã mấy tháng này, ngày con đi học vẫn còn xa vời.
Chị Hậu cũng như nhiều phụ huynh khác không hiểu lý do trẻ mầm non phải tiếp tục ở nhà khi mà thành phố đã cho phép học sinh lớp 1, lớp 2 đến trường.
Chị Vũ Nhàn nêu vấn đề những gia đình không có người ở nhà trông con vẫn phải gửi con đến các lớp chui bấy lâu nay. Chị nói thêm khác với hồi tháng hai, tháng ba khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, hiện tại, đỉnh dịch đã qua.
Chị đặt câu hỏi nếu đã vậy, tại sao Hà Nội không cho các trường mở cửa đón trẻ. Phụ huynh có thể tự lựa chọn cho con đi học hay không tùy vào mục đích, nhu cầu của gia đình.
Chị Ngọc Dung cũng cảm thấy vô lý khi tiếp tục đóng cửa trường mầm non. Theo chị, trẻ không được đi học vì sợ trẻ tiếp xúc với F0, nhiễm bệnh rồi lây lại cho người khác. Nhưng hiện tại, các gia đình đã cho con đi chơi, nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh cũng vậy. Chưa kể đến, các hoạt động khác đã mở cửa. Trẻ ở nhà vẫn có thể tiếp xúc, lây bệnh từ ông bà, bố mẹ - những người ra ngoài đi làm, đi chơi.
Chị vốn không có tư tưởng “nhốt” con ở nhà tránh dịch. Thời gian qua, khi dịch đỡ căng thẳng, chị Dung vẫn cho con gái ra công viên, hồ gần nhà, chạy nhảy, chơi đùa, thỉnh thoảng vào khu vui chơi để con được hoạt động ngoài trời. Vì vậy, chị cảm thấy không cần thiết phải đóng cửa trường mầm non.
“Con ở nhà lâu quá rồi, cần được đi học lại, nếu học cả hè càng tốt. Tôi sợ Covid-19 nhưng cũng sợ con không được tham gia vào nền giáo dục từ nhỏ. Covid-19 gây bệnh thể chất, không đi học lại dẫn đến ‘bệnh’ trong tâm hồn’, chị Ngọc Dung chia sẻ.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin 62/63 tỉnh, thành đã cho trẻ mầm non tới trường, còn lại duy nhất thủ đô Hà Nội.
Chiều 4/4, Hà Nội quyết định cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại từ ngày 6/4, riêng trẻ mầm non tiếp tục ở nhà. Điều này khiến nhiều phụ huynh cảm thấy khó hiểu.