Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mở lại phiên xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan tiếp tục cho rằng nội dung cáo buộc sai lệch so với lời khai của bị cáo, ảnh hưởng đến tính chất vụ án.

Sáng 30/8, sau nhiều lần hoãn tòa, trả hồ sơ vụ án, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác.

Tại tòa, bà Loan đề nghị cơ quan tố tụng xem xét lại một số biên bản hỏi cung vì cho rằng, nhiều nội dung cáo buộc sai lệch so với lời khai của bị cáo, ảnh hưởng đến tính chất vụ án. Bị cáo Loan chỉ thừa nhận biên bản làm việc với điều tra viên Bùi Quốc Dũng là đúng. Còn các biên bản do điều tra viên Bùi Đức Hiếu, Tạ Biên Cương lấy lời khai là không chính xác.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, điều tra viên Tạ Biên Cương cho hay, ông có tham gia lấy lời khai bà Loan cùng với điều tra viên Bùi Quốc Dũng chứ không chỉ đơn thuần là thư ký ghi chép cho ông Dũng. Khi bị cáo Loan tại ngoại, ông Cương cũng có lần tham gia hỏi cung bị cáo và ghi biên bản, có sự chứng kiến của luật sư bào chữa.

Tại tòa, kiểm sát viên Lê Tuấn Anh (VKSND TP Hà Nội) cho hay ông có chứng kiến việc điều tra viên hỏi cung bà Loan từ đầu đến cuối. Thời điểm đó chưa có luật sư bào chữa của bị cáo.

Tap doan Vimedimex anh 1

Các bị cáo tại tòa.

Tại tòa, luật sư Dương Đình Khuyến (Công ty Luật Hoàng Đàm) hỏi điều tra viên có thực hiện việc bắt khẩn cấp bị cáo Thắng tại trại tạm giam số 2 và có bị cáo Loan chứng kiến không? Tuy nhiên, luật sư khẳng định theo Biên bản bắt giữ lại ghi là trại tạm giam số 1, đồng thời bị cáo Loan khẳng định không chứng kiến việc này. Điều tra viên cho rằng có thể có sự sai sót, song không thay đổi bản chất vụ án.

Luật sư hỏi điều tra viên về việc có nắm được thời điểm bắt giữ không? Theo điều tra viên, thời điểm CQĐT và VKS đến nhà bà Loan, phải chờ 4 tiếng ở ngoài. Sau khi sử dụng các biện pháp để vào trong nhà, khi mở cửa, bà Loan đang nằm trên giường. Khi khám xét tại văn phòng, có dấu hiệu tiêu hủy chứng cứ, nếu không giữ người khẩn cấp, thì không phục vụ tốt quá trình điều tra, do đó mới tiến hành bắt khẩn cấp.

LS khẳng định trong hồ sơ vụ án, đến nay không có văn bản nào thể hiện việc có dấu hiệu tiêu hủy chứng cứ. Thêm vào đó, thời điểm bị bắt giữ là vào thời điểm đêm và bị cáo Loan đang sốt cao.

Đại diện Công ty Bắc Từ Liêm đề nghị HĐXX ra quyết định bồi thường cho công ty hơn 699 tỷ đồng. Trong khi đó, đại diện UBND huyện Đông Anh cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ sau khi có phán quyết của tòa.

Theo cáo buộc, quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, bà Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Vimedimex đã dùng pháp nhân của 3 công ty đều do mình điều hành hoạt động để tham gia đấu giá, thống nhất với những bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc về bà Loan.

Trong các phiên tòa trước đây, bà Nguyễn Thị Loan đều không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng, nhiều bút lục ghi lời khai của bị cáo trong hồ sơ là giả, các chữ ký không đúng, nội dung cũng không chính xác…

Vì vậy, tòa đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ một số nội dung: Giám định chữ ký của bà Loan và xác minh tài liệu liên quan đến điều tra viên; xem xét lại hành vi và tội danh của bị cáo Trần Công Tuyên, Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê; xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá; làm rõ quy trình thẩm định và ban hành chứng thư thẩm định giá.

Sau khi điều tra bổ sung, các cơ quan tiến hành tố tụng không thay đổi quan điểm truy tố. CQĐT xác định, các biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung do điều tra viên Bùi Đức Hiếu thực hiện không bị cắt ghép.

CQĐT giữ nguyên quan điểm xử lý đối với bị can Nguyễn Thị Cẩm Lê, Bùi Thanh Huyền về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị can Trần Công Tuyên về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

T.Nhung

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm