Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mở ngành: Càng tự chủ càng dễ 'lệch pha'

Các trường đại học được tự chủ mở ngành mà không cần thông qua Bộ GD&ĐT như trước khiến nhiều chuyên gia lo ngại có sự hỗn loạn trong mở ngành đào tạo.

Năm qua, các trường đại học (ĐH) mở hơn 70 ngành mới theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017.

'Bi kịch' nguồn nhân lực

Cụ thể, ĐH Kinh tế TP.HCM mở 13 chuyên ngành đào tạo mới, trong đó chủ yếu là các ngành thiên về kinh tế như kinh tế học, kinh tế nông nghiệp, kinh tế quốc tế, quản trị khởi nghiệp, kinh doanh thương mại, quản trị truyền thông, kế toán công, thương mại điện tử...

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mở 2 ngành đào tạo công nghệ vật liệu dệt, may và kinh doanh thời trang, dệt may. ĐH Mở TP.HCM mở 4 ngành mới gồm luật, quản lý nhà nước, quản trị nhân sự, kinh doanh quốc tế.

ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng tuyển thêm 15 ngành mới, trong đó có cả các ngành kiểm toán, marketing, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế, luật quốc tế…

Tu chu dai hoc anh 1
Học sinh tìm hiểu ngành nghề của một trường ĐH tại TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Ở khối trường tư, ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) mở thêm nhiều ngành như: Quản trị khách sạn, quản trị nhân sự, quan hệ công chúng, thương mại điện tử. ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh 8 ngành mới, đa số năng khiếu và ngành marketing.

Đa số các ngành mới mở thuộc khối ngành kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin… được cho là các ngành “hot”, hầu như trường nào cũng có, gây lo ngại bị bão hòa, lãng phí nhân lực trong xã hội.

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho biết yêu cầu mở ngành mới là phải dựa vào tất cả yếu tố, điều kiện về năng lực (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nhu cầu thị trường lao động).

Ngành nào dù mới hay cũ nếu sinh ra không bắt đầu từ “người mẹ” nhu cầu thị trường thì dù có được đẩy lên đến đâu cũng sẽ không bền vững.

Theo TS Lý, khái niệm ngành “hot” đến từ 2 nơi: Một là ngành thực sự quan trọng về nhu cầu thị trường lao động, nó có thật; hai là đến từ việc “tung hô” nhờ trợ giúp của công nghệ.

Ngành “hot” loại này chắc chắn không bền vững vì không thật. Tuy nhiên, cần nói thêm, ngành chia theo nhu cầu cũng có 2 dạng: Nhu cầu thiết yếu và nhu cầu không thiết yếu.

Những ngành đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu (y, dược) sẽ được đáp ứng từ 2 nguồn: Nguồn tin cậy (các trường có uy tín) và từ các trường “đua nhau mở ồ ạt”.

“Nếu các trường ĐH chưa đủ năng lực mà đào tạo (đặc biệt ngành cần năng lực chuyên sâu) thì đấy chính là bi kịch cho thị trường đào tạo nguồn nhân lực”, TS Lý nhận định.

Coi chừng hỗn loạn ngành nghề

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết do tổ chức ĐH nước ta không giống các nước nên các trường ĐH trong và ngoài nước không tương đương nhau. Mô hình ĐH ở các nước là viện ĐH đa lĩnh vực, gồm đủ các ngành nghề như nông nghiệp, luật, kinh tế…

Trong đó, mỗi viện có hội đồng giáo sư, hội đồng khoa học chịu trách nhiệm cân đối các ngành nghề đào tạo…Chỉ những đơn vị này mới có năng lực tự chủ ĐH, chịu trách nhiệm với xã hội.

“Nhiều quan điểm cho rằng trường ĐH tự phải có quyền tự chủ, tôi cho rằng một trường ĐH chuyên môn quá lặt vặt không thể tự chủ được. Họ sẽ bành trướng chuyên môn to lên, méo mó khái niệm. Sinh viên vào học, sau đó ra thất nghiệp”, ông nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, một viện, ĐH không cho phép được mở tràn lan các ngành, tự trong trường ĐH cân đối với nhau. Hiện nay, việc sắp xếp ngành nghề ở các trường ĐH không được khoa học nên sinh ra đào tạo nhiều ngành nghề một cách riêng lẻ.

“Tự chủ, tự do mở ngành nghề sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn ngành nghề khiến xã hội trả giá, mà sinh viên là nạn nhân”, ông Tống nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng hiện nay, nhiều trường nhỏ không đủ uy tín, nếu Bộ GD&ĐT thả lỏng, họ sẽ tuyển sinh đông đúc, đào tạo không đủ chất lượng, hậu quả là xã hội, gia đình và bản thân sinh viên phải chịu thiệt thòi, điển hình là tình trạng thất nghiệp của trí thức hiện nay.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, việc giao quyền tự chủ cho các trường tự xây dựng ngành nghề để đào tạo theo xu hướng thị trường lao động là quyết định tốt nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong quyết định xây dựng chương trình.

Điều quan trọng là các trường có tự giác thực hiện theo nguyên tắc này hay không. Bước đầu có thể nhiều sinh viên chạy theo thị hiếu, sự quảng bá mà chọn ngành nhưng qua thời gian, người học sẽ tự điều tiết.

Người học cũng nên chủ động trang bị kiến thức, không nên ỷ lại, nghĩ rằng có cơ quan nào “siêu phàm” có thể dự báo chính xác ngành nghề đủ hay thiếu.

Tuy nhiên, đối với thị trường lao động hiện nay, ngành nghề cũng chỉ mang tính quyết định một phần, yếu tố chính là sinh viên phải tự rèn luyện kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ…

Không nên buông lỏng việc mở ngành

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, các trường ĐH cần tham khảo các cuộc khảo sát, nghiên cứu thống kê dự báo, nghiên cứu tổng thể hệ thống ngành nghề của xã hội, từ đó xem xét lại chương trình đào tạo.

Các trường cũng cần “mềm dẻo hóa” chương trình đào tạo, để sinh viên có thể học được nhiều kỹ năng kiến thức ở mảng liên quan, linh hoạt trong vấn đề chuyên môn đề phòng 4 năm sau khi ra trường, ngành học không còn nhu cầu.

Theo ông, việc tự chủ mở ngành cần được chuyển tiếp dần dần, không nên buông lỏng hoàn toàn dễ gây nên những hậu quả nêu trên.

Trường khai khống sinh viên để nhận gần 2 tỷ đồng đào tạo

Trong năm 2014 và 2015, dù không có sinh viên học ngành Khoa học cây trồng và Lâm nghiệp, ĐH Kinh tế Nghệ An vẫn nhận gần 2 tỷ đồng kinh phí đào tạo.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/mo-nganh-cang-tu-chu-cang-de-lech-pha-2016120721360716.htm

Theo Lê Thoa/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm