Thiếu hụt nhân sự là vấn đề nhiều quán cà phê gặp phải khi bước vào mùa cao điểm. Ảnh: Hỉn Coffee. |
Trang trí Tết từ sớm, lượng khách đến ngày càng đông, nhưng Nguyễn Trang, chủ một quán cà phê check-in trên đường Độc Lập (quận Tân Phú), vẫn "ngồi trên đống lửa" khi chưa tuyển đủ nhân sự. Cách đây hơn một tháng, một số nhân viên hết hợp đồng, hiện quán chỉ giữ chân được 3 người ở lại làm Tết.
Tết năm trước, lượng khách "vỡ trận", nhân viên không thiếu nhưng nhiều khách không hài lòng vì phải chờ quá lâu, đôi khi tính tiền nhầm và chất lượng nước cũng bị phàn nàn không ít. Năm nay, cô không muốn tình trạng này tái diễn.
"Nhân viên thời vụ chỉ làm từ mùng 3 Tết, trong khi những ngày cận Tết mới là thời điểm đông khách nhất. Hiện tôi vẫn đăng tuyển thêm, nếu không tìm được, tôi sẽ cân nhắc việc giới hạn lượng khách trong khả năng, tránh dồn khách cùng lúc. Doanh thu có thể giảm, nhưng đổi lại là khách vui", chủ quán này bày tỏ.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, một số chủ quán cho biết đã đăng tuyển từ tháng trước, nhưng chưa đủ. Đến hiện tại, họ vẫn "chạy nước rút" tìm nhân viên thời vụ hoặc phương án dự phòng.
Cuộc đua nhân sự
Theo khảo sát nhân sự và hoạt động ngành F&B của iPOS.vn năm 2022, đơn vị cung cấp thiết bị cho ngành F&B, vào dịp Tết, lượng khách đến nhà hàng, quán cà phê tăng khoảng 20-30% so với thường ngày do nhu cầu gặp gỡ, ăn uống cuối và đầu năm khá cao, đặc biệt là từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 Tết.
Tuy nhiên, đây lại là thời điểm phần lớn nhân viên xin nghỉ phép về quê đón Tết cùng gia đình, việc tuyển dụng cũng trở nên khó khăn.
Thanh Thủy đầu tư nhiều khu vực chụp ảnh tại quán, do đó, cô ráo riết tuyển nhân viên để phục vụ lượng khách đông. Ảnh: Daisy Coffee. |
"Tìm đồng đội pha chế và phục vụ dịp Tết", đó là bài đăng tuyển nhân viên thời vụ vài ngày trước của Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ một quán cà phê phong cách Hàn Quốc trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh).
Mở bán đến mùa Tết thứ 5, bài toán nhân sự vẫn khó giải, dù mức lương hậu hĩnh, tăng 2-3 lần so với ngày thường.
"Hướng đến cà phê check-in, năm nay, tôi trang trí chiếc nơ khổng lồ 'hot trend', hoa đào và nhiều khu chụp ảnh. Dịp Tết, khách thường tăng 30%, có ngày phục vụ vài trăm khách, năm nay có chiều hướng đông hơn. Đa số nhân viên chính thức sẽ về quê ăn Tết nên quán bổ sung nhiều nhân viên thời vụ. Dù vẫn hoạt động ổn với các nhân sự vừa tuyển, nhưng tôi mong sẽ tuyển đủ số lượng đang cần", cô nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, Thu Thủy đã chuẩn bị trước nguyên liệu nhằm tránh lúng túng trong khâu pha chế. Thực đơn đồ uống cũng được tối ưu, giữ lại các món pha chế nhanh gọn, lượt bớt món phức tạp.
May mắn hơn, sau vài tuần miệt mài đăng tin tuyển dụng, Lê Văn Trung, chủ một quán cà phê kết hợp acoustic trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh), thở phào khi tuyển được 90% nhân sự thời vụ. Lần đầu quyết định mở bán xuyên Tết, anh lo sốt vó việc không tuyển được người, sợ làm phật lòng khách.
"Nếu không tuyển đủ 10% còn lại, chắc mùa Tết này khá bận rộn vì tôi chưa ước tính được khách tăng bao nhiêu. Mặt khác, nhân sự thời vụ chỉ làm vài ngày, một số nhân sự chính thức cũng mới làm thời gian ngắn, chưa thích nghi được với lượng khách đông đột ngột, có thể hơi cập rập", chủ quán này bộc bạch.
Được biết, mức lương dành cho nhân sự thời vụ không ít, quán của Trung dự kiến bán vé dịp Tết kèm một phần nước để doanh thu tương xứng với chất lượng phục vụ.
Huy động người nhà
Ở một diễn biến khác, nhiều chủ quán bối rối vì thiếu nhân sự trầm trọng, trong khi đã nhập đủ nguyên liệu, bảo trì máy móc pha chế để "chạy khách" dịp Tết. Võ Triệu, đồng sở hữu một quán cà phê check-in trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), gặp trường hợp này.
Anh chia sẻ: "Tôi đã sắp xếp 3 nhân sự thời vụ, nhưng 2 người báo lại không làm được dịp Tết, người còn lại chỉ làm được mùng 2 và mùng 4 Tết. Hiện chỉ còn 2 nhân viên chính thức, chắc chắn phục vụ không xuể. Đăng bài tuyển quá cận Tết nên hiện tôi chưa tìm được người thay thế, sinh viên làm xoay ca cũng về quê".
Nhiều quán cà phê trang trí Tết hoành tráng, đón lượng khách đến chụp ảnh đông đúc. Ảnh: Sori Cafe & More. |
Cách giải quyết của Triệu là huy động người nhà phụ giúp từ 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết. Năm nay, một số người em họ được nghỉ Tết sớm, anh sẽ nhờ phụ trách việc đón khách và mang nước ra bàn, còn nhân viên chính thức sẽ túc trực trong quầy pha chế và thu ngân.
"Người nhà là 'cứu cánh' lúc này. Tôi không muốn vì thiếu nhân viên mà dẫn đến việc phục vụ sơ sài, mất khách sau Tết. Đây cũng là một bài học lớn cho mùa cao điểm tiếp theo", Triệu nói.
Trong khi đó, Khánh Gia, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Tiểu La (quận 10), xác định đích thân anh sẽ pha chế đồ uống cùng một nhân viên cứng, việc thu ngân giao cho vợ, nếu không tuyển được thêm bất kỳ ai.
"Nhân viên phục vụ của quán đa phần là sinh viên làm part-time (bán thời gian) nên chỉ có 2 người ở lại làm Tết. Năm trước, khách đông kín. Năm nay tôi chỉ mới tuyển được một nhân viên thời vụ", Gia chia sẻ.
Chủ quán này cho biết thêm nhân viên thời vụ chỉ chuyên tâm bưng bê, dọn dẹp bàn ghế. Việc pha chế cần người thành thạo để đảm bảo hương vị, giúp giữ khách cũ và thu hút thêm khách mới.
Theo báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam của iPOS.vn, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam chạm mốc 304.700 cửa hàng cà phê. Khảo sát cho thấy các mức tần suất "đi cà phê" cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) gần như không thay đổi. Đồng thời, nhóm khách có tần suất 1-2 lần/tuần tăng lên 4,1% so với năm trước.
Ngoài ra, báo cáo này còn nghiên cứu chuyên sâu nhân sự ngành F&B tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có khoảng 2,89 triệu lao động trong ngành, nhưng đến 81,3% nhân sự làm việc bán thời gian.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.