Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Móc túi' nữ sinh mùa chụp ảnh kỷ yếu

Nhiều nữ sinh phải ngậm đắng nuốt cay khi bỏ ra gần 500.000 đồng để thuê một bộ áo dài chụp ảnh.

Trong mùa chụp ảnh kỷ yếu, sinh viên không chỉ phải đối mặt với giá chụp ảnh, trang điểm khá cao mà ngay cả những tiệm cho thuê trang phục cũng tranh thủ dịp này để "hét giá" kiếm tiền khủng. Bên cạnh đó, có rất nhiều câu chuyện bi hài xung quanh chuyện cho thuê áo dài, bắt ép sinh viên đền tiền do trang phục lỗi.

Tiệm áo “đắt sô”

Vào đầu tháng 11, đó là thời điểm sinh viên các trường bắt đầu chụp ảnh kỷ yếu - một hoạt động ý nghĩa để lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của thời cắp sách tới trường. Để có những khoảnh khắc đẹp của thời sinh viên, ai cũng muốn mình thật rạng rỡ, xinh tươi trong mắt mọi người. Vì vậy, các cử nhân tương lai không ngại chi tiền, đầu tư làm tóc, trang điểm… Cầu kỳ nhất vẫn là phái nữ trong việc chọn lựa đồ. Hầu hết các nữ sinh đều cho rằng, sự đầu tư về trang phục, kiểu tóc, phụ kiện sẽ quyết định đến vóc dáng của mình trước khi lên hình của các tay nhiếp ảnh.

Một tiệm áo dài chật kín khách trên phố Mai Dịch.

Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều dịch vụ kinh doanh cho thuê, mua áo dài từ truyền thống đến hiện đại mọc lên như nấm xung quanh các điểm trường đại học.

Vào thời điểm chiều tối, trong các tiệm cho thuê đồ trên tuyến phố Mai Dịch (Cầu Giấy - Hà Nội) đã chật kín khách hàng. Theo đánh giá của “phái áo dài” đây là tuyến phố cho thuê đồ với giá rẻ hơn cả.

Chị H, hiện là nhân viên của tiệm áo dài T.H ở phố Mai Dịch, cho biết: “Tiệm quần áo nhà mình những ngày thường chủ yếu cho thuê trang phục biểu diễn, nhưng cứ đến mùa chụp ảnh kỷ yếu, anh chủ lại nhập thêm áo dài về. Thời điểm này sinh viên đến thuê áo dài ngày một đông, nhờ thế mà cửa hàng bù lại được những ngày vắng khách trước đó”.

Tiệm áo dài N.G ở đầu phố cũng tấp nập người tới thuê, ngay trước cửa hàng đã chật kín xe của khách. Chị V - chủ tiệm cho hay: “Khách tới thuê đồ thời điểm này chủ yếu là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Sinh viên đến đây thường đặt thuê theo nhóm, nhóm 5 người, nhóm 10 người nên thành thử cửa hàng lúc nào cũng có người ra vào. Giá một bộ áo dài cho thuê ở tiệm nhà mình là 100 nghìn đồng. Ngoài ra mình còn cho thuê áo cử nhân, bằng tốt nghiệp, trang điểm”.

Cách đó không xa, tiệm áo dài của gia đình bạn K.H cũng tấp nập người ra vào thuê đồ. Theo tâm sự của cô chủ trẻ, cách đây hai năm, H tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội , trong thời gian chờ việc, cô được gia đình đầu tư một tiệm kinh doanh cho thuê áo dài. Không ngần ngại chia sẻ về bí quyết kinh doanh: "Từng là sinh viên nên H hiểu được tâm lý giới trẻ, các bạn tới thuê đồ ai cũng muốn lựa được đồ ưng ý mà quan trọng là hợp túi tiền. Vì thế khác với những tiệm áo dài trên phố này, cửa hàng H chỉ cho thuê với giá rất bình dân. Một bộ áo dài từ cổ điển cho đến cách tân; dù sặc sỡ hay sang trọng cũng chỉ một giá 80.000 đồng. Mỗi ngày sinh viên vào thuê, xem đồ đông nghịt, trung bình khoảng 300 lượt/ ngày. Hiện tại cửa hàng của H chỉ còn 20 bộ áo dài là chưa có người thuê. Nhờ bí kíp kinh doanh đó mà cửa hàng nhà của cô luôn được coi là cửa hàng “đắt khách” nhất khiến các chủ cho thuê đồ ở gần đó phải ganh tỵ".

Khác với phố Mai Dịch, các tiệm cho thuê áo dài trên đường Xuân Thủy – Cầu Giấy trở nên vắng khách hơn ngay giữa mùa kỷ yếu.

Chị M -  nhân viên trong tiệm áo dài V.T cho biết: “Hằng ngày khách tới xem đồ thì nhiều nhưng người thuê, đặt áo lại rất ít. Ai tới gần như cũng e ngại vì giá thuê áo dài mắc quá, dù đã giảm giá đồ cho thuê nhưng vẫn ít khách tới". Hiện tại tiệm thuê đồ ở đây có rất nhiều giá khác nhau, tùy thuộc vào chất liệu của trang phục. Cao nhất là 400 nghìn/ bộ; thấp nhất là 250 nghìn/ bộ áo dài.

Trong khi kinh doanh áo dài hiếm khách, rất nhiều cửa hàng đã bù lại nhờ việc cho thuê phụ kiện như: trang điểm, làm đầu, bán hoa, chụp ảnh….

Cửa hàng của anh L. cũng không ngoại lệ, tiệm cho thuê đồ anh chủ yếu là cho thuê vest, áo dài, áo cử nhân ở Cầu Giấy. Theo thông tin từ chủ cửa hàng, sinh viên tới thuê trang điểm, làm đầu, chụp ảnh nhiều hơn là thuê áo. Giá thuê trang điểm là 150 nghìn/ người; làm đầu 100 nghìn/ đầu; thuê chụp ảnh là 2 triệu đồng/ gói. "Thông thường cửa hàng nhà mình sẽ thuê các nhiếp ảnh gia về chụp hoặc có khi là tự tay mình chụp”, anh cho biết.

Chụp kỷ yếu là một phần không thể thiếu được trong cuộc đời sinh viên của mỗi người. (Sinh viên khoa Báo chí – Học viện Báo chí - Tuyên truyền).

Móc túi hợp pháp

Trong dịp “bão" kỷ yếu, rất nhiều tiệm áo dài đã cố hét giá rất cao và như đã thành lệ, sát ngày chụp kỷ yếu dù chủ “càng hét” thì sinh viên vẫn phải “chịu đòn” thuê.

Đó là trường hợp của bạn Cao Thị Huyền Trang (sinh viên năm cuối trường đại học Sư Phạm Hà Nội) rầu rĩ kể lại: “Cách đây một tuần mình có đặt thuê một bộ áo dài 250.000 đồng, ở một tiệm trên Cầu Giấy. Sát ngày, mình ra lấy đồ thì vẫn chưa có. Chủ tiệm bảo đổi bộ khác, mình cũng ngậm ngùi nghe theo. Đến khi chọn được bộ vừa vặn, ưng ý với dáng người thì anh ấy bảo 450.000 đồng. Thương lượng một hồi chủ bớt cho 20.000 đồng. Lúc mang về nhà, đứa bạn cùng xóm cũng thuê bộ giống y chang của mình nhưng giá chỉ 80.000 đồng. Cầm bộ áo dài trên tay mà lúc nào cũng cảm thấy ấm ức”.

Lê Thu Trà (sinh viên năm 4 của trường đại học Lao động và Xã hội) cũng phàn nàn: Chỉ còn một ngày nữa là chụp kỷ yếu nhưng cô vẫn chưa thuê được áo dài. Mặc dù lượn khắp các tiệm cho thuê đồ quanh trường nhưng chỗ nào cũng hét giá cao quá. Cuối cùng, Trà phải nhắm mắt thuê tạm một bộ áo dài nói chung là cũ nhất của tiệm, thế nhưng giá cũng ngót nghét 200.000 đồng. Thắc mắc với chủ tiệm vì giá quá đắt thì chủ quán quán trả lời: "Do đặt sát ngày nên người ta thuê hết rồi, muốn lấy nhanh thì phải giá đắt hơn là đương nhiên. Nếu không vừa lòng thì đi chỗ khác thuê”.

Không chỉ ấm ức vì bị “hét giá”, rất nhiều sinh viên đã lên tiếng vì chuyện bị phạt oan, mất đồ khi đi thuê áo.

Nguyễn Thị Hường (sinh viên năm cuối trường đại học Lao động và Xã hội) bức xúc nói: “Mùa chụp kỷ yếu vừa rồi, mình có đứng ra thuê áo cử nhân, thuê bằng cho lớp. Khi chụp ảnh xong xuôi, kiểm lại mũ cử nhân thiếu 2 chiếc, bằng tốt nghiệp bị rách 1 tấm. Khi đi trả, chủ tiệm làm khó dễ, nằng nặc phải đền. Cộng số tiền phạt cũng gần 2 trăm, trong khi ban đầu thuê đồ chỉ có 15 ngàn đồng/ bộ áo cử nhân đã kèm theo mũ và bằng. Mặc dù chỗ thân quen nhưng bà chủ vẫn nhất quyết phạt không nương tay”.

Đặc biệt hơn cả là trường hợp của bạn Lê Thị Phượng (sinh viên năm cuối trường đại học Quốc gia Hà Nội) buồn rầu tâm sự: Phượng đi thuê áo dài ở một tiệm gần xóm trọ, đúng vào mùa kỷ yếu nên sinh viên đến thuê đông nghịt. Chỗ thay đồ chật kín nên mọi người phải xếp hàng mới vào thay được. Trong lúc len được chân vào “phòng thay đồ” (gọi là phòng cho có lệ, chỗ thuê đồ nhỏ xíu chỉ là gầm cầu thang vừa vặn 2 người chui vào), Phượng có để túi xách bên ngoài. Lúc thay đồ xong, đang định lấy tiền cọc mới sực nhớ tới chiếc túi xách nhưng nó đã "không cánh mà bay”. 

Dù Phượng đã nhờ chủ cố lục tung cả tiệm lên cũng không thấy túi xách của mình đâu. Trong túi có 1 triệu tiền mặt và giấy tờ tùy thân của cô. Khó khăn lắm Phượng mới đi vay mượn được ít tiền của cô bạn thân để thuê áo, nay tiền của mất sạch, cô cũng chẳng còn tâm trạng nào mà chụp kỷ yếu.

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm