Bethany MacPherson (22 tuổi) đến từ thị trấn Livingston (Scotland) tìm đến liệu pháp thẩm mỹ nhằm giúp đôi môi của mình trông căng đầy, quyến rũ.
"Tôi muốn làm môi mình trở nên đẹp hơn. Phần môi dưới của tôi trông có vẻ lớn và không hài hòa với môi trên", 9X chia sẻ.
Đầu tháng 6/2017, Bethany quyết định chi 150 bảng Anh (khoảng 4,4 triệu đồng) cho một cơ sở làm đẹp gần nhà để tiêm filler. Cô cho biết bản thân có ngưỡng chịu đau khá cao, cũng như không sợ kim tiêm đâm vào môi.
Bethany MacPherson trước và sau khi tiêm filler. Ảnh: The Sun. |
Bị biến chứng nặng nề
Trái sự kỳ vọng trước đó, ngay sau khi tiêm filler, phần môi trên của Bethany bị sưng phồng và mất cân đối. Lúc cô rời khỏi cơ sở làm đẹp, tình trạng này vẫn không chấm dứt.
Trên đường về nhà, 9X cảm thấy môi rất đau đớn. Tình trạng sưng càng ngày càng nặng nề hơn, cô dùng điện thoại chụp ảnh phần môi của mình và gửi cho cơ sở làm đẹp để thắc mắc. Ngay lập tức, họ đề nghị cô đến bệnh viện.
Môi Bethany bị sưng to bất thường do tiêm filler kém chất lượng. Ảnh: The Sun. |
Tại bệnh viện đa khoa St John's (Livingston, Scotland), Bethany khóc vì sợ sẽ bị hoại tử môi. Môi của cô bị tụ máu dưới da, sưng to gấp 2 lần so với kích cỡ bình thường. Sau 4 giờ đồng hồ trong bệnh viện, cô gái 22 tuổi được cho về nhà, đồng thời lưu ý giữ cho môi được sạch sẽ, tránh nhiễm trùng. Họ còn dặn cô phải ngay lập tức quay lại bệnh viện nếu tình trạng môi trở nên xấu đi.
Vào ngày hôm sau, Bethany có mặt ở một tiệm spa, nơi cô đặt lịch hẹn từ trước đó. Lúc thư giãn trong phòng tắm hơi, cô cảm thấy môi dần co lại.
Môi của 9X tiếp tục thu nhỏ, tuy nhiên chúng vẫn không đồng đều với một chỗ bị phình to ở môi trên.
Sau đó, Bethany quay lại bệnh viện St John's vì bị áp xe miệng. Cô được chẩn đoán bị nhiễm trùng máu. Vi khuẩn xâm nhập vào máu qua nguồn lây nhiễm là áp xe trong miệng cô.
"Các bác sĩ nói rằng tôi có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu nhập viện không kịp thời. Trải qua 2 tuần điều trị bằng kháng sinh, tôi được trở về nhà", 9X nói.
Sau 3 năm bị biến chứng do tiêm filler, tình trạng môi của Bethany MacPherson dần hồi phục nhưng quãng thời gian đau đớn vừa qua đối với cô không dễ dàng.
Cô gái 22 tuổi không thể quên những gì đã xảy ra với môi của cô. Ảnh: The Sun. |
Không đụng dao kéo nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm
Khi xu hướng thẩm mỹ không sử dụng dao kéo ngày càng phát triển, tiêm chất làm đầy (filler) giúp da căng mịn, loại bỏ nếp nhăn cũng được tìm đến nhiều hơn.
Filler được tiêm dưới da sẽ xóa các nếp nhăn khi cười, làm môi, má trông đầy đặn. Tuy nhiên, filler có thể bị hấp thu vào cơ thể nên tác dụng của việc tiêm chất làm đầy thường không lâu dài. Mặt khác, phương pháp làm đẹp này có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Khu vực xung quanh vị trí tiêm có thể bị đỏ, sưng tấy, đau đớn, bầm tím, ngứa ngáy… Một số tác dụng phụ hiếm gặp song cũng khá nguy hiểm như nhiễm trùng, xuất hiện khối u nhỏ tại vị trí tiêm buộc phải phẫu thuật để cắt bỏ, chấn thương mạch máu…
Tiêm filler vùng môi có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường. Ảnh: The Sun. |
Những lưu ý trước khi tiêm filler
Để không gặp phải tai nạn "dở khóc dở cười" như cô gái Bethany MacPherson ở trên, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về phương pháp tiêm filler trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, chỉ nên đến các cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ phụ trách.
Bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về filler sẽ tiêm. Tuyệt đối không mua filler không rõ nguồn gốc và tự tiêm ở nhà. Sản phẩm chất làm đầy phải còn nguyên trong ống tiêm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, đồng thời được chấp thuận sử dụng bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền cho việc làm đẹp.
Nếu đang sử dụng thuốc chữa bệnh hoặc thực phẩm chức năng, bạn cần thông tin đến bác sĩ trước khi tiến hành tiêm filler. Điều này nhằm tránh xảy ra quá trình tương tác giữa các thành phần, gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu của cơ thể.
Cần tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi tân trang nhan sắc bằng cách tiêm filler. Ảnh: Dermatology Times. |