Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mời giáo viên bị sa thải oan trở lại bục giảng sau 16 năm

Bị sa thải oan, thầy giáo Lê Cao Tánh đã đi học Luật để tự làm thầy cãi cho mình. Sau cả chục phiên tòa kéo dài hàng chục năm, ông đã thắng kiện, được mời trở lại bục giảng.

Ông Lê Cao Tánh đi học Luật trở thành luật sư. Ảnh: Tiền Phong.

Sau 16 năm ròng rã đeo đuổi vụ kiện với cả chục lần xét xử ở mọi cấp tòa, mới đây, ông Lê Cao Tánh (51 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nhận được thông báo của trường THCS Nguyễn Du về việc đến ký hợp đồng lao động với công việc là giáo viên.

Trước đó, vào năm 2004, ông Tánh được trường THPT bán công Nguyễn Du (nay là trường THCS Nguyễn Du) ký hợp đồng làm giáo viên không xác định thời hạn. Ông giảng dạy môn Ngữ văn và Giáo dục công dân.

Đến ngày 12/12/2006, trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 10 đã gọi tên ông và chửi bậy ngay trên sân trường, trước mặt rất nhiều người. Không giữ được bình tĩnh, ông Tánh đã dùng tay tát vào mặt, khiến học sinh này bị chảy máu mũi.

Ông Tánh đã bị hiệu trưởng trường THPT bán công Nguyễn Du ra quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc vì “Vi phạm về phẩm chất của người thầy”.

Theo đó, trong lúc xử lý hành vi vô lễ của học sinh, thầy giáo đã có hành động phản tác dụng giáo dục (tát học sinh chảy máu mũi) gây ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Cho rằng quyết định trên của hiệu trưởng trường THPT bán công Nguyễn Du là trái với quy định của pháp luật, ông Lê Cao Tánh đã khiếu nại tới cấp có thẩm quyền nhưng không có hiệu quả.

Theo ông Tánh, với quy định hiện hành, hành vi của ông chưa tới mức bị thi hành kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, do đó, thầy giáo này đã khởi kiện quyết định của hiệu trưởng trường THPT bán công Nguyễn Du tới cơ quan tòa án.

Vừa đi kiện, ông Tánh vừa đi học lớp đào tạo luật sư. Đến năm 2010, ông Tánh trở thành luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, mở văn phòng tại TP Đà Lạt cho đến nay.

Từ năm 2008 đến năm 2021, vụ án tranh chấp hợp đồng lao động giữa ông Tánh với trường Nguyễn Du đã trải qua cả chục phiên xét xử với các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, gắn liền với các quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 3/6/2021, 10 thành viên Ủy ban Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM đã quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm lần 3, tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc trường Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và bồi thường cho ông hơn 614 triệu đồng.

Với phán quyết này, hành trình hàng chục năm đi kiện của thầy giáo Lê Cao Tánh khép lại với chiến thắng thuộc về ông. Tuy nhiên, đến nay, ông Tánh vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Phụ huynh vào trường đánh nữ giáo viên, chửi hiệu trưởng

Bức xúc vì cháu bị tát vào má, phụ huynh của nữ sinh lớp 6 vào trường nắm tóc, đánh liên tiếp vào mặt cô giáo và chửi, lăng mạ thầy hiệu trưởng, vụ việc gây náo loạn sân trường.

https://tienphong.vn/da-lat-moi-giao-vien-bi-sa-thai-oan-tro-lai-buc-giang-sau-16-nam-post1599959.tpo

Quế Như / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm