Theo PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, trong vòng 10 năm, (2004-2014), bệnh viện (BV) đã phẫu thuật tim cho 3.115 trẻ, thông tim 3.300 trẻ. Đó là những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể y, bác sĩ của bệnh viện.
Bà cho biết vào năm 2004, trẻ bệnh tim nặng ở Việt Nam gần như hết hy vọng cứu chữa. Trong khi nhiều trẻ em phải xếp hàng chung với người lớn ở Viện Tim TP HCM chờ đợi rất lâu mới đến lượt. Trước tình hình đó, khoa Tim mạch và BV Nhi đồng 1 đã bàn, xác định phải đi học mổ tim để cứu các bệnh nhi này.
Trong vòng 10 năm, bệnh viện Nhi đồng 1, đã giành giật cứu sống gần 7.000 trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: Nguyễn Oanh. |
Theo đó từ năm 2004 đến 2007, bệnh viện đã cử trên 50 người đi học tại Viện Tim và gửi một nhóm ra nước ngoài học kỹ thuật mổ tim tiên tiến.
Ngày 1/6/2004, BV mổ ca tim hở đầu tiên. Năm 2009, BV thông tim can thiệp (nội soi). Từ năm 2010, BV đã mổ tim hở cho trẻ sơ sinh mang bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp.
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 chia sẻ: “Đêm trước ngày dự kiến mổ ca tim hở đầu tiên mưa tầm tã, phòng mổ bị thấm dột. Giám đốc BV lúc ấy là TS.BS Tăng Chí Thượng đã huy động người vào lau dọn phòng mổ để đến sáng phòng mổ khô mới tiến hành phẫu thuật. Nhờ sự quyết tâm vượt qua khó khăn, BV đã cứu sống những ca nặng, điều mà trước đây tưởng chừng như vô vọng”.
Cũng tính từ đó đến nay số cán bộ, y bác sĩ đã lên 112 người gồm phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, hồi sức… Bên cạnh đó, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, hồi sức, vật lý trị liệu, dinh dưỡng cũng được đầu tư phát triển để phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Nhớ lại trường hợp bệnh nhi đặc biệt, bác sĩ Phúc chia sẻ đó là một bé trai trong cặp song sinh (An Giang) vừa ra đời, nặng 2 kg, được chuyển lên BV điều trị trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi. Bình thường tĩnh mạch phổi đổ vào tim, đằng này bốn tĩnh mạch phổi chui dưới bụng vào tĩnh mạch gan. Ngày 1/6, bệnh nhi được phẫu thuật. Sau ba tuần hồi sức, bệnh nhi đã xuất viện. Đây là ca bệnh tim trẻ em nhẹ cân nhất mà BV thực hiện.
TP HCM có khoảng 10 bệnh viện có khả năng phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ. Tuy nhiên những nơi này rất ngại nhận mổ cho trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Rất nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đang chờ mổ. Ảnh: Nguyễn Oanh. |
Hiện BV vẫn còn 1.300 trẻ nằm trong danh sách chờ mổ. Hiện tại, các bác sĩ tiến hành 1-3 ca mỗi ngày. Với khối lượng này, lịch mổ sẽ kéo dài trong vòng 2 năm tới.
Trong khi đó, số bệnh nhi mới ra đời mỗi năm là 10.000 trẻ. Như vậy, những trẻ trong khi chờ mổ thì bệnh nhẹ sẽ chuyển sang nặng và cũng có bé có thể chưa đến ngày mổ đã ra đi. Đó là điều mà các y, bác sĩ trăn trở nhất.
“Hàng ngày, chúng tôi lo cho những ca nặng trước. Những ca nhẹ do phải chờ trở thành nặng. Đó là nỗi khổ của người làm chuyên môn. Thậm chí chúng tôi mổ luôn ngoài giờ, cuối tuần nhưng vẫn không giảm được số lượng bệnh nhi", bác sĩ Phúc tâm sự.
Bà cho biết BV đã đề ra biện pháp trước mắt là tăng số phòng mổ lên hai phòng. Thứ hai là mở thêm phòng hồi sức với 30 giường. Về lâu dài, BV đang phối hợp với Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh lập mạng lưới quản lý về tim mạch nhi và tim bẩm sinh ở các tỉnh phía Nam. Bà mong muốn từ việc xây dựng mạng lưới là làm sao cho lực lượng điều trị tim mạch nhi ở các địa phương phát triển mạnh.
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, cuối năm 2016, BV sẽ đưa vào sử dụng 1.000 giường, giúp giải quyết nhiều trường hợp bệnh nhi đang phải chờ đợi.