Ngày 26/6, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức triển khai Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, tình hình tử vong đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước, song vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trà My. |
Cũng theo Thứ trưởng Hà, giai đoạn 2015-2017, khoảng 2.000 trẻ em chết đuối mỗi năm. “Tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước có thu nhập cao”, bà nói.
Báo cáo của bộ LĐTB&XH cho thấy chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Trong khi đó, tỷ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.
“Số liệu phản ánh tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em đặc biệt cao, nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được”, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thông tin.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, TS Kidong Park cho rằng đuối nước trẻ em ở Việt Nam là vấn đề nghiêm trọng. Theo ông Park, nguyên nhân của thực trạng này là nước ta phải gánh chịu các đợt thiên tai lũ lụt, có nhiều vùng nước mở, trẻ em dễ dàng tiếp cận mà thiếu sự giám sát của phụ huynh cũng như kỹ năng an toàn nước.
Dù có giảm nhưng năm 2017 vẫn còn gần 2.000 trẻ em đuối nước. Ảnh: Trà My. |
Bà Ngô Thị Minh (Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội) phân tích để dự án hoạt động hiệu quả, chính quyền các địa phương cần có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục và lan toả dự án tới các vùng sâu vùng xa.
Đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc bảo vệ, giáo dục trẻ, bà Minh lấy ví dụ cha mẹ ở khu vực ĐBSCL dùng lưới quây để dạy con cái bơi.
"Chuẩn bị các kỹ năng sinh tồn, đối phó với đuối nước là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội", bà khẳng định.
Dự án hợp tác phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam gồm 2 chương trình: Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ từ 6 tới 15 tuổi. Chương trình sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương tại 8 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.