Mời sao ngoại về Việt Nam: Cuộc chơi của 'đại gia'?
Dù các đơn vị tổ chức luôn gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn muốn mời những nghệ sĩ tên tuổi đình đám để thể hiện đẳng cấp riêng.
Rihanna hay Celine Dion là hai giọng ca đang được các nhà tổ chức nhắm đến trong năm nay, với cát-xê 1 triệu USD cho một buổi biểu diễn. Đây đúng là mức thù lao khổng lồ đối với thị trường biểu diễn ở Việt Nam nhưng đó chưa phải là nỗi ám ảnh của nhà tổ chức.
Chi phí khổng lồ
Mức thù lao của các ngôi sao ngoại luôn được công bố công khai trên Internet. Các ngôi sao hạng A đều chấp nhận đi hát cả trong những buổi tiệc gia đình cho bất cứ ai trả đúng mức thù lao họ yêu cầu. Trung bình cát-xê của một ngôi sao thế giới hạng A hát ở đám tiệc thấp nhất cũng trên 2 triệu USD. Với những chương trình biểu diễn trên sân khấu, thù lao của ca sĩ hạng A thường ở mức 1 triệu USD như của Rihanna, Celine Dion hay 1,5 triệu USD của Beyonce như hiện nay. Ngoài mức cát-xê khổng lồ phải trả, chi phí lớn hơn mà các đơn vị tổ chức có quyết tâm đưa sao ngoại về Việt Nam biểu diễn phải đối đầu là chi phí tổ chức và hậu cần.
Nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior biểu diễn tại Việt Nam. |
1 triệu USD là tiền bản quyền để đưa chương trình Super Junior về Việt Nam biểu diễn nhưng thực tế, nhà tổ chức mất hơn 2 triệu USD tiền chi phí cho công tác tổ chức. Hay 150.000 USD là thù lao mà nhóm nhạc Backstreet Boys yêu cầu nhưng để tổ chức liveshow của họ, đơn vị tổ chức phải đầu tư hơn 500.000 USD. Tương tự, liveshow Rain;s coming trước đây có mức kinh phí gần 2 triệu USD, dù thù lao trả cho anh chưa đến 1 triệu USD. Chính chi phí tổ chức, hậu cần mới là nỗi ám ảnh của nhà tổ chức.
Hiện nay, khán giả rất mong muốn được thưởng thức một đêm nhạc trọn vẹn gần giống với những chương trình diễn ra ở các nước nằm trong chuyến lưu diễn của ca sĩ. Tuy nhiên, không mấy nhà tổ chức đủ tài lực để thực hiện những chương trình như vậy.
Với ngôi sao Hàn, ngoài các liveshow nguyên gốc (nằm trong chuyến lưu diễn của một ca sĩ hay nhóm nhạc nào đó), đơn vị tổ chức biểu diễn tại Việt Nam cũng được chào hàng những giọng ca lẻ. Trung bình thù lao của nhóm nhạc Hàn Quốc nằm ở mức 100.000 USD nhưng nếu phải làm chương trình với 5 nhóm nhạc, kinh phí đội lên 500.000 USD nên cũng không mấy đơn vị dám thực hiện chương trình, bà Kim Hồng, Giám đốc Công ty Sao Nhạc Việt, nói.
Ràng buộc đủ điều
Những đòi hỏi về khâu tổ chức như sân khấu phải đồng bộ với liveshow diễn ra ở nước ngoài, đi cùng ca sĩ là một đoàn tùy tùng gồm chuyên gia, kỹ thuật, biên đạo, vệ sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, người giúp việc, người nhà… đến việc đi máy bay hạng nhất, di chuyển bằng xe loại nào, ở phòng khách sạn mấy sao (thường là phòng VIP ở khách sạn 5 sao) và thực đơn gồm những loại nào thực sự là những thách thức.
"Mọi thứ đều được quy định một cách rõ ràng và sòng phẳng. Thường những điều này không quá phức tạp nhưng nó đòi hỏi một đội ngũ người chăm sóc đông đảo để bảo đảm mọi thỏa thuận được thực hiện. Chỉ cần sai hay quên thực hiện là đồng nghĩa vi phạm hợp đồng", ông Trần Quý (Công ty Hoàn Vũ) cho biết. Tuy nhiên, cái khó nhất của ban tổ chức là vừa tuân thủ những điều kiện ràng buộc của đối tác vừa phải làm hài lòng giới truyền thông Việt Nam.
Bi Rain với liveshow Rain's coming. |
Khi hỏi đến những khó khăn về tổ chức show ngoại, hầu hết các đơn vị tổ chức đều có chung câu trả lời: "Những quy định của nền công nghiệp giải trí tiến bộ luôn gây trở ngại cho công việc tổ chức biểu diễn chưa chuyên nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn, nếu công ty quản lý ca sĩ quy định chỉ được chụp 8 tấm ảnh về ca sĩ, họ chỉ được chụp 8 tấm. Nếu có thêm tấm thứ 9 là vi phạm hợp đồng. Đây là điều không dễ dàng được giới truyền thông Việt Nam thông cảm", bà Nguyễn Kim Hạnh, đại diện Công ty Saigon Sound System, nói.
Địa điểm sao ngoại chọn biểu diễn là các sân vận động, nơi có sức chứa hàng chục ngàn khán giả. Để lấp đầy khán giả ở sân vận động rõ ràng là một bài toán khó cho giới làm show.
Tìm tài trợ cũng gay go
Những buổi diễn của sao ngoại đã và sắp diễn ra trong thời gian tới, chỉ là những đêm diễn nằm trong quá trình quảng bá thương hiệu toàn cầu của một nhãn hàng. Sự xuất hiện của Shayne Ward, Lenka, Brian McFadden, Boys Like Girls, Alexandra Burke, David Cook, Monica, Adam Lambert đều do một nhãn hiệu rượu mang về trong H-Artistry; Simple Plan về Việt Nam nhờ chiến lược quảng bá thương hiệu của kênh truyền hình MTV qua chương trình MTV Exit; khán giả Việt được diện kiến Big Bang, Tata Young, Taio Cruz nhờ sự bắt tay của 2 thương hiệu mạnh thông qua chương trình SoundFest…
Thực tế cho thấy một chương trình biểu diễn của sao Âu Mỹ luôn đẳng cấp hơn một ngôi sao Hàn Quốc vì sức ảnh hưởng tầm thế giới của họ. Tuy nhiên, quá trình xin tài trợ cho một ngôi sao Âu Mỹ thường khó khăn hơn nhiều lần so với một giọng ca Hàn Quốc bởi các thương hiệu thích bề nổi hơn. Rõ ràng, sao Hàn đang có sức hút đặc biệt với khán giả trẻ nên việc họ chọn tài trợ cho sao Hàn hiệu quả về quảng bá nhãn hàng hơn các sao Âu Mỹ cũng là điều dễ hiểu, ông Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Viet Vision, cho biết thêm. Vì thế, cuộc chiến đưa sao ngoại về Việt Nam biểu diễn vẫn khó khăn, như lời ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ.
Làm để lấy tiếng
Thua lỗ là điều không tránh khỏi nhưng nếu phải làm để lấy tiếng, rõ ràng không phải ai cũng đủ sức gồng mình. Công ty D&D là một minh chứng rõ nét, dù với chương trình Rain’s coming của Bi Rain diễn ra vào năm 2007 đã tạo nên tiếng vang lớn cho công ty này nhưng đó là một cuộc kinh doanh thất bại.
Sau chương trình Bob Dylan với lời hứa chắc như đinh đóng cột về một chương trình khác của Linkin’s Park hoặc Jason Marz nhưng đến nay Công ty Saigon Sound System vẫn chưa tái xuất hiện. Sau đêm diễn Backstreet Boys, Công ty Water Buffalo Production cũng gần như mất dấu trên thị trường âm nhạc. Hay Công ty Việt Top từng lên kế hoạch cho một sao ngoại tiếp theo (Lưu Đức Hòa hoặc Trương Học Hữu) đến Việt Nam biểu diễn nhưng sau liveshow không thành công của ban nhạc Air Supply ở sân khấu Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), dự án sao ngoại của Việt top gần như chấm dứt.
Theo Người lao động