Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Món ăn gây tranh cãi nhất Nhật Bản

Khi thị trường nội địa suy giảm trong thời gian dài, những người săn cá voi và nhà hàng đang làm việc với văn phòng du lịch Nhật Bản để cố gắng thu hút khách du lịch.

tranh cai thit ca voi anh 1

Tâm trạng mong đợi hiển hiện trong căn phòng riêng, trải chiếu tatami tại Murasaki - nhà hàng ở Osaka, Nhật Bản. Ở một phía căn phòng là nhóm nhà báo Nhật Bản. Phía khác là giám đốc điều hành từ công ty săn cá voi lớn nhất đất nước và các quan chức từ ngành công nghiệp du lịch.

Ngay chính giữa, 6 người có ảnh hưởng xã hội được chọn lựa kỹ lưỡng từ Thái Lan, Pháp, Nga và Hàn Quốc ngồi quanh bàn hori-zataku và chờ đợi món đầu tiên trong những món ăn gây tranh cãi nhất Nhật Bản: Thịt cá voi.

tranh cai thit ca voi anh 2

Những người có ảnh hưởng xã hội từ Pháp, Nga, Thái Lan và Hàn Quốc ăn thịt cá voi tại nhà hàng Osaka. Ảnh: Guardian.

Trong 2 giờ tới, họ sẽ ăn các món ninh, nướng, chiên ngập dầu và sống như sashimi - được làm từ hàm, dạ dày, xương sườn, đuôi, má và lưng của động vật có vú này.

Vào cuối bữa tiệc, ban tổ chức hy vọng họ sẽ truyền tải thông điệp của ngành tới những người theo dõi - rằng sau nhiều thập kỷ ẩn mình trong góc khuất ẩm thực, thịt cá voi rất ngon và ăn thịt cá voi được xã hội chấp nhận trong hành trình du lịch, theo Guardian.

Cố gắng thay đổi câu chuyện

Buổi tối bắt đầu với bài phát biểu của Hideki Tokoro, giám đốc điều hành của Kyodo Senpaku, công ty săn cá voi lớn nhất Nhật Bản. Ông tuyên bố việc săn bắt cá voi - loài tiêu thụ lượng thức ăn tương đương 4% trọng lượng cơ thể chúng mỗi ngày - giúp bảo vệ chuỗi thức ăn biển.

“Chúng ta cần kiểm soát quần thể cá voi để bảo vệ hệ sinh thái”, ông Tokoro nói. “Đó là về việc trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm”.

Dưới thời ông Tokoro, Kyodo Senpaku đang cố gắng thay đổi câu chuyện tiêu cực xung quanh thịt cá voi.

“Thời thế đã thay đổi và chúng tôi muốn hoàn toàn minh bạch… bao gồm cả việc nói chuyện cởi mở với giới truyền thông quốc tế”, Konomu Kubo, phát ngôn viên của công ty, nói với Guardian.

Ngành đánh bắt cá voi của Nhật Bản đã thất bại trong việc thuyết phục người tiêu dùng nội địa biến thịt cá voi thành một phần thường xuyên của chế độ ăn uống.

Mặc dù nó là nguồn cung cấp protein chủ yếu trong thời kỳ thiếu lương thực sau Thế chiến II, lượng tiêu thụ đã giảm từ những năm 1970 do thịt lợn, thịt gà và thịt bò trở nên phù hợp túi tiền hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, người tiêu dùng nước này đã tiêu thụ 233.000 tấn thịt cá voi vào năm 1962, vượt xa con số thịt bò (157.000 tấn) và thịt gà (155.000 tấn).

Masa, người dẫn chương trình buổi tiệc ăn thịt cá voi ở Osaka, đã yêu cầu người tham gia "giữ thái độ cởi mở, không thành kiến".

tranh cai thit ca voi anh 3

Một biểu đồ tại nhà hàng cho thấy các phần thịt cá voi khác nhau. Ảnh: Guardian.

Khi nhân viên mang ra những đĩa kushiage (món xiên que) chiên giòn với nước chấm, anh nói một cách hào hứng về lợi ích dinh dưỡng của thịt cá voi.

“Nó ít calo và giàu protein hơn thịt gà”, Masa cho biết, đồng thời thừa nhận có sự phản đối việc ăn các loại thực phẩm “bất thường” ở những quốc gia mà chúng không phải là một phần của chế độ ăn thông thường.

Đây là sự kiện trải nghiệm các món ăn từ thịt cá voi đầu tiên được tổ chức và là một phần của chiến dịch quan hệ công chúng chưa từng có của ngành công nghiệp săn bắt cá voi.

Nó diễn ra 4 năm sau khi những người đánh bắt cá voi Nhật Bản rời Nam Đại Dương để tập trung săn bắt động vật biển có vú ở vùng biển ven bờ - nơi Kyodo Senpaku bắt được 25 con cá voi Sei và 187 con cá voi Bryde một năm.

Gây tranh cãi

Trong nhiều thập kỷ, chương trình săn bắt cá voi “khoa học” của Nhật Bản đã bị phản đối gay gắt bởi các nhà hoạt động trên biển cùng Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC). Nó cũng chịu sự chỉ trích từ Australia và những quốc gia chống săn bắt cá voi khác.

Tuy nhiên, giờ đây, thịt cá voi đang được chào mời như một yếu tố thu hút khách du lịch. Các nhà cung cấp và nhà hàng hợp tác với cơ quan du lịch Nhật Bản để “thu phục” những du khách còn hoài nghi, với dự đoán lượng du khách nước ngoài sẽ tăng mạnh sau khi dỡ bỏ hạn chế đi lại do Covid-19.

Đầu năm nay, Kyodo Senpaku đã khiến nhiều nhà vận động vì quyền động vật tức giận khi bắt đầu bán thịt cá voi từ máy bán hàng tự động nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Konomu Kubo, phát ngôn viên của Kyodo Senpaku, nói với AP rằng công ty đặt mục tiêu mở khoảng 100 điểm bán tự động trong 5 năm, đặc biệt ưu tiên những siêu thị không bán thịt cá voi.

Nhóm Bảo tồn Cá voi và Cá heo đã mô tả đây là một “động thái tiếp thị lạnh lùng" để “bảo vệ ngành công nghiệp đang lụi tàn” phải nhận hơn 5 tỷ yen (khoảng 38 triệu USD) trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản vào năm 2020.

tranh cai thit ca voi anh 4

Thịt cá voi được bán tại máy bán hàng tự động tại cửa hàng của Kyodo Senpaku ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AP.

“Những nỗ lực trước đây nhằm tăng lượng tiêu thụ, bao gồm đưa thịt cá voi vào bữa trưa ở trường học, quảng bá công thức chế biến thịt cá voi và tạo trang web để giới thiệu địa điểm ăn thịt cá voi. Nhưng việc thiếu nhu cầu với loại thịt này đồng nghĩa kết thúc của nó là thức ăn cho chó”, nhóm này cho biết.

Trong khi đó, một số nhà hoạt động chỉ trích máy bán hàng tự động là “âm mưu bán hàng gian dối”, Kyodo đưa tin

Tổ chức Bảo tồn Cá voi và Cá heo nhấn mạnh việc săn bắt cá voi rất tàn nhẫn, trong đó nhiều con cá voi chịu đau đớn dai dẳng sau khi “bị bắn bằng những chiếc lao gắn đầu lựu đạn thường được bắn không chính xác từ những con tàu di chuyển liên tục”.

Khi nghiên cứu món thứ hai - một lựa chọn theo phong cách kaiseki bao gồm thịt má cá voi trong rượu sake và vây đuôi trong nước sốt mận - Amine Habes, YouTuber người Pháp, thừa nhận không phải tất cả người dân ở nước anh đều có thể chấp nhận được ý nghĩ ăn thịt cá voi.

“Đó là một phần của văn hóa Nhật Bản, vì vậy tôi hiểu tại sao nó được ăn ở đây. Cá nhân tôi tôn trọng điều đó và muốn thử nó. Nhưng nó gây tranh cãi ở Pháp. Không phải ai cũng cởi mở về điều đó”, anh nói.

Vào năm 2014, tòa án công lý quốc tế đã yêu cầu dừng các cuộc thám hiểm ở Nam Đại Dương sau khi kết luận rằng việc săn bắt không như Nhật Bản tuyên bố là để nghiên cứu khoa học.

5 năm sau, Nhật Bản rút khỏi IWC và cho biết sẽ chấm dứt các cuộc săn bắt ở Nam Cực, nhưng nối lại hoạt động săn bắt cá voi thương mại ở vùng nước ven biển.

Giờ đây, những người săn cá voi Nhật Bản được phép đánh bắt khoảng 200 con cá voi trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, một số người thừa nhận họ đang phải vật lộn để tồn tại, một phần do người tiêu dùng Nhật Bản thiếu nhu cầu.

Ngành công nghiệp này đang đối mặt với sự thay đổi thị hiếu, nhận thức ngày càng tăng về phúc lợi động vật và trợ cấp của chính phủ giảm dần.

Khi chuẩn bị rời đi, các thực khách trong sự kiện, được tặng những túi quà gồm thịt cá voi khô, thịt cá voi đóng hộp và thực phẩm bổ sung vitamin. Nhiều người tự hỏi họ sẽ mô tả cuộc phiêu lưu ẩm thực của mình như thế nào trên mạng.

“Thật khó… bất kể ý kiến ​​​​của bạn là gì, bạn phải chia sẻ nó với khán giả của mình và nếu những gì bạn nói bị hiểu sai, điều đó có thể làm hỏng hình ảnh của bạn với tư cách là người có sức ảnh hưởng”, Mehdi Fliss, blogger du lịch đến từ Pháp, cho biết.

“Tôi đang cố gắng khách quan và muốn nói với những người theo dõi tôi rằng họ nên nhìn vấn đề qua con mắt của người khác… Nhưng tôi đã chuẩn bị cho một số phản hồi tiêu cực”, anh nói.

Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Cá voi sát thủ tàn sát 20 con cá mập ở Nam Phi

Một cặp đôi cá voi sát thủ khiến các nhà khoa học bất ngờ khi giết chết 20 con cá mập ở bờ biển gần thị trấn Gansbaai, Nam Phi, nơi cách Cape Town khoảng 150 km về phía đông nam.

3 người bị bắt ở Nhật Bản sau trào lưu 'khủng bố sushi'

Ba người đã bị bắt giữ ở Nhật Bản vì trò chơi khăm mất vệ sinh tại một nhà hàng sushi băng chuyền.

Minh An

Bạn có thể quan tâm