Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Món ăn mang đến may mắn dịp Tết Âm lịch

Tết là một dịp có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều quốc gia. Các món được ăn dịp này cũng đều mang ước mong về cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á cũng có các món ăn truyền thống chứa đựng ý nghĩa đại diện cho sự may mắn và nhiều hy vọng tốt đẹp trong ngày Tết Nguyên đán.

Việt Nam

Trong tâm thức của người Việt, bánh chưng có vị thế nguồn cội văn hóa đặc biệt. Chiếc bánh được gói bằng lá dong với hình vuông nhỏ nhắn không đơn thuần là một món ăn mà còn trở thành nét đẹp văn hóa của những người con đất Việt. Hương vị giản dị này gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh.

Bánh chưng vốn mang trong mình ý nghĩa thiêng liêng, cao quý. Do đó, món ăn này cũng đòi hỏi ở người làm sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Bánh muốn ngon thì người chế biến phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo. Gạo nếp phải lựa loại hạt dài, chắc mẩy, to đều và thơm mới. Đậu xanh cần được tách vỏ, màu vàng óng. Thịt heo phải có cả nạc và mỡ để khi bánh chín, phần mỡ sẽ quyện với phần nạc mềm tạo độ béo, dẻo và thơm ngon. Lá dong lựa chọn phải có màu xanh mướt, bản to và đều nhau. Ở một số địa phương, lá gói bánh cũng có thể thay thế bằng lá chuối.

Mon ngon ngay Tet anh 1

Bánh chưng mang dấu ấn ẩm thực của dân tộc, tạo nên phong vị ngày Tết Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

Không khí Tết tràn về như hơi thở của đất trời. Nồi bánh chưng không nhằm để "ăn", mà còn góp phần giữ lại không khí sum vầy, đầm ấm, ngọt ngào hơn bao giờ hết.

Chiếc bánh tự tay gói dày dặn, vuông đẹp được bày bàn thờ cúng tổ tiên, dành tặng nhau ăn như món quà đầu năm, cũng là mong muốn đại gia đình một năm an bình, vui vẻ, hạnh phúc.

Hàn Quốc

Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc sẽ không trọn vẹn nếu thiếu Tteokguk - món canh bánh gạo có ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong năm mới.

Hình dạng của bánh gạo giống như đồng tiền kiểu Hàn Quốc cũ, vì vậy canh bánh gạo Tteokguk còn tượng trưng về sự giàu có và thịnh vượng.

Mon ngon ngay Tet anh 2

Canh bánh gạo Tteokguk tượng trưng sự giàu có, thịnh vượng và may mắn. Ảnh: Daegu Metropolitan City Government.

Bát canh Tteokguk bao gồm những chiếc bánh gạo được nặn một cách khéo léo đầy đặn, kèm theo hành tây, thịt bò, hành hoa. Tất cả nguyên liệu được đun cùng nước hầm xương bò tạo ra hương vị tươi mát, thích hợp cho buổi sáng đầu xuân.

"Cháu đã ăn Tteokguk được bao nhiêu lần rồi?" là câu hỏi thông dụng của người lớn dành cho trẻ em vào dịp Tết nhằm hỏi tuổi. Sở dĩ có điều đó bởi người Hàn Quốc quan niệm ăn một bát canh bánh gạo Tteokguk đồng nghĩa với việc bạn đã lớn thêm một tuổi.

Cũng là vào buổi sáng đầu tiên năm mới, sau khi cúng bái tổ tiên, người Hàn Quốc thưởng thức một bát canh bánh gạo Tteokguk như một nghi thức trang trọng để mừng bản thân bước qua tuổi mới.

Trung Quốc

Dịp năm mới, người Trung Quốc thường có thói quen thưởng thức sủi cảo. Món ăn này có hình dạng giống quan tiền nên được quan niệm mang lại tài lộc cho cả năm.

Vào đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau để gói sủi cảo và thưởng thức trong không khí đầm ấm ngày Tết.

Mon ngon ngay Tet anh 3

Người Trung Quốc cho rằng ăn sủi cảo vào đêm giao thừa sẽ mang lại may mắn và tài lộc. Ảnh: Freepik.

Những chiếc bánh này có vỏ sủi cảo, bên trong là thịt, hải sản và rau băm nhỏ. Sau khi được nặn xong thành hình lưỡi liềm, những chiếc bánh được đem đi hấp chín cho đến khi nhìn thấy được màu nhân bên trong.

Đôi khi trong một mẻ bánh sẽ có 1-2 chiếc sủi cảo có đồng xu, nếu ai lấy được chiếc bánh này sẽ có một năm mới may mắn.

Cũng trong đêm giao thừa, mỗi gia đình người Hoa đều ăn món này. Việc thưởng thức nó cũng theo nghi thức truyền thống xa xưa. Bát đầu tiên được đặt lên bàn thờ. Bát thứ hai để cúng ông Táo. Đến bát thứ ba, mọi người mới bắt đầu ăn.

Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết của người Trung Quốc còn tập hơn các món ăn có ý nghĩa khác nhau, chứa đựng nhiều may mắn, vạn sự như ý. Ví dụ, chè trôi nước tượng trưng cho ước nguyện gia đình sum vầy, món cá sẽ mang đến tiền tài dư thừa, bánh tổ với ý nghĩa thăng tiến trong công việc, chả giò đem lại sự giàu có...

Singapore

Gỏi Yusheng không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết ở Singapore. Món ăn được làm từ cá hồi sống, rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng... Cả gia đình sẽ cùng trộn các nguyên liệu với nước sốt và gia vị khi ăn. Mỗi loại nguyên liệu trong món ăn này đều mang một ý nghĩa độc đáo riêng.

Mon ngon ngay Tet anh 4

Trong tiếng Hoa, cụm từ "Yu Sheng" mang ý nghĩa cuộc sống thịnh vượng. Ảnh: Sethlui.

Người dân quan niệm món ăn được thêm cà rốt để cầu phát đạt, thêm dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và thêm dầu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài. Yusheng còn có nghĩa là cá sống. Trong tiếng Hoa, nó cũng được hiểu là cuộc sống thịnh vượng.

Mông Cổ

Tết cổ truyền ở Mông Cổ có tên gọi là Tsagaan Sar (Tết Tháng Trắng). Tsagaan Sar nhìn chung giống Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Họ cũng đón Tết trong ba ngày, cũng đi thăm họ hàng, bè bạn và làm các món ăn truyền thống để chiêu đãi khách đến chơi nhà, trong đó không thể thiếu bánh Buuz.

Mon ngon ngay Tet anh 5

Bánh Buuz là món ăn truyền thống của các gia đình Mông Cổ. Ảnh: Travel Buddies.

Tuy cách làm vỏ bánh không có gì khác so với bánh bao bình thường nhưng nhân bánh lại được làm từ thịt của những con cừu tươi ngon nhất trên thảo nguyên Mông Cổ. Bánh này thường được ăn kèm với sữa chua ngựa lên men tự nhiên, rất bổ dưỡng mỗi dịp Tết đến.

Ngoài bánh Buuz, mâm cỗ ngày Tết Tsagaan Sar nhà nào cũng có thịt cừu luộc cả con. Khi khách đến chơi nhà, họ sẽ xẻo cho khách từng miếng thịt từ con cừu luộc ấy, cộng thêm chục cái Buuz, xung quanh có thêm salad.

Mon ngon ngay Tet anh 6

Ngày Tết ở Mông Cổ thường gồm các món truyền thống như thịt cừu, thịt ngựa, bánh Buuz và bánh Ul Boov. Ảnh: Dbmongolia, Dreammongolia.

Một loại bánh nữa cũng làm từ bột mì, hình tròn, rất to, xếp thành từng tầng từng lớp một là bánh Ul Boov. Bánh có hình dạng tựa như đế giày. Người Mông Cổ tin rằng nhà nào có tháp bánh càng nhiều tầng chứng tỏ nhà ấy càng thịnh vượng, phát đạt.

Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.

> Xem thêm: Tủ sách ẩm thực Tết

10 cocktail bar cho cuộc họp mặt cận Tết ở quận 1

Thưởng thức một ly cocktail ở các quán bar trẻ trung, đa phong cách là lựa chọn lý tưởng để bạn tận hưởng trước thềm Tết Âm lịch.

Cúng Tết ông Công ông Táo

Chuẩn bị mâm cúng tiễn Táo quân về trời vào ngày 23 tháng Chạp là nét văn hóa lâu đời của người Việt.

Hương vị ẩm thực ngày Tết qua những trang sách

Mùi của Tết là hương thơm của tình thân và sự đoàn tụ. Những ngày giáp Tết, ta không quên dành cho riêng mình phút giây thư giãn bên trang sách hay.

Khánh Vân

Bạn có thể quan tâm