Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Món cơm cháy đắt hàng của đôi vợ chồng câm điếc ở TP.HCM

Dù không thể nói chuyện với khách, vợ chồng anh Sơn, chị Thúy vẫn được nhiều người đến ủng hộ bởi sự nhiệt tình, những cử chỉ dễ thương và món ăn ngon miệng.

17h, đúng lúc tan tầm, xe cộ đi lại đông đúc trên con phố nhỏ, vợ chồng anh Sơn, chị Thúy bắt đầu mở hàng. Chiếc xe bán cơm cháy, bánh tráng nướng của cặp vợ chồng câm điếc đậu trên vỉa hè trước số nhà 196, đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

“Giọng nói của bạn thật ấm áp! Tiếc là tôi không thể nghe thấy điều ấy. Và cũng chưa ai biết giọng nói của tôi như thế nào” - dòng chữ viết trước chiếc xe đẩy là thông điệp ấm áp đôi vợ chồng gửi tới thực khách, cũng như cách bộc bạch về hoàn cảnh của mình.

vo chong cam diec anh 1

Hai vợ chồng cùng những người bạn phụ bán chỉ có thể ra dấu để trao đổi với nhau.

"Tôi không thể nghe và nói"

Vừa bắt đầu bán, quán đã có hơn chục khách ngồi chờ. Chủ yếu là học sinh, sinh viên đi học về ghé vào ăn.

Không có tiếng mời chào đon đả, người phụ bán với anh chị - cũng là bạn bè trong hội người câm điếc - nhanh chóng đưa tập giấy nhỏ cùng chiếc bút, ra dấu để khách ghi tên món vào.

Đôi vợ chồng thoăn thoắt múc cơm, dàn cơm, đều tay đảo chiếc chảo gang trên bếp. Cả chủ lẫn người chạy bàn đều không thể trò chuyện. Họ trao đổi với nhau bằng cách ra dấu, khách cần gì đều ghi vào giấy.

Quán đông, mỗi người một việc. Vì không thể nói chuyện trực tiếp, mọi công đoạn phục vụ diễn ra chậm hơn song các vị khách dường như đã quen, ai nấy đều kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

Khoảng hơn 30 phút sau, Ngọc Thảo - con gái thứ 2 của chị Thúy - đã tan học, cũng đến phụ bán. Thảo nhanh tay dọn bàn, rồi vào làm bánh tráng, trứng cút nướng. Vừa nướng bánh, Thảo vừa quan sát khách xem ai gọi gì để phục vụ.

“Em năm nay học lớp 10. Mỗi buổi chiều học xong, em ra đây cùng làm với ba mẹ, đến khoảng 23h đêm. Ba mẹ bán ở đây cũng 5-6 năm nay, dạo trước đẩy xe đứng bên kia đường, cách chỗ này mấy căn nhà. Nhưng sau đông quá, nhà em mướn được chỗ này để bán, khách cũng tới nhiều hơn hơn”, Thảo kể với Zing.

Cả ngày đi học, tối về phụ bán hàng, Thảo phải tranh thủ học và làm bài tập về nhà khi đã nửa đêm, sau khi dọn hàng và về nhà tắm rửa. “Cũng vất vả, khó khăn nhưng em cố gắng được. Em hiểu hoàn cảnh gia đình mình, miễn là giúp đỡ được chút gì đó, em đã thấy vui”.

Thời gian gần đây đông khách hơn nên xe hàng mới có thêm 2 người phụ bán. Trước đây chỉ có cha mẹ và con làm với nhau. Những lúc Thảo chưa đi học về, hay có việc không thể ra giúp, ba mẹ em khá vất vả khi vừa làm, vừa chạy qua chạy lại phục vụ. Tuy nhiên, dù mệt thế nào, đôi vợ chồng vẫn giữ thái độ vui vẻ, hòa nhã.

Trước khi cưới anh Sơn, chị Thúy từng trải qua một đời chồng và có 2 người con riêng. Thảo và một người con lớn của chị được bà ngoại nuôi từ nhỏ, hiện tại sống với bà.

Đôi vợ chồng có 2 người con chung, đang ở cùng ba mẹ tại căn phòng trọ trong con hẻm trên đường Vạn Kiếp.

Ngày trước, công việc của đôi vợ chồng không ổn định. Một phần vì không thể nói chuyện, giao tiếp, anh chị chỉ chờ ai thuê gì làm nấy. Có khi anh đi làm phụ hồ, lúc phụ bán hàng quán cho người ta.

Đến khi anh Sơn học được nghề làm bánh tráng, đồ ăn vặt, hai người dựa vào chiếc xe đẩy, bán hàng mưu sinh. Mới đây, anh bán thêm món cơm cháy kho quẹt, khách đến ngày càng đông.

vo chong cam diec anh 3

Trên khoảng vỉa hè nhỏ, khách ngồi kín chỗ.

Nốt lặng

Anh Thịnh, làm việc ở quán cơm đối diện bên kia đường, cho biết đã bán hàng ở đây 4 năm, quen với đôi vợ chồng nhiều năm qua.

“Hai anh chị ấy hiền lành, chăm chỉ và hòa đồng nên mọi người thương và quý mến lắm. Thấy quán họ đông, chúng tôi đều mừng. Bình thường, khi thấy anh chị cần gì, mọi người cũng giúp đỡ nhiệt tình”.

Gần 20h, khách đến đông, 6-7 chiếc bàn nhựa kê trên khoảng vỉa hè nhỏ đã kín khách. Nhiều người dựng xe gọn sát vỉa hè, kiên nhẫn đợi mua mang về vì hết chỗ.

Thảo cho biết, đây là khoảng thời gian khách đông nhất. Nhiều hôm, làm việc không có lúc ngơi tay. Thường đến 22h đã hết cơm, chỉ còn bánh tráng.

Từ khi câu chuyện về chiếc xe cơm cháy của vợ chồng anh Sơn - chị Thúy được chia sẻ trên diễn đàn, nhiều người đã tìm đến để ủng hộ.

Thanh Nga (sinh viên) chia sẻ với Zing cô đọc được bài đăng trên mạng và đây là lần đầu tiên đến ăn thử.

“Không khí ở đây khiến mình cảm giác như rơi vào một nốt lặng, dù xung quanh xe cộ ồn ào nhưng ngồi ở đây lại đỡ cảm giác xô bồ. Có bàn phải chờ mấy chục phút mới có đồ ăn nhưng không ai kêu ca, có thể xí xóa hết những bực bội nhỏ nhặt”.

Nga gọi món cơm cháy kho quẹt, ăn kèm rau luộc. “Cơm cháy mỏng, giòn, kho quẹt đậm đà, vừa miệng. Mình thấy rất hài lòng với đồ ăn ở đây”.

Nga thấy vui vì những sự quan tâm nho nhỏ như được cho chiếc khăn ướt miễn phí - thứ thường bị tính phí vài ngàn đồng ở những quán ăn khác. Hay khi chủ quán giơ ngón tay cái như một lời cảm ơn lúc khách rời đi.

Cô Ngân (quận Bình Thạnh) từng nhiều lần ghé ăn ở đây, lần này cô đi cùng con gái. Cô nói ăn ở đây vì món ăn ngon, phần nữa cũng bởi muốn ủng hộ tinh thần cho đôi vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt.

"Nhìn hai vợ chồng chăm chỉ làm việc, tôi thấy thương và khâm phục nữa. Dù không biết tưởng tận câu chuyện của họ, tôi vẫn hy vọng mọi người ủng hộ, san sẻ với nhau trong đời này".

Cháu trai chụp ảnh cho người chú mắc chứng tâm thần

Vô tình nghe ông Hưng nói muốn chụp một bộ ảnh, Nguyễn Sơn và bạn bè đã lên ý tưởng và giúp chú mình thực hiện mong ước đó.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm