Hai năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng phân bổ lại nguồn tiền dành cho các nhu cầu thiết yếu sang chi tiêu tùy thích đối với các sản phẩm giải trí và định hình phong cách sống. Mong muốn về nhà ở khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi và có tài sản để dành đang ngày càng phổ biến.
Theo khảo sát "Người tiêu dùng Việt Nam: Phục hồi, tái cân bằng và đổi mới” năm 2022 của Deloitte thực hiện trên 1.000 hộ gia đình, 15% số người được hỏi có ý định tăng mức chi tiêu cho các sản phẩm định hình phong cách sống, 67% chia sẻ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng tốt hoặc cao cấp hơn.
MISA AMIS đưa ra 7 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng gồm kinh tế, nhu cầu, marketing hỗn hợp (sản phẩm, giá cả, nơi phân phối, khuyến mãi), cá nhân (giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, lối sống, địa vị xã hội,…), tâm lý, xã hội, văn hóa.
Zing chia sẻ câu chuyện của 5 gia đình về khoảng thời gian họ ấp ủ để lựa chọn và quyết định sắm món đồ ưng ý.
Máy rửa bát (20 triệu đồng) - cân nhắc 4 năm
Nguyễn Thư (Hà Tĩnh)
Năm 2018 khi cả gia đình còn ở trọ, tôi đã luôn mơ về mái nhà khang trang, căn bếp đủ đầy thiết bị thông minh, đặc biệt là chiếc máy rửa bát. Tháng 7/2022, xây được nhà riêng, kinh tế ổn định, mong muốn đó cũng thành hiện thực.
Sau khi tham khảo một số hãng, cuối cùng, vợ chồng tôi chọn chiếc máy rửa bát phù hợp nhất với nhu cầu và tài chính của gia đình.
Trên thị trường, có 3 loại máy rửa bát chính: máy bán âm tủ, âm tủ và độc lập. Mỗi dòng sẽ có nhiều phân khúc giá khác nhau, rẻ thường trong khoảng 6-10 triệu đồng, cao cấp hơn thường dao động 15-40 triệu đồng.
Do diện tích bếp hẹp, chú trọng yếu tố hài hòa không gian nấu nướng, tôi chọn chiếc máy rửa bát âm tủ giá 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, gia đình tôi ít khi sử dụng đến nó. Thường ngày, hai vợ chồng đều đi làm, hai con nhỏ đi học nên cả nhà chỉ cùng nhau ăn cơm tối, bát đũa không quá nhiều nên tôi tiện tay rửa luôn.
Những hôm nhà có khách, tôi mới thấy máy rửa bát là “vị cứu tinh” vì giúp tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, bao gồm xếp bát đũa, nồi niêu đã qua sử dụng ngay ngắn, khởi động máy rồi nhấn nút, hôm sau sẽ có đồ sạch sẽ để sử dụng.
Dẫu vậy, sau một thời gian sử dụng, gia đình tôi muốn nâng cấp lên đời máy mới hơn vì mỗi khi tay ướt, tôi luôn khó điều chỉnh nút cảm ứng.
Mỗi lần sắm được món đồ gia dụng thông minh, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc. Điều đó không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian, sức lực, đó còn là thành quả từ sự nỗ lực của hai vợ chồng.
Ôtô (900 triệu đồng) - 3 tháng
Hồng Thúy (Vĩnh Phúc)
Sau khi kết hôn 3 năm, vợ chồng tôi sở hữu ôtô mua bằng tiền tích lũy của cả hai. Thời điểm đó, chiếc xe có giá khoảng hơn 900 triệu đồng.
Khoảng thời gian con gái bị ốm, phải liên tục gọi taxi để di chuyển qua lại giữa nhà và bệnh viện, vợ chồng tôi cảm thấy rất vất vả và bất tiện.
Hơn nữa, chúng tôi thường phải di chuyển lo liệu công việc dưới quê, quãng đường lại khoảng 35 km.
Hai vợ chồng quyết định mua xe để thuận tiện cho việc đi lại đồng thời có thể về thăm bố mẹ thường xuyên hơn.
Chiếc ôtô còn hỗ trợ rất nhiều cho công việc của chúng tôi, từ đi làm hay gặp đối tác. Đây cũng là phương tiện hữu ích để đưa con đi học và đi chơi.
Vợ chồng tôi cân nhắc mua xe sau 3 tháng. Trước đó, chúng tôi có ý định đổi phương tiện lại đúng dịp có nhiều ưu đãi kèm theo.
Với món đồ có giá trị cao như vậy, 3 tháng không phải là quãng thời gian cân nhắc quá dài. Tuy nhiên, xét về mức độ thuận tiện, chúng tôi quyết định "tậu" xe sớm.
Đối với việc sắm sửa vật dụng trong nhà, vợ chồng tôi ưu tiên tích lũy kinh tế để có thể sở hữu những món đồ ưng ý. Chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước, lựa chọn mẫu mã mình thích và tích góp số tiền vừa đủ để mua.
Trước khi mua ôtô, vợ chồng tôi cũng đã tính đến các chi phí hàng tháng như nhiên liệu, bảo trì, sửa chữa tốn kém. Trước đó, chúng tôi đã sắp xếp lại chi tiêu trong tháng, để riêng một khoản bảo dưỡng.
Dù tốn kém, gia đình tôi vẫn sẵn sàng đầu tư vì sự thuận tiện trong công việc cũng như đời sống hàng ngày.
Tủ quần áo (30 triệu đồng) - 1 tháng
Nguyễn Thảo (Đà Lạt)
Vợ chồng tôi có sở thích sưu tầm và tự trang trí nội thất cho nhà riêng. Khi bắt đầu xây nhà, chúng tôi cũng lên kế hoạch tự đo đạc, nghiên cứu bài trí đồ vật và thuê thiết kế hoàn thiện.
Đa số đồ đạc trong nhà chúng tôi không cân nhắc quá lâu trước khi mua. Hai vợ chồng thường hướng đến vật dụng phù hợp với kinh tế gia đình.
Món đồ mà cả hai cân nhắc kỹ nhất trước khi quyết định đưa về nhà là chiếc tủ quần áo 30 triệu đồng.
Chúng tôi mất một tháng để lên ý tưởng, lựa chọn giữa nhiều mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng để phù hợp nhất với căn phòng ngủ và phải đáp ứng nhu cầu của hai vợ chồng. Do mùa mưa ở Đà Lạt thường rất ẩm thấp, hai đứa cũng phải cân nhắc đến chất liệu chống ẩm, mốc tốt.
Cuối cùng, tôi chọn được mẫu tủ ưng ý nhất với loại gỗ được nhập khẩu từ nước ngoài. Loại này cầu kỳ hơn bình thường khi thêm công đoạn dán phủ các bề mặt để tạo liên kết bền vững trong môi trường ẩm ướt.
Công dụng chính vẫn là đựng quần áo với 6 cánh tủ. Hai vợ chồng quyết định làm tủ sát các góc tường và trần nhà. Tôi có thể tận dụng các ngăn trên cùng để đựng chăn ga, gối và đồ đạc khác.
Ngoài ra, tôi tính toán lắp đèn LED trong ngăn rỗng, tận dụng nguồn sáng để đặt túi xách, một vài lọ hoa nhỏ hay những cuốn tạp chí thời trang. Điều này tạo nên sự khác biệt, làm nổi bật căn phòng.
Chiếc tủ này đem lại sự hài lòng cho hai vợ chồng vì vừa tiện lợi, vừa đáp ứng được mong muốn có nơi để thỏa mãn niềm đam mê thời trang của tôi.
Yêu thích đồ nội thất nhưng vợ chồng tôi không dành riêng khoản tiền nhất định cho việc này. Khi cần mua món đồ nào, chúng tôi sẽ cân nhắc tiêu chí đẹp, hữu ích, giá cả hợp lý và giúp cải thiện sự mới mẻ cho không gian sống.
Tủ lạnh (27 triệu đồng) - 1 tháng
Tú Uyên, Hoàng Huy (TP.HCM)
Kết hôn từ 2021, sau 2 năm chung sống, chúng tôi đã “tậu” được căn chung cư 65 m2 có giá 5 tỷ đồng ở quận 2. Quan niệm đầu tư cho căn bếp chính là cách vun vén hạnh phúc gia đình, hai đứa quyết bỏ ra gần 200 triệu đồng để sắm sửa cho gian bếp.
Tủ lạnh là món đồ khiến tôi tâm đắc nhất trong phòng bếp vì đó là thành quả sau những ngày làm việc chăm chỉ của cả hai.
Sau hơn một tháng khảo sát các siêu thị điện máy, tìm hiểu review trên mạng, vợ chồng tôi chốt "rinh" chiếc tủ lạnh với thiết kế 4 cánh, có giá 27 triệu đồng.
Do công việc của cả hai đều bận rộn, cứ cách 2 tuần, tôi thường đặt gần 10 kg rau củ quả sạch từ Đà Lạt về TP.HCM. Đối với đồ ăn tươi sống, vợ chồng tôi chọn đi siêu thị mua số lượng vừa đủ cho cả tuần.
Ngoài ra, với ưu điểm có nhiều ngăn/hộp đựng khác nhau, tôi có thể dễ dàng phân loại, tích trữ thực phẩm theo từng mục đích sử dụng. Đối với ngăn đông, tôi thường tích trữ thực phẩm tươi sống, trong khi các ngăn mát thường là nơi thích hợp để rau, củ quả, nước ngọt,...
Ngoài công dụng tích trữ đồ ăn, chiếc tủ lạnh còn là điểm nhấn cho căn bếp về mặt thẩm mỹ.
Gia đình tôi thường ưu tiên sắm những thiết bị công nghệ có giá trị cao, phần vì sẽ đáp ứng tốt mục tiêu sử dụng, lại đem đến nhiều tính năng tiện ích, độ bền cao rất phù hợp với gia đình chưa có con.
Nhiều người thường cho rằng vợ chồng trẻ không nên sắm tủ lạnh với dung tích lớn, giá thành đắt đỏ, nhưng đối với tôi gian bếp thông minh không chỉ tối ưu hóa thời gian, giảm mệt nhọc cho người nấu, mà còn là động lực để hai đứa thường xuyên vào bếp nấu nướng.
Bộ bàn ghế gỗ (20 triệu đồng) - 2 tuần
Minh Hiền (Hà Nội)
Vợ chồng tôi quyết định sắm bộ bàn ghế gỗ nguyên khối trong căn bếp gia đình với giá khoảng 20 triệu đồng sau 2 tuần cân nhắc. Đó là khoảng vài tháng sau khi chúng tôi kết hôn vào năm 2020.
Chồng là kiến trúc sư nên tôi hoàn toàn tin tưởng trong quyết định mua sắm, xây dựng nội thất phù hợp với tổ ấm của cả hai.
Khi sắm sửa vật dụng, vợ chồng tôi ưu tiên mua những món đồ cần thiết nên thường quyết định khá nhanh. Khoảng thời gian cân nhắc phụ thuộc vào giá trị của món đồ. Là vật dụng có giá trị nhất trong nhà, bộ bàn ghế được mua sau 2 tuần bàn bạc cũng là khoảng thời gian dài nhất với chúng tôi.
Mặc dù trên thị trường có nhiều bộ bàn ghế giá cả phù hợp cho cặp đôi mới cưới, chúng tôi vẫn muốn đầu tư vào sản phẩm có chất lượng tốt và độ bền cao hơn.
Hai đứa sống cùng gia đình chồng nên lựa chọn kiểu dáng bàn dài cũng vừa vặn đủ chỗ cho mọi thành viên trong gia đình với suy nghĩ muốn tạo không gian để cả nhà sum họp và trò chuyện cùng nhau.
Căn nhà của gia đình tôi cũng được thiết kế xen lẫn nét hiện đại và tính truyền thống. Đa số nội thất trong nhà từ cầu thang đến tủ bếp đều sử dụng đồ gỗ. Bộ bàn ghế giúp ngôi nhà có cấu trúc tổng thể hoàn hảo hơn.
Đầu tư nội thất tô điểm cho gian bếp giúp bữa cơm gia đình càng trở nên ấm cúng. Mỗi khi chứng kiến cả nhà quây quần, tôi luôn cảm nhận được hạnh phúc và càng chắc chắn việc đầu tư cho bộ bàn ghế là xứng đáng.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.