Trong cuốn sách Lao động kỹ thuật lớp 4 (NXB Giáo dục ấn hành năm 1995), học sinh được dạy biến vỏ bao thuốc lá vứt đi thành chiếc ôtô xinh xắn. |
Bộ sách Lao động Kỹ thuật Tiểu học là cả "xưởng" đồ chơi. Từ những món bằng giấy như máy bay, tên lửa, pháo giấy, ếch giấy đến đồ chơi tự chế trong bộ lắp ráp mô hình kỹ thuật. Ảnh: Sách Lao động Kỹ thuật lớp 3, NXB Giáo dục ấn hành năm 2003. |
Nhiều trang sách cũ mô tả các trò chơi thể chất như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm.... Trẻ em có những khoảng sân rộng thênh thang để tha hồ vận động. Ảnh: Sách Lao động Kỹ thuật 1, NXB Giáo dục ấn hành năm 1993. |
Truyện đọc là môn học khiến học sinh hào hứng không kém Lao động Kỹ thuật. Nào là Ông Yết Kiêu, Trâu đoàn kết giết hổ, Dê con nghe lời mẹ..., những câu chuyện đã khắc sâu vào ký ức tuổi thơ của cả một thế hệ. Ảnh: Sách Truyện đọc lớp 1, NXB Giáo dục ấn hành năm 2000. |
Âm nhạc cũng là môn học để lại nhiều ấn tượng. Các bài hát được học lúc còn thơ bé như Bắc kim thang, Năm ngón tay ngoan, Đàn gà con... là món quà mang theo đến khi lớn khôn. Ảnh: Sách Hát nhạc lớp 2, NXB Giáo dục ấn hành năm 2001. |
Lần tìm lại những trang sách cũ, một 9X vừa bước qua tuổi 25 đã thốt lên: "Trẻ con ngày xưa có biết bao trò vui giản dị mà ý nghĩa, trong khi trẻ con bây giờ chỉ cắm cúi vào chiếc smartphone". |
Xã hội phát triển không ngừng khiến thế hệ sau luôn có cuộc sống đủ đầy hơn thế hệ trước. Như cha mẹ vẫn hay nói khi ta còn bé: "Tuổi thơ của bố mẹ chìm trong đói khổ, lo chạy bom, chạy giặc, chứ không no đủ như các con bây giờ". |
Nhưng có những thứ trẻ con bây giờ còn thua kém ngày xưa. Chúng thiếu khoảng sân rộng để đá bóng, thiếu những đồng cỏ để thả diều... Lối sống đô thị tạo ra những đứa trẻ sẵn sàng ngồi hàng giờ trong căn phòng chật chội, đắm mình vào chiếc smartphone và món đồ chơi đắt tiền. Chúng không có sự thiếu thốn cần thiết để biết mày mò tìm kiếm trò vui giản dị. |