Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mong đợi Bộ trưởng GD&ĐT có tầm nhìn dài hạn, khát vọng lớn'

TS Giáp Văn Dương cho rằng nếu không có tầm nhìn dài hạn, bộ trưởng sẽ rất khó để làm giáo dục đúng. Nếu không có khát vọng đủ lớn, giáo dục sẽ chỉ quẩn quanh.

Ngày 8/4, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng GD&ĐT, thay ông Phùng Xuân Nhạ.

Trao đổi với Zing, TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Times School, kỳ vọng tân bộ trưởng có cả tài năng, đạo đức, kỹ năng lãnh đạo, quản trị cần thiết để quản lý, điều hành ngành giáo dục, đặc biệt ở những vấn đề mà ông cũng như dư luận quan tâm thời gian qua như sách giáo khoa, học online, lương giáo viên.

mong doi Bo truong GD&DT co tai duc anh 1

TS Giáp Văn Dương chia sẻ về những trăn trở của ông với giáo dục và kỳ vọng đối với tân Bộ trưởng GD&ĐT. Ảnh: G.V.D.

Giáo dục vẫn loay hoay trong các câu chuyện từ 30 năm về trước

- Giáo dục là lĩnh vực không dễ. Đổi mới giáo dục trong thời gian qua nhận nhiều ý kiến phản biện. Ông kỳ vọng tân Bộ trưởng GD&ĐT sẽ có được những phẩm chất gì để đổi mới giáo dục thành công?

- Đúng là làm giáo dục không dễ, nhưng cũng không quá khó, nếu thực sự am hiểu và thực tâm làm giáo dục. Ở đó, nâng đỡ và phát triển con người là trái tim của giáo dục, là sứ mệnh của người thầy và của nhà trường. Tất cả hoạt động của giáo dục đều phải xoay quanh sứ mệnh này.

Nâng đỡ và phát triển con người là trái tim của giáo dục, là sứ mệnh của người thầy và của nhà trường. Tất cả hoạt động của giáo dục đều phải xoay quanh sứ mệnh này.

TS Giáp Văn Dương

Rồi từ đó, chúng ta mới lựa chọn và xây dựng triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, phương pháp giáo dục, thiết kế hệ thống, tổ chức thực hiện…

Để làm được những việc này, với tư cách người đứng đầu, bộ trưởng tất nhiên được kỳ vọng phải có cả tài năng, đạo đức, kỹ năng lãnh đạo, quản trị cần thiết để quản lý và điều hành ngành giáo dục.

Nhưng trên hết, tôi mong đợi một bộ trưởng có sự minh triết, thảnh thơi, an định nhất định ở trong tâm thế, nhận thức, sự quyết đoán, quyết liệt trong hành động, sự liêm chính trong lối sống, quản lý điều hành.

Tôi mong bộ trưởng có thể chạm được vào hồn cốt của giáo dục, chạm được đến "Đạo" của nghề dạy học, để từ đó, thổi hồn cho giáo dục, trong sự hội nhập với thời đại, với tầm nhìn đủ dài, khát vọng đủ lớn.

Tác động của những gì ngành giáo dục làm hôm nay phải 20-30 năm sau mới được chứng thực và phát huy hiệu quả. Nếu không có tầm nhìn đủ dài, bộ trưởng sẽ rất khó để làm giáo dục đúng. Còn nếu không có khát vọng đủ lớn, giáo dục sẽ chỉ quẩn quanh với những bài toán nhỏ và vấn đề cũ, rất dễ sa vào, đánh mất chính mình, trở thành một vấn đề của xã hội.

Giáo dục cần kiến tạo tương lai, dẫn dắt xã hội, chứ không phải là vấn đề của xã hội, như chúng ta đã và đang thấy.

Tôi mong đợi, kỳ vọng tân bộ trưởng và ngành giáo dục sẽ sớm làm được việc này để giáo dục trở thành động lực cho đất nước cất cánh.

- Bên trên, ông có nói giáo dục cần kiến tạo tương lai, dẫn dắt xã hội chứ không phải vấn đề của xã hội. Vậy với ông, khi nghĩ đến nền giáo dục nước ta, ông trăn trở điều gì nhất?

- Điều tôi trăn trở nhất là giáo dục đang tụt hậu so với trình độ phát triển chung của xã hội, tụt hậu so với chức năng, sứ mệnh của chính giáo dục.

Cụ thể, Việt Nam đang bước vào cuộc chơi toàn cầu mới, thời đại hoàn toàn mới do cách mạng 4.0 mang lại. Đây là lần đầu tiên chúng ta tham dự cuộc chuyển đổi lớn như thế, ngay từ những ngày đầu tiên. Còn những lần trước, chúng ta chỉ đứng ngoài lề.

Cơ hội trong cuộc chuyển đổi này rất nhiều. Thách thức cũng không nhỏ. Nhưng dường như, giáo dục vẫn loay hoay trong các câu chuyện cũ, các câu chuyện từ 30 năm về trước. Giáo dục chưa phóng tầm mắt đến tương lai, 20-30 năm sau khi những học sinh nhập học lớp 1 năm nay thực sự bước vào đời. Vì thế, nhịp sống thời đại, ý chí thời đại rất mờ nhạt trong giáo dục.

Đó là so với bên ngoài. Còn bên trong, giáo dục cũng tụt hậu so với yêu cầu của chính mình. Triết lý giáo dục, các giá trị cốt lõi hay một tuyên bố rõ ràng, mạch lạc, đủ sức thuyết phục đại chúng, về con người và những giá trị sống mà hệ thống giáo dục hướng tới đến nay vẫn chưa thống nhất được.

Vì thế, giáo dục nhiều lúc rơi vào tình trạng hoang mang, bối rối. Nhà quản lý bị cuốn theo xu hướng truyền thông của xã hội. Người dạy không biết dạy để làm gì, người học không biết học để làm gì nên sa vào cái bẫy dạy để thi, học để thi.

Giáo dục thực tế rộng hơn chuyện thi cử rất nhiều. Giáo dục là nâng đỡ và phát triển con người. Nhưng nâng đỡ và phát triển con người trong thời đại mới như thế nào thì giáo dục còn chưa chạm đến vì còn đang mắc kẹt trong các vấn đề cũ.

mong doi Bo truong GD&DT co tai duc anh 2

Tân Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận được nhiều kỳ vọng từ các nhà làm giáo dục, giáo viên. Ảnh: VNU.

Những mong mỏi với tân bộ trưởng

- Nhưng thực tế là giáo dục vẫn có những vấn đề tồn tại nhiều năm nhưng chưa giải quyết được hoặc chưa thể giải quyết triệt để. Trong đó, câu chuyện chương trình, sách giáo khoa mới còn khiến dư luận bức xúc. Ông kỳ vọng trong nhiệm kỳ sắp tới, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ giải quyết được vấn đề này không?

- Chương trình và sách giáo khoa, tôi cho rằng cơ bản đã tìm được hướng đi và khởi động xong. Giờ chỉ còn là khâu thực thi sao cho tốt. Cụ thể, chính sách một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa hoàn toàn đúng. Nhưng triển khai việc làm sách giáo khoa thế nào cho tốt, công bằng, mang lại lợi ích lớn nhất cho người học, xã hội vẫn còn điểm này điểm kia chưa tốt.

Điển hình là việc “hợp nhất” hai bộ sách giáo khoa vừa rồi. Theo tôi, đây là sự cố đáng tiếc. Lẽ ra, Bộ GD&ĐT có thể quản lý tốt hơn việc này, cho phép nhiều NXB hơn tham gia việc làm sách giáo khoa. Như thế sẽ tránh được tình trạng bỏ “gần hết trứng” vào một giỏ, rất rủi ro.

Tuy nhiên, với những gì đã được triển khai với hạng mục chương trình và sách giáo khoa, tôi tin nhiệm kỳ này ngành giáo dục sẽ hoàn thành. Về chất lượng sách giáo khoa, tôi cũng tin sẽ tốt hơn trước đây. Vấn đề còn lại chỉ là quản lý công việc sát sao để đảm bảo tiến độ và chất lượng.

- Ngoài sách giáo khoa, vấn đề học online cũng nhận được sự quan tâm lớn. Ông từng đánh giá ở nước ta, phương pháp dạy học này vẫn còn hạn chế. Như vậy, ông mong đợi Bộ trưởng GD&ĐT sẽ thay đổi điều gì liên quan học online?

- Học trực tuyến là thách thức với cả những nước khác, đặc biệt ở bậc phổ thông. Học trực tuyến cũng không thể thay thế cho học trực tiếp với thầy cô. Nhưng nếu biết cách sử dụng học trực tuyến hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số tốt trong giáo dục, học trực tuyến sẽ thúc đẩy để tạo ra một cuộc cách mạng trong giáo dục.

Giáo dục cần kiến tạo tương lai và dẫn dắt xã hội, chứ không phải là một vấn đề của xã hội, như chúng ta đã và đang thấy.

TS Giáp Văn Dương

Vì lẽ đó, từ góc độ làm chính sách, tôi mong Bộ GD&ĐT thừa nhận học trực tuyến như một hình thức học tập chính thức, chiếm tỷ trọng cụ thể trong khối lượng giáo dục chính quy của nhà trường.

Tùy theo bậc học và ngành nghề, tỷ trọng này thay đổi khác nhau. Nhưng trước hết, học trực tuyến cần được thừa nhận.

Ngoài ra, tôi cũng mong Bộ GD&ĐT thừa nhận hình thức học tập tại gia (home-schooling) và ban hành các hướng dẫn cụ thể cho các bậc phụ huynh có nhu cầu thực hiện. Khi hình thức học tập này được thừa nhận, học trực tuyến sẽ có cơ hội phát triển.

- Giáo dục muốn phát triển cần đến đội ngũ nhà giáo mạnh nhưng điều này có vẻ khó khi lương giáo viên, xếp hạng giáo viên vẫn là mối bận tâm lớn. Theo ông, tân Bộ trưởng GD&ĐT nên làm gì để có thể thu hút nhân tài cho ngành sư phạm và để giáo viên yên tâm dạy học?

- Thu hút nhân tài vào ngành sư phạm rất dễ vì dân ta vốn yêu nghề dạy học, xã hội ta vốn trọng nghề giáo. Chỉ cần có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên, cơ hội việc làm, thu nhập đủ tốt, nhân tài sẽ tự đến với ngành sư phạm.

Trong hai việc này, miễn giảm học phí cho các trường sư phạm dễ. Nhưng đảm bảo thu nhập đủ tốt cho nhà giáo khó hơn rất nhiều.

Với khối giáo dục tư thục, mức lương được quyết định bởi thị trường lao động. Nếu có mức thu nhập tốt, nhân tài sẽ về trường. Còn với khối trường công, việc này khó hơn vì lương được quyết định bởi các quy định của Nhà nước. Mà các quy định này thường trễ hơn so với nhịp đập của thị trường lao động.

Vậy giải pháp là gì? Nói cách khác, tiền đâu để tăng lương cho khối giáo viên trường công? Chẳng còn cách nào khác, nước ta phải tăng ngân sách và cắt giảm chi phí. Muốn tăng ngân sách, kinh tế phải phát triển. Còn muốn cắt giảm chi phí, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả. Cả hai vấn đề này đều vượt quá chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục.

Trong tình thế lưỡng nan đó, bộ có một khe sáng nhỏ. Đó là huy động xã hội tham gia cùng làm giáo dục. Tức là khi bị giới hạn trong các công cụ chính sách, chúng ta sử dụng các công cụ thị trường để giải bài toán về lương cho giáo viên. Muốn vậy, chúng ta cần hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho trường tư phát triển và trường công tự chủ.

Việc tự chủ này phải hiểu đúng là tự chủ toàn bộ, để các trường có sức mạnh cạnh tranh, chứ không phải chỉ tự chủ tài chính, còn nhân sự, chương trình, hành chính giáo dục… vẫn bị kiểm soát như cũ. Làm như thế chỉ là tìm cách đẩy gánh nặng tài chính cho phụ huynh và xã hội, dở giăng dở đèn, rất khó thành việc.

Vấn đề thu nhập của giáo viên khó là thế nhưng không thể không xử lý. Vì một trong những điểm mấu chốt của việc nâng cao chất lượng và sự liêm chính trong giáo dục là phải làm sao để nhà giáo sống được bằng lương. Nếu giáo không sống được bằng lương, chúng ta rất khó kỳ vọng về thành công của nâng cao chất lượng, cải cách giáo dục.

TS Giáp Văn Dương từng là tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật của ĐH Công nghệ Vienna (Áo), làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore.

Harvard Yenching Institute có thuộc ĐH Harvard?

TS Trần Vinh Dự, người từng theo học và tốt nghiệp ĐH Texas ở Austin (Mỹ), giải thích khái niệm học giả Harvard Yenching Institute và nó có liên quan gì Trung Quốc không.

Nguyễn Sương thực hiện

Bạn có thể quan tâm