Cuối tháng 7, dư luận Trung Quốc dậy sóng trước câu chuyện doanh nhân ở Trùng Khánh dọa ly dị vợ vì sinh con gái. Người đàn ông họ Rao viết trong bài đăng trên WeChat rằng anh ta thất vọng tột độ, có lẽ "phạm tội lớn ở quá khứ" nên mới xui xẻo thế này.
Trước làn sóng chỉ trích, Rao biện minh rằng đã xích mích với vợ từ trước khi có con. Từ lâu, anh đã mơ ước có con trai, và khi viết bài mới bị lừa số tiền lớn nên nóng nảy và viết ra những lời như vậy, Jimu News đưa tin.
Câu chuyện nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên mạng, trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi tại các diễn đàn. Nhiều người thất vọng khi tâm lý "trọng nam khinh nữ" vẫn còn phổ biến và nặng nề, bất chấp chênh lệch giới khiến ngày càng có nhiều "đàn ông dư thừa".
Nhiều gia đình ở Trung Quốc vẫn mang nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ", phân biệt đối xử với con gái. |
Theo số liệu được công bố hồi tháng 2, tỷ lệ giới tính của Trung Quốc đang là 723 triệu đàn ông so với 689 triệu phụ nữ. Số nam giới trong độ tuổi kết hôn cũng nhiều hơn nữ tới 20 triệu người.
Thực tế này là hậu quả của chính sách một con kéo dài gần 4 thập kỷ. Đến cuối năm 2015, chính sách này được gỡ bỏ, nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số và chênh lệch giới tính nghiêm trọng.
Thế nhưng, bất chấp sự chênh lệch giới khiến nhiều đàn ông có nguy cơ không thể cưới vợ, phụ nữ ở Trung Quốc vẫn chịu cảnh bị phân biệt đối xử, bạo hành từ trong gia đình, đến nơi làm và ra ngoài xã hội. Nhiều gia đình mang nặng tư tưởng truyền thống, muốn có con trai để "nối dõi tông đường" và khinh thường con gái.
Phụ nữ chịu cảnh bạo hành
Tang Ping (31 tuổi), bà mẹ hai con sống tại Nam Ninh, nhớ lại cảnh bị chồng đánh đập thường xuyên vào năm 2014, khi đứa con đầu lòng mới tròn 6 tháng tuổi. Cảm thấy tổn thương, nhưng Tang đồng thời xấu hổ, nghĩ rằng mình là người vợ không đủ tốt. Cô không biết mình phải làm gì.
Cách đây 5 năm, sau một đợt bạo hành khác, cô quyết định lấy hết can đảm để báo cảnh sát. "Nhưng họ nói rằng vết thương của tôi không đủ nghiêm trọng, họ không thể can thiệp", cô kể với The Guardian.
Luật chống bạo lực gia đình của Trung Quốc có từ năm 2016. Tuy nhiên, ngay cả khi luật này có hiệu lực, bạo lực gia đình vẫn bị nhiều người coi là điều cấm kỵ. Giống như Tang, một số nạn nhân ban đầu sẽ coi bạo lực đối với phụ nữ là một phần của cuộc sống gia đình.
Tang Ping bị chồng bạo hành, nhưng cảnh sát nói vết thương của cô chưa đủ nặng để họ có thể can thiệp. |
Nhưng Tang không thể tiếp tục chịu đựng bạo lực ám ảnh trong im lặng. Cô đã khởi kiện để chấm dứt cuộc hôn nhân này.
"Hãy nhìn vào những vụ phụ nữ bị bạo hành bị phơi bày trên truyền thông. Đây là một đại dịch khác", Tang nói, đề cập đến vụ nhóm 4 cô gái bị bọn xã hội đen tấn công ở quán ăn tại Đường Sơn hồi tháng 6.
Lu Pin, nhà nữ quyền gốc Trung Quốc tại New York (Mỹ) nói rằng: "Mọi người tức giận về những gì xảy ra ở Đường Sơn và thông cảm với các nạn nhân của bạo lực gia đình, nhưng để thay đổi cơ bản tình hình, chúng ta nên giải quyết vấn đề mang tính hệ thống ở Trung Quốc.
Tang cho biết sau khi cô tiết lộ giới tính và công khai câu chuyện của mình trên mạng, một số người cho rằng chính cô khơi mào khiến chồng tức giận ngay từ đầu.
Dù nhận không ít lời chửi bới vì đưa chuyện bạo hành gia đình phơi bày trước công chúng, Tang chỉ tập trung vào việc làm sao để cắt đứt quan hệ với chồng. Cô cũng muốn nhắc nhở những phụ nữ khác rằng bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến cả thế hệ.
Trung Quốc là đất nước vẫn còn mang nặng tư tưởng Nho giáo, việc phụ nữ bị chồng đánh đập không được khuyến khích báo cáo và cho rằng "vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau".
Theo Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, khoảng 1/4 phụ nữ ở nước này được cho từng bị bạo hành gia đình. Cứ 7,4 giây lại có thêm một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực.
Mỗi năm, có khoảng 157.000 phụ nữ Trung Quốc tự tử. Trong đó, có khoảng 60% vụ liên quan đến bạo lực gia đình, theo số liệu nghiên cứu của Liên đoàn Phụ nữ vào năm 2016.
Bị phân biệt đối xử nơi làm việc
Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực ủng hộ sinh đẻ để giải quyết cơn khủng hoảng già hóa dân số, nhất là thông qua chính sách 3 con.
Tuy nhiên, thay vì khuyến khích phụ nữ vừa đi làm vừa chăm con, các chính sách từ chính quyền và doanh nghiệp đang cố đẩy phụ nữ khỏi thị trường lao động để về lo nội trợ nếu họ sinh đẻ, theo The New York Times.
Bella Wang (32 tuổi) thường nhận được câu hỏi đã có con chưa mỗi lần đi phỏng vấn xin việc. Đây cũng là câu hỏi phổ biến mà các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc dùng với ứng viên nữ.
Wang được yêu cầu ký "thỏa thuận đặc biệt", sẽ bị đuổi việc nếu sinh con trong vòng 2 năm. Ảnh: The New York Times. |
Tuy nhiên, Wang đã ngạc nhiên trước yêu cầu kỳ lạ sau khi cô nhận lời làm quản lý tại một công ty đào tạo ngôn ngữ ở thành phố Thiên Tân. Đã kết hôn và chưa có con, cô phải ký "thỏa thuận đặc biệt", cam kết không sinh con trong vòng 2 năm. Nếu vi phạm, Wang sẽ lập tức bị đuổi việc mà không được bồi thường.
Những thỏa thuận như vậy là bất hợp pháp nhưng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, nơi sự phân biệt đối xử với phụ nữ đang gia tăng.
"Khi các nhà hoạt động chính sách cần bàn tay lao động của phụ nữ, họ khuyến khích phụ nữ lao động. Giờ đây, họ muốn đẩy nữ giới vào cuộc hôn nhân và sinh nhiều con hơn", Wang Zheng, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và lịch sử tại Đại học Michigan, nói.
Phụ nữ bị ép nghỉ việc nếu có con, và các quan chức đang thúc giục họ tập trung vào cuộc sống gia đình. Những người cố gắng bám trụ trong thị trường lao động chấp nhận cảnh có thu nhập thấp hơn nam giới.
Phụ nữ Trung Quốc được trả ít tiền hơn đàn ông nhưng được kỳ vọng sẽ đảm đương mọi trách nhiệm trong gia đình lẫn công việc. Ảnh: The New York Times. |
Cách đây khoảng 30 năm, khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách thị trường, phụ nữ kiếm được số tiền bằng 80% so với nam giới. Đến năm 2010, thu nhập trung bình của phụ nữ so với nam giới giảm còn 67% ở thành phố, và 56% ở vùng nông thôn.
Với sự chuyển đổi kinh tế, phụ nữ nước này đang kiếm được nhiều tiền hơn và số lượng nữ giới tốt nghiệp đại học lớn hơn bao giờ hết. Song lợi ích của họ so với nam giới vẫn không cân xứng.
Theo một nghiên cứu, sự bất bình đẳng thu nhập theo giới tính ở Trung Quốc thậm chí sâu sắc hơn cả sự phân hóa ở thành thị và nông thôn.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Trung Quốc từng có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới, với gần 3/4 phụ nữ làm việc vào năm 1990. Giờ đây, con số này giảm xuống còn 61%.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, những bà mẹ đi làm phải gánh vác nhiều trọng trách hơn. Họ được kỳ vọng làm tốt mọi nhiệm vụ nơi công sở, vừa phải đảm đương việc nhà, chăm sóc và giám sát học hành của con.
Tại nơi làm việc, các nhà quản lý muốn loại bỏ biên chế của những nhân viên nữ có thể cần nghỉ thai sản. Các công ty coi việc tuyển dụng hoặc thăng chức cho một phụ nữ đã kết hôn mà chưa sinh con là "canh bạc lớn".