Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Một đêm của anh chàng bartender Sài Gòn

Trong suốt ca làm việc, đôi tay của Thông phải liến thoắng liên tục để pha chế thức uống. Tuy nhiên, nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên môi anh vì niềm vui được phục vụ khách hàng.

MỘT ĐÊM CỦA ANH CHÀNG BARTENDER SÀI GÒN

Trong suốt ca làm việc, đôi tay của Thông phải liến thoắng liên tục để pha chế thức uống. Tuy nhiên, nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên môi anh vì niềm vui được phục vụ khách hàng.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 1

"Nếu như mọi người trên thế giới này trở thành kẻ thù của con và con chỉ có duy nhất một người là đồng minh, con nghĩ người đó là ai?", ông lão vừa ngồi trên bàn làm việc, vừa hỏi cô cháu gái (một nhà báo trẻ của tuần báo Tokyo Wonder Night), trong lúc cô vẫn đang ngẩn ngơ, chưa tìm thấy câu trả lời.

"Bartender (người pha chế rượu)", ông lão tự trả lời, trước ánh mắt ngạc nhiên của cô gái.

"Bartender sẽ không bao giờ phản bội người khách hàng đang ngồi đối diện với anh ta trong quầy. Hơn nữa, chỉ có bartender được lựa chọn mới có thể tạo ra chén rượu thần thánh, hảo hạng nhất - thứ có thể cứu giúp linh hồn tuyệt vọng đang cô đơn", ông lão diễn giải thêm.

Đó chính là định nghĩa về nghề bartender trong đoạn mở đầu của bộ phim Người pha chế rượu, lên sóng truyền hình Nhật Bản năm 2010.

Ở Việt Nam, dù mới được du nhập khoảng 10 năm trở lại đây, nghề bartender cùng hình ảnh người pha chế rượu đứng trong quầy bar cũng gần như tương tự định nghĩa trên: Là người tạo ra một ly cocktail thơm ngon, giúp giải toả cảm xúc và trở thành một người bạn của khách hàng.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 2

Từ anh chàng giữ xe đến bar trưởng

Phạm Lữ Trường Thông là trưởng quầy bar tại một quán rượu mới mở nhưng khá có tiếng ở trung tâm quận 1. Mới 25 tuổi, nhưng anh đã là bartender nổi bật trong nghề, với hơn 5 năm kinh nghiệm, từng làm việc cho nhiều quán bar tại TP.HCM.

Kể về cơ duyên vào nghề, Trường Thông cho biết mọi thứ đến với anh rất tình cờ. Nghỉ học từ năm 15 tuổi, Thông lăn lộn ra đời với công việc đầu tiên là phụ bếp ở một nhà hàng trên đường Pasteur. 2 năm làm tại đây giúp anh có cơ hội lên vị trí đứng bếp.

Tuy nhiên, chàng thanh niên 17 tuổi khi ấy không tìm thấy đam mê trong bếp núc, "dù sau này có lên bếp trưởng cũng không hứng thú". Vậy nên, Thông xin nghỉ để tránh mất thời gian, rồi về phụ giúp cha tại một bãi giữ xe ở đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP.HCM.

Chính trong khoảng thời gian giữ xe, Thông có dịp quen biết những người làm bartender ở các quán bar gần đó. Qua một số lần trò chuyện, anh cảm thấy tò mò về nghề nên lên mạng tìm loạt video dạy pha chế, rồi bắt đầu yêu thích các động tác lắc chai, tung hứng (flair) đặc trưng của công việc đứng trong quầy bar.

Tuổi trẻ thích thử thách và trải nghiệm, Thông dành hết số tiền tích cóp được trong khoảng thời gian đi làm trước đó để đăng ký một khoá học bartender kéo dài 6 tháng.

"Lúc ấy, mình chỉ nghĩ thích, đi học thử cho biết, ai ngờ càng học càng mê, mê nhất là lúc kết hợp các loại rượu, thảo mộc, nước trái cây... bằng động tác đẹp mắt để tạo thành một ly cocktail ngon", 9X giãi bày.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 3

Vừa học trên lớp, Thông vừa tiếp tục về nhà mày mò, tìm hiểu thêm các kỹ thuật flair từ video trên mạng và tự tập luyện sao cho thật thuần thục, đẹp mắt.

Thời gian đầu chưa có điều kiện, chàng trai không thể tự trang bị cho mình những chai lọ chuyên dụng, mà tập flair bằng chai nhựa. Ấy vậy những cú tung hứng chai nhựa cũng đủ khiến cho hai cánh tay anh bị bầm tím, đau nhức rất lâu. Nhưng chính nhờ khoảng thời gian khổ luyện này, kỹ năng flair của 9X tiến bộ rõ rệt, giúp anh tìm được chỗ làm tại một quán bar ngay sau khi kết thúc khoá học.

Qua vài năm, với sự cố gắng và nỗ lực tìm tòi, học hỏi nâng cao tay nghề, từ một bartender non trẻ, Thông đã trở thành bar trưởng, chịu trách nhiệm về tất cả loại nước uống tại quán rượu.

Chàng bartender biểu diễn kỹ năng pha chế cocktail Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề, Phạm Lữ Trường Thông biểu diễn pha chế ly cocktail bằng các động tác tung hứng thuần thục.

Làm việc từ 18h đến 1h sáng

Khác với hầu hết công việc thông thường, do đặc thù làm đêm, một ngày "hành nghề" của Thông bắt đầu từ 18h.

Xuất phát từ căn nhà nằm sâu trong con hẻm ở quận Gò Vấp, anh vượt qua dòng người đang ùn ùn trở về nhà sau một ngày làm việc để đến quán rượu, khi trời đã nhá nhem tối và làm đến 1h sáng hôm sau.

Công việc đầu tiên khi vào quán của Thông là kiểm tra và lau từng chai rượu trên kệ. Thói quen này đã hình thành từ lúc mới vào nghề.

Một trong những khó khăn lớn nhất của nghề bartender là phải nhớ tên, hương vị của hàng nghìn chai rượu. Cùng là rượu Rum nhưng có rất nhiều chủng loại như Dark Rum, Light Rum... đến từ các thương hiệu khác nhau và mỗi loại lại có hương vị đặc trưng. Vì thế, việc tỉ mẩn lau từng chai sẽ giúp người pha chế khắc sâu vào trí nhớ tên các loại rượu.

Một thành phần không thể thiếu cho một ly cocktail là các loại thảo mộc và trái cây như hồi, quế, đinh hương, sả, cam, chanh... Tất cả đều được 9X kiểm tra tỉ mỉ để sẵn sàng để tạo nên những ly cocktail thơm ngon, phục vụ cho khách hàng đến quán.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 8
mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 11
Để giỏi nghề, các bartender phải học thuộc tên và hương vị của hàng nghìn loại rượu khác nhau.

Càng về đêm, lượng người đến quán càng đông hơn, đây cũng là lúc ca làm việc của Thông trở nên tất bật. Tay anh liến thoắng, liên tục lấy rượu, pha syrup, lắc bình, trang trí... Tất cả công đoạn đều được thực hiện nhanh chóng nhưng cũng không kém phần chuẩn xác để đảm bảo liều lượng tiêu chuẩn cho mỗi ly cocktail.

Thông chia sẻ bình thường, đối với những khách hàng đã quen uống cocktail, khi đến quán, họ sẽ biết chính xác loại cocktail mình muốn uống và yêu cầu bartender chế biến. Tuy nhiên, với những khách hàng còn lạ lẫm với loại thức uống này, anh phải dành thời gian tư vấn.

"Đây chính là lúc kỹ năng nắm bắt tâm lý và kiến thức về các loại rượu của mình được chứng minh. Mình phải biết cách gợi ý cho khách hàng về hương vị rượu phù hợp với tâm trạng của họ để mỗi ly cocktail thật sự là một trải nghiệm khó quên", chàng trai tâm sự.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 12
mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 15
Mỗi ly cocktail trước khi đến tay khách hàng đều được Thông cẩn thận kiểm tra hương vị bằng cách cho một lượng nhỏ lên tay rồi nếm thử. Đây là bước rất quan trọng để đảm bảo ly cocktail được pha chuẩn vị, đúng ý đồ của bartender.

Một bartender giỏi phải biết trò chuyện, chia sẻ với khách hàng về các vấn đề trong cuộc sống. Có vị khách tìm đến quán rượu đơn giản chỉ vì cần một người bầu bạn sau những giờ phút làm việc căng thẳng.

Vì thế, ngoài kỹ năng pha chế tốt, bartender còn cần biết nắm bắt tâm lý của khách thông qua những câu chuyện phiếm và thực sự trở thành bạn của họ. Tuy nhiên, có không ít lần khách hàng lại chính là nguồn cơn gây rắc rối trong quán.

Chẳng hạn một khách Tây mặc vest đến quán của Thông uống rượu, sau khi say khướt thì đi thách thức tất cả nhân viên trong quán đánh nhau. Phải kiên nhẫn lắm, anh mới khiến cho vị khách này bình tĩnh trở lại.

"Đó là góc khuất phức tạp của nghề mà một bartender thường xuyên phải đối mặt", 9X nói.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 18
Nguyễn Bích Trâm (28 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) là tín đồ của cocktail. Cô cho biết thích uống loại nước này vì có đủ mọi hương vị chua, cay, mặn, ngọt... và những mùi vị đa dạng này phụ thuộc rất lớn vào sự sáng tạo của bartender. Ngoài ra, các động tác pha chế đẹp mắt của bartender cũng rất thu hút cô.

Vòng xoay công việc cứ thế lặp lại liên tục cho đến khi khách hàng về hết và đồng hồ đã điểm 2h sáng.

Thông cùng người đồng nghiệp thu xếp đồ đạc ra về, không quên ghé quán hủ tíu ven đường ăn lót dạ sau một đêm làm việc mệt nhoài.

Gia đình là điểm tựa vững chắc

25 tuổi, Thông đã lấy vợ được 2 năm và có một bé trai. Tuy nhiên, để có được gia đình nhỏ này, anh phải phấn đấu rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn thuyết phục nhà gái.

Bà Tạ Thị Huế - mẹ vợ Thông - tâm sự: "Hồi đầu, tôi không chịu nó làm rể đâu, tại thấy nó làm nghề kiểu hoạt động về đêm như vầy, tiếp xúc với đủ thứ phức tạp, nguy hiểm lắm!".

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến Thông chịu khó làm nghề, không tụ tập, chơi bời, dần dần, bà cũng chấp nhận gả con gái cho anh.

Còn đối với Nguyễn Thị Tuyết Vy - vợ Thông, cô chia sẻ: "Vợ chồng làm trái giờ với nhau, mình làm ban ngày, chồng làm ban đêm, nhưng mình rất thông cảm cho đam mê của anh và ủng hộ chồng hết mình".

Chính tình cảm này của Vy đã khiến Thông vững lòng và "mỗi ngày đi làm xong chỉ muốn về thật nhanh với vợ con".

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 21
mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 24

Vợ và con trai ra chào Thông trước khi anh đi làm.

Sau hơn 5 năm theo nghề, đến nay, Thông đã xác định được đây chính là đam mê và sự nghiệp mình theo đuổi. Anh hy vọng những bạn trẻ mới vào nghề chịu khó siêng năng, học hỏi, sống đúng với đam mê và chấp nhận gian khổ, đừng vì khó khăn ban đầu mà bỏ ngang.

Bản thân bartender là một người phục vụ, và niềm vui của người phục vụ không gì khác hơn là làm cho khách hàng cảm thấy hạnh phúc.

mot dem lam viec cua anh chang bartender o Sai Gon anh 25

Liêu Lãm

Bạn có thể quan tâm