''Mốt'' độc thân
Ngày nay, nhiều ông bố bà mẹ như ngồi trên đống lửa khi đến "giờ G" mà quý cô, quý cậu vẫn... bằng chân như vại!
>>10 lý do cho cuộc sống độc thân
![]() |
Ảnh minh họa |
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!...
Hiện nay, ở thành phố lớn, các bạn trẻ thường có xu hướng lập gia đình muộn. Không chỉ đấng mày râu mà các nữ nhi thường tình ngoài tuổi "băm" mới yên bề gia thất cũng không còn có gì đáng ngạc nhiên. Dường như số nam thanh nữ tú "thử" lòng kiên nhẫn của các bậc phụ huynh như thế ngày càng nhiều. Phụ huynh than ngắn thở dài là điều dễ hiểu, nhưng với những người trong cuộc, liệu họ có thật sự bằng chân như vại?
Đã đến tuổi lập gia mà Quang Anh - phó phòng dự án của một viện nghiên cứu vẫn chưa chịu "kết" cô nào. Ba mẹ anh hết nói nhẹ, khuyên nhủ, tằng hắng cho đến giận dỗi, trách móc nhưng cậu quý tử vẫn không rục rịch gì. Quang Anh cũng nhiều phen "rối như canh hẹ" vì các cụ nóng lòng sốt ruột.
Không chỉ áp lực từ trong nhà mà cứ hễ gặp hàng xóm, láng giềng, bạn bè của ba mẹ, anh chị em, câu đầu tiên anh bị "tra tấn" lúc nào cũng là chuyện hôn nhân, cho dù bản thân anh cũng chưa biết nửa kia của mình tròn méo như thế nào. Không đành lòng thấy ba mẹ buồn phiền, cũng đã có lúc, anh tính dọn ra ngoài ở riêng, để "các cụ không nhìn thấy thì đỡ sốt ruột hơn", anh chia sẻ.
Nỗi niềm không của riêng ai
Nguyên nhân được đưa ra "bào chữa" nhiều nhất vẫn là những lý do công việc hoặc mải lập thân mà quên đi nhiệm vụ nặng nề là phải lập gia. Nhưng thực tế cuộc sống không hẳn chỉ có như thế.
Là con cả trong gia đình, Thúy An mải "cày cuốc" để lo cho các em an học, vừa trang trải cho cuộc sống. Không xinh đẹp, nhưng có duyên khiến không ít chàng trai theo đuổi, tuy nhiên trách nhiệm với gia đình và em út còn khá nặng nên cô chưa chú ý đến chuyện hôn nhân.
Khi cuộc sống dư dả hơn, em út cũng đã tự lập, thì Thúy An đã bước sang "đầu ba". Phần vì những trở ngại vì tuổi tác, phần vì thuộc tuýp người thành đạt, những người đàn ông trước đây đều rơi rớt dần, nhưng người mới thì tỏ ra yếu thế nên không tự tin để đến với cô. Một mái ấm gia đình vẫn luôn là niềm mong mỏi của Thúy An, cô vẫn luôn cởi mở, sống vui vẻ, thân thiện với mọi người, nhưng vẫn luôn phải "một ngày như mọi ngày". Thành công trong sự nghiệp đã không che giấu được dấu vết tuổi tác và những nỗi cô đơn sau hào quang của danh vọng.
Trong khi đó, tài chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều đấng mày râu phớt lờ với "một ngôi nhà và những đứa trẻ". Tuấn - nhân viên văn phòng và mức lương "thường thường bậc trung" nên qua gần nửa đời người mà anh vẫn là "người độc thân vui vẻ". Quan niệm người trụ cột gia đình khiến Tuấn không đủ tự tin để góp gạo thổi cơm chung với ai. Anh tâm sự: "Kinh tế chưa vững, nuôi bản thân đã khó, làm sao có thể nuôi vợ và con sau này, lại thêm một loạt những khoản chi tiêu khi có gia đình".
Đối lập với những trường hợp này là Minh Hương, cuộc sống của cô là một mũi tên bay thẳng. Hương ít gặp khó khăn, trở ngại về tiền bạc, tình cảm cũng chẳng thiếu thốn gì. Gái thành phố, gia đình lại khá giả và có phong cách sống khá Tây. Từ bé, Hương đã không thích bất cứ sự ràng buộc nào.
Bởi vậy, yêu Tiến cũng đã hơn năm năm nhưng nhắc đến chuyện cưới xin là Hương cứ chối đây đẩy. Hương sợ những ràng buộc của cuộc sống vợ chồng, con cái rồi gia đình hai bên sẽ làm mất sự an nhàn, tự do, tự tại bất lâu "Chẳng dại gì phải đeo gông vào cổ sớm. Chơi đã. Có gì đâu mà vội!", Hương phát biểu rất thoải mái.
Cũng có những trường hợp quá nặng tình với người cũ nên khó để tìm được ý trung nhân và thờ ơ luôn với việc lập gia đình. Một nguyên nhân thường được các "đương sự" đưa ra nhiều nhất vẫn là do... duyên số. Không ít những trai tài, gái sắc phải chịu cảnh "phòng không nhà trống" dù bản thân họ cũng rất tích cực tìm kiếm hạnh phúc. Họ cũng nỗ lực để có một mái ấm gia đình nhưng không hiểu vì lý do gì mà đường tình duyên lại mịt mùng đến thế nên đành phải ngậm ngùi, thôi thì "nhân định không bằng thiên định".
Gia đình "một thành viên"
Ngày càng có nhiều phụ nữ khắt khe trong việc lựa chọn bạn đời. Phần đông họ là những người có học thức, địa vị và hơn ai hết, họ kiếm tiền cũng chẳng thua kém gì các đấng mày râu. Chính vì thế, họ thường khó tìm được người đàn ông phù hợp với mình, quanh đi quẩn lại tuổi đã xế chiều.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ phải lấy chồng cho... có chồng. Đã có không ít phụ nữ sinh con mà không cần phải lấy chồng và vẫn sống vui vẻ, lạc quan. Thúy An từng tâm sự: "Xã hội bây giờ đang dần chấp nhận phụ nữ tự sinh con và nuôi con một mình. Chị Mai, đồng nghiệp của mình vừa sinh được một bé trai rất kháu khỉnh. Đó cũng la một gợi ý hay cho mình. Tất nhiên, nếu tìm được một nửa phù hợp, mình vẫn mong muốn có một gia đình trọn vẹn cả cha, mẹ và những đứa con...".
Không chỉ với những ai đến tuổi lập gia đình còn thờ ơ với việc lựa chọn bạn đời mà ngay cả với nhiều người đang "yên bề gia thất" thời nay cũng sẵn sàng... ra ở riêng nếu cuộc sống vợ chồng của họ gặp trắc trở. Quan niệm về hôn nhân ngày càng thông thoáng khiến những ràng buộc trong đời sống chúng không còn quá nặng nề với người "rút áo ra đi". Chị Thanh Liên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Sau ba năm lập gia đình, không chịu nổi tính trăng hoa của chồng chị đã chọn cách đường ai nấy đi và một mình nuôi con. Khác với cách đối phó thông thường của phần đông phụ nữ là tìm cách giữ chồng hoặc ghen tuông ầm ĩ, chị mạnh dạn lựa chọn cuộc sống độc thân để tự giải thoát cho cả hai người.
Trường hợp như Thanh Liên có lẽ không còn hiếm, ở đâu đó vẫn bắt gặp những người phụ nữ một thân một mình nuôi con trưởng thành. Tuy nhiên, có câu "con chăm cha không bằng bà chăm ông" để nói lên sự cần thiết có vợ, có chồng nhất là lúc tuổi về già hay những lúc trái gió trở trời. Và trong quan niệm của người Á - Đông, không có gia đình là một trong những nỗi bất hạnh nhất mà người ta phải gánh chịu. Bởi vì suy cho cùng, dù cuộc sống vật chất đầy đủ thế nào, dù muốn tự do ra sao thì gia đình vẫn là bến đỗ cuối cùng cho một đời người.
Theo Mỹ Thuật